Xuất khẩu rau quả 2019 giảm nhẹ do gặp khó ở thị trường Trung Quốc
Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2019 với 65,7% thị phần. Xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 2,24 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trái lại, các thị trường nhỏ lại tăng mạnh, điển hình như Hoa Kỳ đạt 137,7 triệu USD (chiếm 4%), tăng 9,2%; Hàn Quốc đạt 119,4 triệu USD (chiếm 3,5%), tăng 14,2%; Nhật Bản đạt 112,4 triệu USD (chiếm 3,3%), tăng 14,4%; Hà Lan đạt 73,8 triệu USD (chiếm 2,2%), tăng 34,8%… so vớí cùng kỳ năm 2018.
Thực tế, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chỉ mới bắt đầu sụt giảm từ tháng 6/2019 khi chỉ đạt hơn 280 triệu USD, giảm tới 22,7% so với cùng kỳ năm 2018 và 26,5% so với tháng 5/2019.
Đỉnh điểm là tháng 7/2019, khi kim ngạch giảm mạnh hơn 40% so với tháng 7/2018. Đà giảm xuất khẩu rau quả sang thị trường này bắt đầu chững lại khi càng gần về cuối năm.
Nguyên nhân của sự sụt giảm là do quy định các mặt hàng rau quả phải được dán nhãn truy xuất nguồn gốc rõ ràng của Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ 1/1/2019. Trên tem nhãn này có đầy đủ các thông tin như tên hàng hóa, nguồn gốc, quy cách đóng gói, công ty xuất khẩu, mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng...
Đặc biệt, từ 1/5/2019, Hải quan Trung Quốc không cho phép dưa hấu lót rơm thông quan; yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc trái.
Bên cạnh đó, có một số tình huống như với chôm chôm, do cung không đủ, phải nhập thêm cả chôm chôm Thái Lan nên có tình trạng "ruột một đằng bao bì một nẻo", hay thanh long Việt Nam trùng vụ mùa với Trung Quốc đã làm cho sản lượng xuất khẩu rau quả giảm rõ rệt.
Tỉ trọng các sản phẩm chủ lực khác
Sắn: Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tháng 12/2019 ước đạt 286.000 tấn tương đương với 117 triệu USD, lũy kế xuất khẩu sản và các sản phẩm từ sắn năm 2019 đạt 2,5 triệu tấn tương ứng với 973 triệu USD, tăng 3,2% về khối lượng và tăng 1,6% về giá trị so với năm 2018. Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân năm 2019 ước đạt 386 USD/tấn, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cà phê: Xuất khẩu cà phê tháng 12/2019 ước đạt 126.000 tấn với giá trị đạt 218 triệu USD, lũy kế xuất khẩu cà phê năm 2019 ước đạt 1,59 triệu tấn và 2,75 tỷ USD, giảm 15,2% về khối lượng và giảm 22,4% về giá trị so với năm 2018. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2019 với thị phần lần lượt là 12,9% và 8,7%.
Chè: Khối lượng xuất khẩu chè tháng 12/2019 ước đạt 13 nghìn tấn với giá trị đạt 23 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè năm 2019 ước đạt 136 nghìn tấn và 235 triệu USD, tăng 6,8% về khối lượng và tăng 13,5% về giá trị so với năm 2018. Giá chè xuất khẩu bình quân năm 2019 ước đạt 1.730 USD/tấn, tăng 6,2% so với năm 2018.
Gạo: Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 12/2019 ước đạt 474 nghìn tấn với giá trị đạt 214 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo năm 2019 ước đạt 6,34 triệu tấn và 2,79 tỷ USD, tăng 3,9% về khối lượng nhưng giảm 9,7% về giá trị so với năm 2018.
Đại diện Bộ Công Thương kỳ vọng, tình hình sẽ được cải thiện trong năm 2020, khi các doanh nghiệp dần quen hơn với những quy định mới, đặc biệt trong đợt trước và sau Tết Nguyên đán là cao điểm xuất khẩu sang Trung Quốc. Về lâu dài, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo doanh nghiệp chủ động phân loại, lựa chọn chủng loại và tổ chức đóng gói ngay tại nơi sản xuất đáp ứng yêu cầu của đối tác nhập khẩu (về nhãn mác, bao bì…) trước khi đưa lên khu vực biên giới để quá trình giao nhận hàng hóa diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.
Đồng thời, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng, nghiêm túc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.