Y tế nằm trong Top 5 lĩnh vực ưu tiên về ứng dụng AI của Việt Nam

A.Vũ Thứ năm, ngày 24/09/2020 16:06 PM (GMT+7)
Sáng 23/9, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Tọa đàm “Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong Y tế”, đây là sự kiện nằm trong chuỗi chương trình AI4VN 2020 của Bộ KH&CN.
Bình luận 0

Ứng dụng Al giúp ổn định cuộc sống sau đại dịch

Phát biểu khai mạc tọa đàm "Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế", Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho rằng xu thế phát triển về trí tuệ nhân tạo trên toàn thế giới cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, công nghệ lưu trữ, dữ liệu lớn đã tạo ra nhiều điều "kỳ diệu" trong tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống.

Ở lĩnh vực y tế, khi toàn bộ tri thức của nhân loại, của thầy thuốc và y bác sỹ tích lũy nhiều năm, nay cũng được tổng hợp lại thông qua dữ liệu lớn. Các dữ liệu này cũng được phân tích dựa trên các thuật toán, công nghệ máy tính, tạo ra công cụ hỗ trợ các bác sỹ, nhân viên y tế trong việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tốt hơn.

Y tế nằm trong Top 5 lĩnh vực ưu tiên về ứng dụng AI của Việt Nam - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại tọa đàm

Theo Thứ trưởng, tọa đàm được tổ chức với mong muốn kết nối các nghiên cứu, thu hút sự quan tâm của những người làm công nghệ thông tin với y tế và ngược lại các bác sỹ, người làm trong ngành y quan tâm đến ứng dụng công nghệ số, dữ liệu lớn vào việc khám, chữa bệnh.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng kỳ vọng thông qua các hoạt động trong chuỗi sự kiện sẽ tập trung kết nối các nhà khoa học ở Việt Nam, Australia và tạo điều kiện hình thành nhiều dự án về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tương lai.

"Cuối năm 2020 chúng ta vẫn còn ở trong Covid-19, thì việc ứng dụng AI, công nghệ số, chuyển đổi số càng có ý nghĩa hơn trong việc phòng, chữa bệnh, giúp doanh nghiệp và người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau đại dịch", ông Bùi Thế Duy nhấn mạnh.

Y tế nằm trong Top 5 lĩnh vực ưu tiên về ứng dụng AI của Việt Nam

Phát biểu tại Tọa đàm, TS Trần Thị Mai Oanh, Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Y tế) cho rằng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế là một lĩnh vực rất mới mẻ không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Những năm gần đây, ngành y tế rất quan tâm đến ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa nhiều hoạt động của ngành. TS Trần Thị Mai Oanh cho rằng, trong các nhiệm vụ đặt ra, luôn có đất để AI phát triển.

Hiện nay, việc dùng AI trong hỗ trợ điều trị bệnh, đào tạo năng lực cho bác sĩ hay quản lý bệnh viện đã được triển khai thí điểm ở nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Quân y 108, Bệnh viện K, Bệnh viện Vinmec, Bệnh viện Nhân dân 115…

Y tế nằm trong Top 5 lĩnh vực ưu tiên về ứng dụng AI của Việt Nam - Ảnh 2.

TS. Trần Thị Mai Oanh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Y tế.

Các ứng dụng có thể kể đến như: Hỗ trợ chẩn đoán lao và bệnh phổi thông qua đọc phim X-quang (phát hiện chính xác đến 92%); hỗ trợ chẩn đoán ung thư vú; phân tích hình ảnh não thai nhi để phát hiện dị tật; nâng cấp chất lượng ảnh scan từ các thiết bị không chuyên dụng, ứng dụng theo dõi điều trị dài hạn trên 6 tháng; ứng dụng hỏi đáp về bệnh tật, robot phục vụ hậu cần y tế và hỗ trợ giao tiếp giữa bác sĩ với người bệnh,…

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Phó Chủ nhiệm Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia KC 4.0 giai đoạn 2019-2025 và phó ban soạn thảo Chiến lược AI quốc gia, cho biết, "Y tế đang nằm trong Top 5 lĩnh vực ưu tiên về ứng dụng AI của Việt Nam.

GS Thủy cho hay, hiện tại đã có hơn 400 đề xuất mà chương trình KC4.0 nhận được từ cuối năm 2019 đến nay, có 40 dự án sẽ được triển khai, trong đó 1/3 chủ đề liên quan đến lĩnh vực y tế.

Làm sao kết nối chuyên gia y tế với chuyên gia công nghệ thông tin?

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là phải làm sao để kết nối được các chuyên gia y tế với những chuyên gia công nghệ thông tin.

PGS.TS.BS Nguyễn Viết Nhung giải thích, ngành y tế rất đặc thù vì thế việc phát triển các ứng dụng công nghệ AI trước tiên cần "trí tuệ" của con người. Nghĩa là các kiến thức chuyên môn và lâm sàng mà bác sĩ là người làm chủ, chẳng hạn như chẩn đoán và dán nhãn được bộ dữ liệu sạch; sau đó mới đến "nhân tạo" – tức đào tạo máy móc học để hỗ trợ bác sĩ.

Điều này đòi hỏi đội ngũ bác sĩ và các nhà khoa học phải dấn thân vào các lĩnh vực đa ngành mới mẻ mà họ chưa từng trải.

Một vấn đề khác đặt ra khhi ứng dụng Al trong khám chữa bệnh đó là tính pháp lý và đạo đức của bác sĩ. TS Trần Thị Mai Oanh cho rằng, cần phải tính toán đến vấn đề này. Bà Oanh ví dụ,  mức độ ủy thác của bác sĩ cho công nghệ được giới hạn đến đâu, hay các quy định về chịu trách nhiệm an toàn cho người bệnh.

"Để ứng dụng AI một cách hợp lý, nên có khung pháp lý. AI cần được coi như một loại hình dịch vụ y tế và có quy trình hướng dẫn về chuyên môn. Điều này phân định trách nhiệm rõ ràng giữa bác sĩ, bệnh nhân và công nghệ",  Oanh nhấn mạnh. Ngoài ra, đại diện Viện Chiến lược, Bộ y tế cũng đề cao chất lượng dữ liệu trong việc tạo ra các sáng kiến chất lượng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem