Xuất nhập khẩu hàng hóa cán mốc kỷ lục 700 tỷ USD

Nguyễn Phương Thứ tư, ngày 14/12/2022 20:00 PM (GMT+7)
Tổng cục Hải quan vừa ra thông cáo cập nhật tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt cột mốc mới 700 tỷ USD sẽ được ghi nhận vào ngày 15/12/2022 (tính đến ngày 14/12/2022, trị giá xuất nhập khẩu là 698,5 tỷ USD).
Bình luận 0
Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 700 tỷ USD - Ảnh 1.

Các mốc kỷ lục của xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam các năm gần đây. Tổng cục Hải quan

Theo Tổng cục Hải quan, trong những năm qua, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ về mặt quy mô và tốc độ. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong 20 năm (giai đoạn 2002 - 2021) của Việt Nam đã đạt con số 5.146 tỷ USD.

Trong đó, chỉ tính riêng 10 năm, từ năm 2012 - 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu của nước ta đạt 4.110 tỷ USD, cao gấp gần 4 lần xuất nhập khẩu của 10 năm về trước cộng lại.

Trong 2 thập kỷ qua, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã liên tiếp đạt các mốc kỷ lục.

Năm 2001 là năm đầu tiên của thế kỷ 21, Việt Nam ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu ở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD.

6 năm sau, năm 2007, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đạt 100 tỷ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới.

Đến năm 2011, Việt Nam ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi, đạt con số 200 tỷ USD. 4 năm tiếp theo, đến năm 2015, xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng đã cán mốc 300 tỷ USD.

Cột mốc 400 tỷ USD của xuất nhập khẩu hàng hóa được ghi nhận vào giữa tháng 12/2017, cột mốc 500 tỷ USD được ghi nhận vào giữa tháng 12/2019, cột mốc 600 tỷ USD được ghi nhận vào ngày 30/11/2021.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, năm 2021, Tổ chức Thương mại thế giới ghi nhận xuất khẩu của Việt Nam xếp hạng thứ 23 trên thế giới và nhập khẩu của Việt Nam xếp hạng thứ 20 trên thế giới. Trong ASEAN, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đứng thứ 2, chỉ sau Singapore.

Khi đạt mốc 700 tỷ USD trong năm 2022, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam có thể được nâng cao trên phạm vi toàn cầu.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư (xuất siêu) liên tục sau một thời gian dài thâm hụt (nhập siêu). Từ năm 2011 trở về trước, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam luôn trong trạng thái thâm hụt, kéo dài liên tục, con số nhập siêu lên đến hàng tỷ USD, đạt đỉnh điểm 18,02 tỷ USD ghi nhận trong năm 2008. 

Nhưng từ năm 2012 đến nay, cán cân thương mại hàng hóa của nước ta đã đổi chiều, chuyển sang thặng dư (xuất siêu) liên tục (trừ năm 2015, có mức thâm hụt trị giá 3,55 tỷ USD). Trong năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa của nước ta đã đạt kỷ lục với con số thặng dư lên tới 19,94 tỷ USD. 

Kết thúc năm 2021, thặng dư thương mại giảm mạnh, chỉ còn 3,32 tỷ USD. Trong 11 tháng từ đầu năm 2022, với sự gia tăng quy mô xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, thặng dư cán cân thương mại đã tăng cao trở lại, đạt 10,68 tỷ USD.

Trong 11 tháng từ đầu năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 468,7 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. 

Tính từ đầu năm đến hết 11 tháng của năm 2022, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ đạt 101 tỷ USD, tăng 17,7% (tương ứng tăng 15,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. 

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc đạt 109,46 tỷ USD, tăng 10% (tương ứng tăng 9,93 tỷ USD). Như vậy, xuất khẩu sang Hoa Kỳ và nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc trong 11 tháng năm 2022 đều vượt ngưỡng 100 tỷ USD, đạt mức kỷ lục từ trước tới nay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem