Xuất khẩu khẩu trang, lối thoát cho DN dệt may mùa Covid – 19?

Thanh Phong Thứ hai, ngày 11/05/2020 16:44 PM (GMT+7)
Hiện tại, tình hình dịch Covid – 19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) dệt may trong nước liên tục có những đơn hàng khẩu trang “triệu USD”. Liệu đây có phải hướng đi nhằm giúp DN phần nào tháo gỡ khó khăn do đợt dịch Covid – 19 gây ra?
Bình luận 0

DN dệt may đủ "sức" nhưng còn lúng túng

Theo nhận định của ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, hiện tại, dịch Covid – 19 vẫn diễn biến rất phức tạp trên thế giới. Do đó, khi quốc tế còn cần khẩu trang nghĩa là DN còn cơ hội phải tận dụng khéo léo những mối quan hệ sẵn có để thúc đẩy việc xuất khẩu khẩu trang.

"Đối tác Mỹ đặt mua 20 triệu khẩu trang vải trong 6 tuần, Đức đã đặt mua 2 triệu khẩu trang vải, 6 triệu chiếc khẩu trang y tế. Ngoài ra, chúng tôi đã nhận được đơn hàng khoảng 400 triệu khẩu trang y tế và dự kiến giao hàng từ tháng 7 với giá trị 52 triệu USD (tương đương 30% doanh thu May 10 trong năm 2020). Chưa hết, bộ đồ phòng, chống dịch cũng đang có khách yêu cầu 2 triệu bộ…", ông Việt chia sẻ.

Ngoài ra, ông Việt cũng cho hay, hiện tại, Tổng công ty không có dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế nhưng đã ngay lập tức đặt mua để kịp thời giao hàng đúng hẹn nhằm "gỡ" thiệt hại.

Xuất khẩu khẩu trang, lối thoát cho DN dệt may mùa Covid – 19? - Ảnh 1.

Dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp trên thế giới, DN dệt may việt liên tục có đơn hàng khẩu trang "triệu USD".

"Đa số những công ty xuất khẩu được đều nhờ vào những mối quan hệ uy tín trước đó trong ngành dệt may và từ đó chất lượng sẽ lan tỏa, nhờ đó có thể đưa khẩu trang thành một sản phẩm mới chiến lược lâu dài của doanh nghiệp", ông Việt nói.

Tương tự, ông Hoàng Tiến, Giám đốc Công ty TNHH May - Xuất nhập khẩu Trường Tiến thừa nhận, việc sản xuất khẩu trang vải diễn ra ồ ạt khi nguồn cung khẩu trang y tế khan hiếm khiến cho nhiều doanh nghiệp lúng túng khi thị trường trong nước bão hòa.

Tuy nhiên, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành may mặc, ngay từ đầu ông Tiến đã chủ động tìm kiếm đối tác nước ngoài. Do đó, khi nhiều doanh nghiệp khác đang loay hoay tìm cách xoay chuyển thị trường khi nhu cầu trong nước dần bão hòa thì Trường Tiến đã có đơn hàng xuất ngoại.

Theo ông Tiến cho biết, hiện tại, những đơn hàng trong nước của cty đã dừng hẳn nên cơ sở chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài. Mỗi đơn hàng ít nhất khoảng 5.000 chiếc khẩu trang và hiện tại xưởng đang chuẩn bị cho đơn hàng 1 triệu chiếc sẽ được giao cho đối tác tại Pháp trong 20 ngày tới.

"Đây là cơ hội hiếm có mà doanh nghiệp cần tận dụng, không những tạo mối quan hệ lâu dài mà là thời điểm tốt nhất quảng bá sản phẩm. Song, nó chỉ dành cho những doanh nghiệp xây dựng quy mô sản xuất đạt chuẩn. Quy mô này đơn giản được hiểu là máy móc hiện đại phù hợp với thiết kế, chất lượng sản phẩm có tiêu chuẩn cao trong nước, hiểu biết thị trường…", Ông Tiến cho hay.

Cụ thể, ông Tiến cho hay những đơn hàng xuất khẩu đi 7 nước lớn như Pháp, Nhật Bản, Israel, Mỹ, Hà Lan, Ý, Singapore có được là do mối quan hệ uy tín 10 năm. Theo đó, các đối tác này đều thử nghiệm độ an toàn theo tiêu chuẩn nước sở tại sau đó mới tiến hành việc đặt đơn hàng chứ chưa đòi hỏi các tiêu chuẩn ngay lập tức.

Tuy nhiên, cũng theo ông Tiến đánh giá, làm tiêu chuẩn cho khẩu trang vải cũng là vấn đề khó nhất thời điểm này. Nguyên nhân là do đây là mặt hàng mới chưa có trong tiền lệ và rất tốn kém nên nhiều doanh nghiệp sẽ "chết" nếu xoay không kịp.

Chất lượng, uy tín là trên hết

Trao đổi về vấn đề tiêu chuẩn cho khẩu trang xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, chất lượng hàng hoá là yếu tố quan trọng hàng đầu trong xuất nhập khẩu hàng hoá, làm nên thương hiệu của doanh nghiệp thậm chí tác động một phần tới uy tín quốc gia.

Theo ông Hải, hiện tại, dù đã có những lợi thế nới lỏng về tiêu chuẩn xuất khẩu trong thời điểm này, tuy nhiên, khẩu trang, cũng như các thiết bị phòng hộ cá nhân (PPE) khác đều là những mặt hàng liên quan đến sức khỏe, an toàn của người sử dụng.

Do vậy, các nước nhập khẩu thường có những tiêu chuẩn về chất lượng khắt khe đối với các mặt hàng này. Đặc biệt, đối với các thị trường như EU và Hoa Kỳ, các tiêu chuẩn này là bắt buộc. Do đó, về lâu dài, nếu không có các tiêu chuẩn theo quy định thì hàng xuất khẩu có thể bị đẩy ra khỏi thị trường.

Xuất khẩu khẩu trang, lối thoát cho DN dệt may mùa Covid – 19? - Ảnh 2.

Các cơ quan quản lý cần sớm tạo hành lang pháp lý, "mở đường" cho khẩu trang xuất khẩu.

Theo ông Hải, trên thực tế, thời gian vừa qua, nhiều DN đã lúng túng khi muốn xin cấp chứng nhận CE và FDA là những tiêu chuẩn phổ biến ở EU và Hoa Kỳ. Ngoài ra, DN cũng thắc mắc về tổ chức có thẩm quyền cấp chứng nhận, băn khoăn về việc giấy chứng nhận được cấp liệu có được nước nhập khẩu chấp nhận hay không...

Vậy phải làm cách nào để xây dựng tiêu chuẩn cho khẩu trang vải theo chứng nhận CE hoặc FDA? Trả lời câu hỏi này, ông Đinh Ngọc Long, Phó trưởng phòng Phòng chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn (Trung tâm Chứng nhận Phù hợp – QUACERT, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết, khẩu trang vải là sản phẩm bảo vệ sức khỏe nên quy trình của nó là tốp khắt khe nhất.

Do đó, để làm tiêu chuẩn cho khẩu trang vải, nhất thiết phải làm theo quy trình để tránh sai sót làm phát sinh chi phí bởi giá thành thẩm định hoàn thành hồ sơ tiêu chuẩn không hề nhỏ.

Theo ông Long, để đóng dấu CE (áp dụng cho thị trường EU) lên sản phẩm, ông Long cho biết, đầu tiên, cần xác định chỉ thị, các tiêu chuẩn phù hợp áp dụng cho sản phẩm. Sau đó, xác nhận và áp dụng các hạng mục yêu cầu pháp luật của chỉ thị vào thông tin chi tiết về mục đích sử dụng và đặc tính của sản phẩm.

Về tiêu chuẩn FDA (áp dụng cho nước Mỹ), là một tiêu chuẩn được xem là rất khó khăn, do một cơ quan y tế quốc gia vận hành đạo luật FD & C và một số luật y tế quốc gia liên quan nhằm bảo vệ người tiêu dùng Hoa kỳ. Nhiệm vụ chính của FDA là đảm bảo về tính hiệu quả và an toàn cho con người khi sử dụng thực phẩm, mỹ phẩm và thiết bị y tế…

"Mọi quy trình đều được thực hiện gần như giống nhau, tuy nhiên, đòi hỏi của FDA cao hơn về tính kỹ thuật nên chi phí ở mức cao, khoảng 300.000 USD/lần đánh giá. Đây là mức phí mà các doanh nghiệp nhỏ khó có thể theo đuổi suốt thời gian 1-2 năm để hoàn thành thủ tục và việc đánh giá được thực hiện lại hàng năm từ phía cơ quan tiêu chuẩn và không cố định thời điểm", ông Long nhấn mạnh.

Ông Long cũng bày tỏ, việc thực hiện gắn tiêu chuẩn sản phẩm dù được hướng dẫn rõ ràng, song không đơn giản bởi có nhiều nước còn chưa có quy định cho khẩu trang vải, trong khi lượng khẩu trang vải trong nước sản xuất bát nháo, phần lớn không theo quy chuẩn nào nên DN đừng kỳ vọng nhiều khi không tính đến chất lượng sản phẩm ngay từ đầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem