Xuất khẩu gỗ: Đơn hàng kín cả năm, doanh nghiệp chưa hết lo

Nguyên Vỹ Chủ nhật, ngày 04/04/2021 13:23 PM (GMT+7)
Dù xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ được dự báo tiếp tục tăng trưởng; thậm chí, nhiều đơn vị có đơn hàng xuất khẩu gỗ kín cả năm, nhưng các doanh nghiệp vẫn lo lắng trong việc duy trì kết quả kinh doanh.
Bình luận 0

Xuất khẩu gỗ nhiều mà vẫn lo

Thị trường nhà ở của Mỹ tăng trưởng mạnh, kéo theo nhu cầu về đồ nội thất gia đình tăng trong năm 2021 và những năm tới. Đây là nguyên nhân và cũng là cơ hội lớn cho thị trường xuất khẩu gỗ nội thất, trong đó có doanh nghiệp Việt. Đồng thời, dịch Covid-19 làm hạn chế việc di chuyển, thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ làm việc tại nhà ở nhiều nước, cũng khiến xuất khẩu gỗ nội thất phát triển rất nhanh thời gian gần đây.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, 3 tháng đầu năm, xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng hơn 54% so với cùng kỳ

Theo Cục Xuất nhập khẩu, 3 tháng đầu năm, xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng hơn 54% so với cùng kỳ

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,7 tỷ USD (tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2,86 tỷ USD (tăng 54,1% so với cùng kỳ năm 2020).

Ông Nguyễn Thanh Được - Giám đốc Công ty CP gỗ Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) - cho biết: Năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất của công ty. Thế nhưng, năm ngoái, sản lượng sản phẩm gỗ tinh chế của doanh nghiệp đạt đến 138% kế hoạch năm, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2019.

Công ty CP gỗ Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) có đơn hàng xuất khẩu đến hết tháng 6 năm nay

Công ty CP gỗ Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) có đơn hàng xuất khẩu đến hết tháng 6 năm nay

Hiện nhà máy của công ty gỗ Dầu Tiếng sản xuất tới đâu là xuất khẩu đến đó. Và, đơn hàng đã kín đến hết tháng 6 năm nay. Công ty này cũng đang lập dự án xây dựng thêm một nhà máy sản xuất các sản phẩm gỗ tinh chế khác.

Tuy nhiên, ông Được cũng cho biết, cái khó của các doanh nghiệp gỗ là diện tích rừng cao su ngày càng giảm. Trong tương lai không xa, nguồn gỗ cao su cung cấp cho sản xuất, chế biến cũng sẽ không còn nhiều. Nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất là mối lo trong dài hạn mà công ty phải tính đến.

Sản phẩm gỗ cũng là một trong 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Đồng Nai. Hiện nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai cũng đã có đơn hàng phủ kín cả năm. Tuy nhiên không ít đơn vị vẫn chưa hết lo âu khi sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn.

Nguồn gỗ cao su cung cấp cho sản xuất, chế biến cũng sẽ không còn nhiều.

Nguồn gỗ cao su cung cấp cho sản xuất, chế biến cũng sẽ không còn nhiều.

Một trong những lo ngại lớn nhất là chuỗi cung ứng đứt đoạn, do Covid-19 làm giá nguyên liệu tăng, kéo theo giá thành tăng lên. Tuy nhiên, do không dễ tăng giá bán sản phẩm, nên dù đơn hàng xuất khẩu nhiều mà doanh nghiệp kém vui, vì lợi nhuận giảm.

Theo ông Nguyễn Tiến Chương – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp xuất khẩu Đồng Nai: Do Covid-19 và thương chiến Mỹ-Trung, một số quốc gia có biện pháp bảo hộ hàng nội địa. Các nước này áp dụng chính sách tài khóa làm cho tỷ giá trên thị trường trong thanh toán xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng.

"Doanh nghiệp có thể xuất khẩu được số lượng nhiều, nhưng giá bán lại thấp. Đó là 1 trong những nguyên nhân sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay của Đồng Nai" - ông Chương nói.

Đẩy mạnh xuất khẩu gỗ tinh chế

Bà Lê Thị Xuyến - Tổng Giám đốc Công ty chế biến gỗ Thuận An TAC ở  TX.Thuận An (Bình Dương) - đánh giá: Tình hình thương chiến Mỹ-Trung vẫn chưa có nhiều cải thiện, các đơn hàng sẽ còn tiếp tục đổ về Việt Nam.

Công nhân sản xuất đồ gỗ ở công ty chế biến gỗ Thuận An, Bình Dương

Công nhân sản xuất đồ gỗ ở công ty chế biến gỗ Thuận An, Bình Dương

TAC cũng có đơn hàng xuất khẩu kín cả năm 2021, cũng đang sản xuất với 130% công suất và sắp mở thêm nhà máy mới ở Bình Phước. Tuy nhiên, đại diện TAC cho biết, doanh nghiệp không dám chủ quan, mà chỉ mở rộng sản xuất trong mức độ có thể kiểm soát để hạn chế rủi ro.

Bà Xuyến phân tích, cuối năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam tăng trưởng mạnh nhưng các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh khốc liệt với khối FDI hoặc các công ty Trung Quốc qua Việt Nam đầu tư từ năm 2019.

Các đơn vị thành viên của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) như: gỗ Thuận An, gỗ Dầu Tiếng được công ty mẹ phân bổ nguồn nguyên liệu gỗ cao su. Tuy nhiên, theo bà Xuyến, lợi thế này không lớn. Khách hàng nhập khẩu có nhu cầu rất đa dạng các loại gỗ chế biến. TAC cũng phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu.

Công ty gỗ Thuận An sẽ chú trọng hơn vào các mẫu mã do chính công ty thiết kế và sản xuất

Công ty gỗ Thuận An sẽ chú trọng hơn vào các mẫu mã do chính công ty thiết kế và sản xuất

Thời gian qua, giá nguyên liệu trong và ngoài nước tăng từ 10-30%, nhưng đàm phán tăng giá bán sản phẩm không hề dễ. Vì thế, công ty phải thực hiện nhiều giải pháp tăng năng suất và tiết kiệm chi phí.

Bà Xuyến cho biết, sắp tới, TAC vẫn tập trung vào dòng sản phẩm gỗ tinh chế nhưng chú trọng hơn vào các mẫu mã do chính công ty thiết kế và sản xuất. Điều nay sẽ giúp công ty chủ động tìm kiếm khách hàng mới với đơn hàng có giá trị kinh tế cao. Đồng thời tự sản xuất các chi tiết kết hợp trong đồ nội thất nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp bên ngoài.

Theo lãnh đạo tập đoàn VRG, ngành gỗ là lĩnh vực có biên lợi nhuận khá tốt. Tuy nhiên, trong 15 công ty chế biến gỗ thành viên, sản phẩm gỗ tinh chế chỉ mới chiếm tỷ lệ thấp hoặc vẫn gia công theo mẫu mã thiết kế của khách hàng. Vì thế, sản phẩm chưa tạo được thương hiệu riêng cho các công ty cũng như tập đoàn.

Tập đoàn cao su VRG cho biết sẽ tập trung vào dòng sản phẩm gỗ tinh chế thay vì chỉ sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm gỗ thô

Tập đoàn cao su VRG cho biết sẽ tập trung vào dòng sản phẩm gỗ tinh chế thay vì chỉ sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm gỗ thô

Ông Huỳnh Tấn Siêu - Trưởng ban công nghiệp của VRG - cho biết: Việt Nam và các nước đang thắt chặt chính sách đóng cửa rừng. Nhu cầu về sản phẩm sản xuất từ gỗ cao su sẽ gia tăng.  

Trong điều kiện nguồn nguyên liệu đầu vào ngày càng hạn chế, mục tiêu của VRG trong 5 năm tới là tăng gấp đôi sản phẩm tinh chế so với hiện nay thay vì chỉ sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm gỗ thô.

Tập đoàn VRG dự kiến sẽ hình thành một khu công nghiệp với quy mô lớn, chuyên về ngành chế biến gỗ ở khu vực Đông Nam Bộ. Dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển các công ty chế biến gỗ của Tập đoàn, vừa tạo hạ tầng để phát triển ngành gỗ ở khu vực mà chế biến gỗ phát triển sôi động nhất nước.

"Tùy điều kiện cụ thể, lợi thế có được, mỗi công ty cần chủ động hoạch định chiến lược đầu tư phát triển, xây dựng lộ trình chuyển dần từ sản xuất gỗ phôi sang ghép tấm và gỗ tinh chế với tỷ trọng thích hợp", ông Siêu chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem