Xuất khẩu nông sản chính vượt 18 tỷ USD, Trung Quốc đứng số 1 ăn nhiều gạo Việt

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 20/12/2018 06:08 AM (GMT+7)
11 tháng năm 2018, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính cả nước đạt gần 18,1 tỷ USD. Trong đó; gạo, rau quả, cà phê là những mặt hàng có sự gia tăng cả về lượng và giá trị xuất khẩu.
Bình luận 0

Đây là thông tin được đưa ra tại Đại hội nhiệm kỳ 5 (2018 - 2023) của Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) tổ chức chiều ngày 19.12 tại TP.HCM.

img

11 tháng đầu năm, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt hơn 18 tỷ USD. Ảnh: Nguyên Vỹ

Cụ thể, đối với mặt hàng gạo, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11.2018 ước đạt 496.000 tấn với giá trị đạt 241 triệu USD. Tính tổng cộng 11 tháng đầu năm, khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt 5,7 triệu tấn và 2,9 tỷ USD; tăng 5,6% về khối lượng và tăng 17,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2018 với 24,1% thị phần.

img

Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch FFA cho biết thị trường Việt Nam có sức tiêu thụ thực phẩm, đồ uống rất tiềm năng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Cũng theo báo cáo, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2018 ước tính tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước. Tuy thấp hơn mức tăng 7,45% của quý I nhưng cao hơn mức tăng 6,73% của quý II, cho thấy nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng.

Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2018 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam vượt Trung Quốc, trở thành nền kinh tế có tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất.

img

Ngành sản xuất chế biến thực phẩm và sản xất đồ uống có chỉ số tiêu thụ tăng cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là ngành công nghiệp trọng điểm và là động lực chính của tăng trưởng kinh tế ở mức tăng cao với tốc độ tăng giá trị tăng thêm 12,65% (theo Tổng cục Thống kê Việt Nam).

Theo bà Lý Kim Chi – Chủ tịch FFA, hiện Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có sức tiêu thụ thực phẩm, đồ uống rất tiềm năng. Chỉ số tiêu thụ của ngành sản xuất chế biến thực phẩm và sản xất đồ uống trong 9 tháng đầu năm 2018 tăng lần lượt 8,1% và 10,2% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay người tiêu dùng Việt Nam cũng đang chi tiêu cho ngành hàng này nhiều nhất, cơ cấu chi tiêu chiếm tới 34% trong tổng cơ cấu chi tiêu trung bình hàng tháng.

img

11 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo TP.HCM tăng trưởng hơn 8%. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo số liệu của Chi cục Thống kê TP.HCM, tháng 11.2018 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 dự ước đạt 92.514 tỷ đồng; tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,3% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ là 59.449 tỷ đồng, lần lượt có mức tăng là 2% so với tháng trước và tăng 11,9% so với tháng cùng kỳ.

Tính chung 11 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tại TP.HCM ước tính tăng 7,95% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì mức tăng trưởng khá, là ngành có đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 8,07%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem