Xuất khẩu khó khăn do cước phí vận tải tăng cao, doanh nghiệp thủy sản thu lãi ở... điện mặt trời

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 15/05/2021 13:02 PM (GMT+7)
Chi phí sản xuất và tình trạng thiếu tàu, thiếu container và cước phí vận tải tăng cao, đặc biệt cước tàu đi Mỹ và EU tăng mạnh, khiến lợi nhuận quý 1/2021 của các doanh nghiệp (DN) thủy sản… thụt lùi. Để “cứu” lợi nhuận, các DN buộc phải trông chờ vào mảng kinh doanh khác.
Bình luận 0
Nhờ mảng kinh doanh khác, doanh nghiệp thủy sản mới “cứu” được lợi nhuận quý 1 - Ảnh 1.

Quý 1/2021, nhiều doanh nghiệp thủy sản có kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh so với cùng kỳ (Ảnh: IT)

2 tháng đầu năm "chật vật" vì cước tàu, thiếu container…

Hầu như tất cả các ngành hàng nông - thủy sản xuất khẩu của Việt Nam trong quý 1/2021 đều gặp khó khăn về chi phí cước tàu, thiếu container vận chuyển… Trong đó, ngành thủy sản là khá "chật vật", đặc biệt trong 2 tháng đầu năm.

Dữ liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, với ngành tôm, xuất khẩu trong quý 1/2021 trừ một số nước thành viên CPTPP, hầu như xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc và một số thị trường khác đều giảm. 

Cụ thể, sau khi tăng khoảng 16% so với cùng kỳ trong tháng 1, bước sang tháng 2 xuất khẩu tôm giảm khoảng 19% và hồi phục nhẹ 10% vào tháng 3. 

Kết quả chung, xuất khẩu tôm trong quý 1ước đạt 646 triệu USD, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ.

Với ngành cá tra, xuất khẩu trong quý 1 ước đạt 336 triệu USD, chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ. 

Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ và một số nước thành viên CPTPP tăng nhẹ, nhưng tại các thị trường trọng điểm khác của cá tra như Trung Quốc, EU lại sụt giảm mạnh.

Những khó khăn trên dường như đã phản ánh đúng vào kết quả kinh doanh quý 1 của nhóm ngành thủy sản.

Chẳng hạn, với "ông lớn" Vĩnh Hoàn (VHC), khép lại quý 1, "nữ hoàng cá tra" báo lãi ròng giảm 14%, xuống còn 131 tỷ đồng. 

Theo giải trình từ phía công ty nguyên nhân lãi giảm là do chi phí tăng cao trong đó chủ yếu là chi phí cước tàu.

Cụ thể, trên BCTC quý 1 được công bố, doanh thu thuần trong kỳ của "nữ hoàng cá tra" đạt 1.788 tỷ đồng tăng 9% so với cùng kỳ, song chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng cao so với cùng kỳ. 

Trong đó, khoản mục chi phí vận chuyển, lưu kho và các chi phí dịch vụ tăng đột biến lên hơn 76 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2020 chỉ 27,3 tỷ đồng).

Nhờ mảng kinh doanh khác, doanh nghiệp thủy sản mới “cứu” được lợi nhuận quý 1 - Ảnh 2.

Chế biến cá tra tại công ty con của Tập đoàn PAN.

"Vua tôm" Minh Phú (MPC) cũng có kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong quý 1. 

Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ của MPC chỉ đạt 1.634 tỷ đồng giảm 12% so với cùng kỳ, trong khi giá vốn hàng bán chiếm tới 92% trong doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp chỉ đạt gần 131 tỷ đồng giảm 8% so với quý 1/2020.

Trong kỳ, công ty mẹ Minh Phú có 81,7 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, giảm gần 20 tỷ đồng so với cùng kỳ; trong khi chi phí bán hàng tăng thêm 15 tỷ đồng lên hơn 70 tỷ đồng chủ yếu do tăng chi phí dịch vụ mua ngoài, nên sau khi trừ các khoản chi phí công ty mẹ MPC lãi sau thuế gần 103 tỷ đồng giảm 25,5% so với cùng kỳ 2020.

Với mặt hàng chủ lực là tôm, doanh thu giảm trong khi chi phí đồng loạt tăng mạnh đã khiến lợi nhuận quý 1 của Camimex Group (CMX) cũng giảm 46% so với cùng kỳ, xuống còn 8 tỷ đồng.

Tương tự, với Thủy sản MeKong (AAM), trong quý 1 doanh thu xuất khẩu giảm là nguyên nhân chính khiến AAM báo lỗ hơn 1 tỷ đồng, đây cũng là quý thua lỗ thứ 4 liên tiếp của AAM.

"Cứu cánh" lợi nhuận nhờ… kinh doanh khác

Trong khi các "ông lớn" thủy sản sụt giảm lợi nhuận, một số DN khác lại báo lãi ròng đột biến nhưng kết quả kinh doanh này lại không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Chẳng hạn, Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT) trong quý 1/2021 báo lãi ròng tăng đột biến lên 16,8 tỷ đồng, gấp 24 lần cùng kỳ. 

Đáng chú ý, kết quả phi mã này được ghi nhận nhờ khoản cổ tức từ Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC). 

Được biết, ABT hiện đang là cổ đông lớn thứ 2 tại FMC với tỷ lệ sở hữu lên tới 16% vốn.

Nhờ mảng kinh doanh khác, doanh nghiệp thủy sản mới “cứu” được lợi nhuận quý 1 - Ảnh 4.

Chế biến tôm tại Fimex Việt Nam.

Không chỉ có ABT, việc chập chững lấn sân vào mảng sản xuất điện mặt trời cũng đã giúp lợi nhuận của Nam Việt (ANV) tăng 47% trong quý 1 nhờ ghi nhận hơn 27,2 tỷ đồng doanh thu bán điện năng lượng mặt trời (cùng kỳ không thu về khoản này).

Sau khi trừ các khoản chi phí và ghi nhận lãi khác đạt 2,7 tỷ đồng giúp Navico lãi sau thuế gần 64 tỷ đồng tăng gần 49% so với cùng kỳ.

Được biết, năm 2021, điện mặt trời áp mái được dự đoán sẽ là 1 trong những động lực tăng trưởng của ANV, dự án được chia ra làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, ANV đã hoàn thành 53MW điện áp mái và đóng điện vào lưới điện quốc gia trước ngày 31/12/2020 để được hưởng mức giá là 1.943đ/kwh (8,38cent/1kwh).

Giai đoạn 2, ANV sẽ đầu tư 150MW tại trang trại Bình Phú, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021 và giá bán điện sẽ theo cơ chế đấu thầu cạnh tranh.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu thủy sản trong quý II/2021 sẽ tiếp đà tăng trưởng khoảng 10% và đạt kim ngạch khoảng 2,1 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng tôm được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan 10%, đạt 980 triệu USD.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem