Xuất khẩu vừa lãng phí tài nguyên, vừa làm tăng giá than cho điện

Hoàng Thắng (thực hiện) Thứ sáu, ngày 07/12/2018 13:00 PM (GMT+7)
"Cái gọi là “lãi” của than xuất khẩu chỉ là do mập mờ trong hạch toán nội bộ của TKV. Nếu tính đúng, tính đủ, than xuất khẩu của VN chưa bao giờ có lãi”, TS.Nguyễn Thành Sơn cho biết.
Bình luận 0

img

Thưa ông, ông có thể phân tích nguyên nhân dẫn tới thực trạng  thiếu than xảy ra gần đây khiến một số nhà máy điện đang đối mặt với nguy cơ dừng hoạt động do không được đáp ứng đủ than?

-Tôi cho rằng việc thiếu than sẽ còn xẩy ra, đặc biệt là than cho nhiệt điện bởi các lý do sau: 

Thứ nhất, nguồn than trong nước rất có hạn (trữ lượng ít, chất lượng lại không phù hợp để phát điện), nguồn than nhập khẩu không ổn định (phụ thuộc vào giá dầu mỏ, các nhà nhập khẩu than của VN chỉ nhập được than trên thị trường thế giới theo kiểu “ăn đong” từng chuyến hàng, có nhà nhập khẩu, sau khi thắng thầu cấp than cho điện, lại mua than trôi nổi trên thị trường của Indonesia để thực hiện các hợp đồng ngắn hạn ký với các chủ đầu tư nhà máy điện.

Thứ hai, các dự án nhiệt điện chạy than của VN được thiết kế với công nghệ cũ, lạc hậu nên tiêu hao nhiều than, có hiệu suất nhiệt chung toàn nhà máy (hiệu suất chuyển đổi năng lượng) thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới.

Thứ ba, các nhà máy nhiệt điện chạy than khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng tuy được thiết kế để chạy anthracite Hòn Gai, nhưng không ký hợp đồng dài hạn với TKV, cũng chỉ mua than theo từng kỳ kế hoạch ngắn hạn (hàng năm) và theo kiểu “chân trong, chân ngoài”, “sân trước, sân sau”. Trong khi, chu kỳ đầu tư của ngành than tối thiểu là 8-10 năm và phải triển khai bài bản thì may ra mới có than để cấp, mà phải cấp theo các hợp đồng ngắn hạn thì rất rủi ro.

Cuối cùng, nguyên nhân bao trùm tất các các nguyên nhân trên là do qui hoạch phát triển ngành than do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện được xây dựng với chất lượng rất yếu.

Trong quá khứ, từng xảy ra câu chuyện chi phí khai thác được dự tính lên tới 65-75 USD/tấn, trong khi giá than nhập khẩu hiện nay chỉ khoảng 60 USD/tấn. Vì sao chi phí khai thác than của Việt Nam lại cao như vậy, thưa ông?

- Chi phí khai thác than của VN cao là do: Điều kiện mỏ-địa chất (điều kiện địa chất-thủy văn và điều kiện địa chất-công trình) của các khoáng sàng  than Việt Nam rất phức tạp;  Điều kiện mỏ-kỹ thuật được thiết lập không theo điều kiện mỏ-địa chất, mà theo tư duy của các nhà quản lý, dẫn đến chi phí đầu tư rất cao, suất đầu tư mỏ rất lớn. Các khoáng sàng than tập trung được cấp phép và quản lý khai thác theo kiểu “chia phần”, manh mún gây ra nhiều lãng phí về nguồn lực, tổn thất tài nguyên lớn và bảo vệ môi trường rất khó khăn;

Điều kiện khai thác ngày càng khó khăn: tỷ lệ công nghệ khai thác lộ thiên (rẻ tiền, dễ làm, an toàn) ngày càng giảm, tỷ lệ khai thác hầm lò (nặng nhọc, nguy hiểm, tốn kém) ngày càng tăng nhanh;

Cả 3 lý do trên làm cho khoản mục “khấu hao” trong giá thành than cao.

Điều kiện sản xuất (mở mỏ, chuẩn bị khai trường, hệ thống khai thác, sơ đồ đào lò, bốc đất, đổ thải, vận tải, thông gió, thoát nước v.v.) ở các mỏ được tổ chức thiết kế và triển khai thiết kế (xây dựng cơ bản và khai thác than) không bài bản. Các kỹ thuật cơ bản (như đào lò, chống lò) ở các mỏ hầm lò hiện nay hầu như không đạt yêu cầu. Vì vậy, chi phí “duy tu”, “bảo dưỡng” hay “sửa chữa thường xuyên” trong giá thành rất cao; Năng suất lao động bình quân rất thấp, nên khoản mục “chi phí nhân công” trong giá thành cao;

Ngành khai thác than có nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, nhưng lãi suất rất thấp, không đủ để tái sản xuất, phải huy động vốn theo cơ chế thị trường, nên khoản mục “chi phí tài chính” trong giá thành than rất cao.

img

Một thực tế là trữ lượng than của chúng ta không hề thấp mà vẫn phải đẩy mạnh nhập khẩu có lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia?

- Thực ra, trữ lượng than của VN rất ít so với thế giới. Trữ lượng than bình quân đầu người của thế giới khoảng 120-150 tấn/người, còn trữ lượng than của VN chưa đạt 20 tấn/người.

Tư duy về phát triển ngành than của TKV từ khi thành lập đến nay rất không đúng. Trữ lượng than ít, điều kiện khai thác rất khó khăn, nhu cầu than cho điện trong nước chiếm tỷ trọng nước rất lớn (75-80%), nhưng TKV đã có thời gian dài (1995-2010) được phát triển theo hướng “xuất khẩu” là sai lầm nghiêm trọng, nhưng không được quản lý. Việc xuất khẩu than của VN trong quá khứ bị buông lỏng để chạy theo thành tích, không được hạch tóan minh bạch, giá bán than xuất khẩu cao, nhưng chi phí làm ra than đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cũng rất cao. Cái gọi là “lãi” của than xuất khẩu chỉ là do mập mờ trong hạch tóan nội bộ của TKV (than tiêu thụ trong nước và than xuất khẩu đều tính giá thành như nhau). Nếu tính đúng, tính đủ, than xuất khẩu của VN chưa bao giờ có lãi.

Ngoài ra, giá bán xuất khẩu than của VN nếu tính qui đổi theo nhiệt năng và tính cho cùng một thị trường, trong quá khứ thường thấp hơn mức bình quân của thế giới khoảng 30%.

Tóm lại, việc xuất khẩu than vừa lãng phí tài nguyên quốc gia, vừa làm tăng giá bán than cho điện trên thị trường trong nước.

Các DN ngành điện đã từng kiến nghị Chính phủ cho họ tự nhập than thay vì qua hai đầu mối TKV và Đông Bắc. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

-Trước hết, Luật Doanh nghiệp không hề cấm các DN điện nhập khẩu than. Hay nói cách khác, việc nhập khẩu than là “không có điều kiện”. Thị trường than thế giới hình thành và tồn tại một cách có tổ chức từ năm 1952. Việt Nam đã từng nhập khẩu “than ngọn lửa dài” cho sản xuất xi măng từ những năm 1960 của thế kỷ trước. Hiện nay, hầu hết than mỡ song trong ngành luyện kim VN cũng phải nhập khẩu. Việc mở cửa nhập khẩu than cho điện là việc làm hết sức cần thiết và mang lại hiệu quả chung cho toàn nền kinh tế.

Hơn thế nữa, cũng cần kiểm tra lại việc hạch toán than nhập khẩu của TKV và của Tcty Đông Bắc trong thời gian qua. Than nhập khẩu có giá thấp được pha trộn để cấp cho điện có giá cao đã và đang làm “méo mó” thị trường than cho điện ở VN.

Giữ vị thế độc quyền quản lý, khai thác nguồn tài nguyên quan trọng của quốc gia, đâu là lý do khiến ngành than, cứ múc than lên đến đâu để bán là cầm chắc lỗ tới đó như vậy?

- Ngoài những lý do nêu trên, còn một lý do nữa rất quan trọng là TKV và Tcty Đông Bắc chưa công khai và minh bạch về chi phí sản xuất (giá thành khai thác/chế biến than) và rất không minh bạch về các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật. Vì vậy, tất cả mọi yếu kém trong quản lý điều hành đều nằm trong chi phí sản xuất.

Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, với bể than song Hồng, giai đoạn 2021 – 2030, đầu tư một số dự án thử nghiệm theo phương pháp khai thác hầm lò và công nghệ khí hóa than ngầm tại các khu vực đã được thăm dò. Ông đánh giá thế nào về dự án bể than sông Hồng?

-Trong tính hình thiếu than sắp tới, việc khai thác bể than Đồng bằng sông Hồng bằng công nghệ khí hóa than ngầm là khả thi về mặt kinh tế và khả thi về mặt kỹ thuật-môi trường. Công nghệ khai thác hầm lò không thể áp dụng được trong điều kiện địa chất-công trình và địa chất-thủy văn của bể than ĐBSH. Chỉ những người không hiểu gì về công nghệ khai than than hầm lò mới nghĩ đến việc khai thác hầm lò ở bể than ĐBSH. Ngược lại, những người có am hiểu về công nghệ khí hóa than ngầm đều ủng hộ việc khai thác than ở Hưng Yên, Thái Bình bằng công nghệ khí hóa than ngầm.

Than đồng bằng sông Hồng nếu được khai thác theo công nghệ khí hóa (chuyển thành khí tổng hợp) sau đó dùng khí tổng hợp để phát điện bằng công nghệ “chu trình hỗn hợp tuan bin hơi tuanbin khí”) thì có thể thay thế than Quảng Ninh và than nhập khẩu với qui mô (qui đổi) khoảng 30 triệu tấn/năm. Điều quan trọng hơn là “một mũi tên, hai con thỏ”, vừa giảm được than nhập khẩu, vừa giảm đáng kể được lượng phát thải khí nhà kính.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem