Xuất khẩu lao động trong dịch Covid-19: Tín hiệu vui từ thị trường Nhật Bản

Nguyệt Tạ Thứ sáu, ngày 30/10/2020 06:00 AM (GMT+7)
Sau một thời gian dài bị gián đoạn do dịch Covid-19, tới nay Nhật Bản đã bắt đầu mở cửa tiếp nhận lại lao động Việt Nam, tuy nhiên số lượng lao động chưa nhiều và phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về phòng, chống dịch. Dù sao, đây cũng là tín hiệu vui cho lao động Việt Nam.
Bình luận 0

Rộng cửa cho lao động kỹ năng đặc định

Khác với chương trình người lao động sang Nhật Bản với tư cách thực tập sinh kỹ năng trong thời gian 1-3 năm, lao động kỹ năng đặc định là người lao động sang Nhật với tư cách đi lao động có thời hạn, kéo dài 5 năm. Lương của lao động kỹ năng đặc định cũng cao hơn thực tập sinh kỹ năng và tương đương với người Nhật Bản cùng một trình độ trong ngành nghề đó. Lao động kỹ năng đặc định còn có thể thay đổi công ty làm việc nếu có lý do chính đáng. Chương trình phái cử lao động kỹ năng đặc định sang Nhật Bản ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2019.

Mặc dù là thị trường tiềm năng, có khả năng tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ tháng 3 tới giờ, thị trường Nhật Bản gần như đã đóng băng. Chỉ tới tháng 10/2020 thì thị trường này mới mở lại cho lao động.

Xuất khẩu lao động trong dịch Covid-19: Tín hiệu vui từ thị trường Nhật Bản   - Ảnh 1.

Lao động Việt Nam làm xây dựng trong các công ty của Nhật Bản. Ảnh: T.L

Báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho thấy, trong năm 2019 Việt Nam đã đưa được 82.700 lao động sang Nhật Bản, đứng thứ 2 trong tất cả các thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam (chỉ sau Đài Loan, Trung Quốc).

Vừa qua, phía Nhật cũng đã có thông báo chính thức bổ sung thêm 7 loại hình công việc trong lĩnh vực xây dựng được phép tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định người nước ngoài. Cụ thể, các loại hình công việc trong lĩnh vực xây dựng được bổ sung gồm: Giàn giáo, nghề mộc, thi công hệ thống nước, gia công kim loại tấm, giữ nhiệt và làm mát, phun vật liệu cách nhiệt Urethane, xây dựng dân dụng ngoài khơi. Trong ngành xây dựng, dự kiến Nhật Bản sẽ tiếp nhận 40.000 lao động đặc định.

Hiện nay, Nhật Bản đã tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc trong 14 ngành nghề: Điều dưỡng; quản lý vệ sinh tòa nhà; phụ tùng máy móc và công cụ; máy móc công nghiệp; điện, điện tử và thông tin; xây dựng; đóng tàu và máy tàu thủy; sửa chữa và bảo dưỡng ôtô; hàng không; lưu trú (khách sạn); nông nghiệp; thủy sản và nuôi trồng thủy sản; sản xuất ôtô và đồ uống; dịch vụ ăn uống.

Ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, Cục đã thông báo cho các doanh nghiệp tham gia cung ứng lao động kỹ năng đặc định cho thị trường Nhật Bản về 14 lĩnh vực ngành nghề, loại hình công nói trên, để người lao động và doanh nghiệp chủ động triển khai hợp tác với đối tác Nhật Bản.

Sẵn sàng đón thời cơ

Ông Phạm Viết Hương cho biết, hiện Nhật Bản đang kiểm soát được dịch bệnh, vì thế phía bạn đã bắt đầu tiếp nhận lại lao động Việt Nam. Nắm bắt cơ hội này, một số DN Việt Nam cũng đã đưa lao động sang lại Nhật Bản.

"Do nhu cầu tuyển dụng của chủ các chủ sử dụng lao động, Nhật Bản đã mở cửa nhận cấp lại visa sang Nhật Bản ngày 29/7 và chính thức là đầu tháng 8 tiếp nhận visa của thực tập sinh Việt Nam. Nhật Bản ưu tiên cấp lại visa cho các thực tập sinh đã cấp visa trước 27/3 nhưng sau đó bị hủy và cấp lại visa cho những đối tượng về nghỉ phép hiện chưa có điều kiện sang Nhật Bản. Những người này sẽ được xem xét cấp lại để sớm quay lại làm việc tại Nhật Bản" - ông Hương nói.

Theo ông Hương, ngoài ưu tiên các đối tượng trên thì còn có những thực tập sinh đã có tư cách lưu trú, và theo nhu cầu của chủ sử dụng lao động, các DN hiện nay cũng đang nộp hồ sơ xin cấp visa.

Ông Nguyễn Quang Hoàn - Giám đốc Công ty Xuất khẩu lao động Lacoli cho biết, trong tháng 10 công ty đã nối lại các hoạt động với phía Nhật. Vào ngày 20/10 vừa qua công ty đưa hơn 20 lao động sang Nhật Bản làm việc ở các ngành chế biến đồ ăn, dịch vụ, xây dựng.

Về phía Cục Quản lý Lao động, đơn vị này đang đàm phán với phía Nhật để tăng số lượng thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc.

Ông Phạm Viết Hương lưu ý, các doanh nghiệp và thực tập sinh phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch tại Việt Nam, khi sang Nhật Bản cũng phải thực hiện các quy định các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Nhật Bản.

Theo như quy định của phía Nhật Bản, thực tập sinh trước lúc sang Nhật Bản thực hành theo dõi tình hình sức khỏe trước 14 ngày. Đồng thời phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 tiếng đồng hồ. Sau khi nhập cảnh, phải thực hiện cách ly theo dõi 14 ngày. Cục quản lý lao động cũng đã yêu cầu các DN phái cử cùng phối hợp với các nghiệp đoàn quản lý tại Nhật Bản tổ chức tiếp nhận theo dõi.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem