Ý kiến trái chiều về quyền biểu quyết tại hội nghị chung cư tính theo m2
Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 06/2019/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Trong đó, Hội nghị nhà chung cư lần đầu phải được tổ chức trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư đó được bàn giao đưa vào sử dụng và có tối thiểu 50% số căn hộ đã được bàn giao cho người mua, thuê mua (không bao gồm số căn hộ mà chủ đầu tư giữ lại không bán hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua).
Trường hợp quá thời hạn quy định đó mà tòa nhà chung cư chưa có đủ 50% số căn hộ được bàn giao thì hội nghị nhà chung cư được tổ chức sau khi có đủ 50% số căn hộ được bàn giao.
Đối với hội nghị của tòa nhà chung cư lần đầu thì số lượng người tham dự cuộc họp phải có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao tham dự. Trường hợp không đủ số người tham dự, chủ đầu tư hoặc đại diện chủ sở hữu căn hộ có văn bản đề nghị UBND cấp phường, xã nơi có nhà chung cư tổ chức hội nghị nhà chung cư.
Quyền biểu quyết tại hội nghị chung cư được tính theo diện tích sở hữu riêng của chủ sở hữu căn hộ, chủ sở hữu phần diện tích riêng khác trong nhà chung cư theo nguyên tắc 1m2 diện tích sở hữu riêng tương đương với 1 phiếu biểu quyết.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Thông tư số 06 sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư được ban hành đã cho thấy sự tích cực vào cuộc của Bộ Xây dựng. Trong đó, nhiều bức xúc, kiến nghị, góp ý của của người dân, doanh nghiệp, chuyên gia đã được cụ thể hoá trong các quy định Thông tư sửa đổi này. "Tôi hi vọng, Thông tư số 06 được đưa vào thực thi trong thời gian tới sẽ phần nào giải quyết được những vấn đề tranh chấp chung cư đã xảy ra trong thời gian qua", ông Đính nói.
Bên cạnh đó, ông Đính cũng chỉ ra băn khoan về một số quy định trong Thông tư số 06. Đơn cử như, ông Đính cho rằng, quy định "quyền biểu quyết tại Hội nghị chung cư tính theo m2" không phù hợp. Bởi, đây đang là vấn đề lợi ích của cư dân, không thể xác định quyền lợi bằng giá trị m2. "Quy định này vô hình chung đã ủng hộ cho người giàu", ông Đính nhận định.
Theo ông Đính, các quy định cần đưa ra hướng giải quyết liên quan đến các vấn đề lợi ích của của đại đa số cư dân, cho nên phải dựa trên đầu người và số căn hộ. "Mỗi căn hộ là một lá phiếu là hợp lý", ông Đính nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với ông Đính, luật sư Nguyễn Thanh Tùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, bản chất của quyền biểu quyết tại hội nghị chung cư tính theo m2 là tính theo giá trị tiền. "Tôi nghĩ là Bộ Xây dựng cần xem xét sau khi có đánh giá lại sau thực tiễn về mức độ phù hợp của quy định này", luật sư Tùng nhấn mạnh.
Tuy nhiên ở góc độ doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo một Tập đoàn kinh doanh lĩnh vực bất động sản cho rằng, quyền biểu quyết tại hội nghị tòa nhà chung cư tương tự cách tính phiếu biểu quyết của cổ đông công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành (mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết), điều này bảo đảm sự công bằng giữa chủ sở hữu căn hộ lớn, căn hộ vừa, căn hộ nhỏ, đồng thời bảo đảm quyền lợi của người sở hữu phần diện tích khác trong nhà chung cư – đối tượng vốn vẫn phải chịu phí dịch vụ quản lý Tòa nhà, kinh phí bảo trì và các chi phí khác gấp nhiều so với các căn hộ khác nhưng quyền biểu quyết lại chưa tương xứng với mức độ đóng góp của họ trong tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư.
Trước đó, trong một văn bản góp ý với Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, theo quy định hiện hành, quyền biểu quyết tại hội nghị tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư được tính theo đơn vị căn hộ. Theo đó, mỗi căn hộ tương ứng với một phiếu biểu quyết. Đối với phần diện tích khác trong nhà chung cư không phải là căn hộ thì mỗi phần diện tích sàn xây dựng tương đương với diện tích sàn xây dựng của căn hộ lớn nhất theo thiết kế được phê duyệt tại nhà chung cư đó có một phiếu biểu quyết.
Tuy nhiên, HoREA nhận thấy quy định hiện nay không công bằng giữa những người sở hữu căn hộ lớn, vừa hoặc nhỏ. Hoặc với chủ đầu tư, người sở hữu phần diện tích khác, mỗi phần diện tích sàn xây dựng tương đương với diện tích sàn xây dựng của căn hộ có diện tích lớn nhất, là bất cập.