Yên Bái: Hỗ trợ nuôi vịt cổ xanh đặc sản theo cách này, nông dân xã nghèo ở miền núi ai cũng phấn khởi

Thu Hà Thứ bảy, ngày 13/11/2021 09:00 AM (GMT+7)
Đây là những hộ chăn nuôi vịt cổ xanh thương phẩm theo hướng an toàn sinh học, tức là nuôi theo hình thức tập trung có kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh thú y và tiêm phòng nghiêm ngặt. Quy mô chăn nuôi của mỗi hộ từ 300-500 con vịt/đợt.
Bình luận 0

T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Hội Nông dân tỉnh Yên Bái hỗ trợ 7 hộ nông dân của Tổ hợp tác nuôi vịt bầu cổ xanh đặc sản ở xã Khao Mang (huyện Mù Cang Chải) tham gia mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi vịt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học. Bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phát triển thương hiệu vịt bầu cổ xanh

Nhằm khuyến khích nông dân phát triển ngành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bền vững để bảo vệ sức khỏe con người, không gây ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp Hội Nông dân Yên Bái tỉnh xây mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi vịt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học. Trong đó, điểm nổi bật của mô hình là việc ứng dụng chế phẩm sinh học Biowish vào quá trình nuôi vịt thịt để tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao chất lượng thịt, giảm ngày nuôi và giảm ô nhiễm chuồng trại.

Tham gia mô hình có 7 hộ chăn nuôi của xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải. Tháng 3/2021, Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ hợp tác nuôi vịt xã Khao Mang với 7 thành viên tham gia. Đây là những hộ chăn nuôi vịt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học, tức là nuôi theo hình thức tập trung có kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh thú y và tiêm phòng nghiêm ngặt. Quy mô chăn nuôi của mỗi hộ từ 300-500 con vịt/đợt.

Nuôi vịt bầu cổ xanh ứng dụng chế phẩm vi sinh: Nông dân Khao Mang lợi nhiều bề  - Ảnh 1.

Ngay sau khi triển khai mô hình, ngày 25/9, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh kiểm tra đàn vịt bầu cổ xanh được các hộ dân nuôi úm. Ảnh: Hà Phương

Ngày 24/9 vừa qua, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã tiến hành kiểm tra và bàn giao 2.250 con vịt bầu cổ xanh giống 1 ngày tuổi; hỗ trợ 9.675 tấn cám chăn nuôi vịt, 4.500 liều vaccine tả, 2.250 liều vaccine viêm gan, 2.250 liều vaccine cúm gia cầm. Bên cạnh đó, các hộ nông dân được nhận hỗ trợ thêm 1kg chế phẩm Biowish bổ sung thức ăn chăn nuôi và 1kg chế phẩm Biowish xử lý chất thải chăn nuôi. Tổng kinh phí dự án thực hiện dự án là hơn 236 triệu đồng từ nguồn T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đầu tư.

Các hộ tham gia mô hình còn được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi vịt thương phẩm ứng dụng chế phẩm sinh học. Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã phối hợp Trung tâm dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Mù Cang Chải cử cán bộ khuyến nông chuyên trách "cầm tay chỉ việc" hỗ trợ nông dân trong chăn nuôi.

Chị Hà Thị Liên Phương – cán bộ Hội Nông dân tỉnh Yên Bái phụ trách mô hình, cho biết: "Được hỗ trợ con giống, cám, chế phẩm vi sinh, nông dân đều hào hứng phấn khởi tham gia. Đặc biệt trước khi đưa con giống về cấp cho nông dân, Ban Quản lý dự án Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp Hội Nông dân xã Khao Mang khảo sát, kiểm tra điều kiện, ưu tiên các hộ có sẵn chuồng trại và có kinh nghiệm chăn nuôi vịt, đồng thời yêu cầu các hộ tham gia mô hình đối ứng một phần thức ăn, chế phẩm sinh học và một số loại vaccine khác...".

Nuôi vịt bầu cổ xanh ứng dụng chế phẩm vi sinh: Nông dân Khao Mang lợi nhiều bề  - Ảnh 2.

Đại diện Hội Nông dân tỉnh Yên Bái kiểm tra giống vịt bầu cổ xanh trước khi bàn giao cho các hộ nông dân xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Hà Phương

Ông Lý A Sở – Chủ tịch Hội Nông dân xã Khao Mang cho biết: Khao Mang là xã miền núi khó khăn của huyện Mù Cang Chải. Hội Nông dân xã có 636 hội viên nông dân sinh hoạt ở 8 thôn bản, trong đó 95% hội viên là người dân tộc thiểu số. 

 Ông Sở cho biết thêm: Vịt bầu cổ xanh là giống vịt đặc sản của tỉnh Yên Bái. Đây là giống vịt bầu địa phương, đã được bà con giữ từ đời này sang đời khác, thịt rất ngon.

"Giống vịt đặc sản này không phải chỗ nào cũng nuôi được, phải có suối có đồng mới nuôi được. Nuôi giống vịt bầu cổ xanh bé cho ăn cám, ăn thóc. Ăn xong là thả ra suối, ra đồng để kiếm thêm thức ăn" - ông Sở nói.

Nhân rộng mô hình vịt bầu cổ xanh

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Khao Mang, bà con nông dân trong xã chủ yếu chăn nuôi vịt bầu cổ xanh theo phương pháp truyền thống, chưa biết áp dụng tiến bộ KHKT. Với cách chăn nuôi này lượng phân vịt thải ra môi trường khá lớn. Phân vịt rất hôi, nếu không xử lý được không những gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến bà con thôn bản.

Yên Bái: Hỗ trợ nuôi vịt cổ xanh đặc sản theo cách này, nông dân xã nghèo ở miền núi ai cũng phấn khởi - Ảnh 3.

Ngày 24/9 vừa qua, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã tiến hành kiểm tra và bàn giao 2.250 con vịt bầu cổ xanh giống 1 ngày tuổi cho nông dân xã Khao Mang. Ảnh: Hà Phương

"Đây là lần đầu tiên nông dân xã Khao Mang sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi vịt. Tuy nhiên nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức nên ngay từ những bước đầu thực hiện dự án, Hội Nông dân đã gặp rất nhiều thuận lợi. Số vịt giống mà T.Ư Hội Nông dân hỗ trợ 2.250 con đã được chia đều cho 7 hộ nông dân xã Khao Mang, trong đó có 6 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Các hộ còn được cầm tay chỉ việc hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Tham gia mô hình được hỗ trợ từ đầu đến cuối nên nông dân phấn khởi lắm" - ông Sở nói.

Hộ anh Lý A Nủ (dân tộc Mông) ở bản Háng Bla Ha B là 1 trong 7 hộ nông dân được chọn tham gia mô hình. Anh Nủ cho biết: Gia đình anh được hỗ trợ 321 con vịt giống. Từ khi sử dụng chế phẩm vi sinh trộn vào cám, anh thấy đàn vịt lớn nhanh, lông mượt, sống 100%, không bị chết con nào. Đến nay, sau gần 1 tháng nuôi, đàn vịt đã đạt trọng lượng 800-900 gram/con, cá biệt có con đạt hơn 1kg. Đặc biệt, nhờ dùng chế phẩm vi sinh xử lý chất thải nên môi trường sạch sẽ, không có mùi hôi.

Trao đổi với PV Báo NTNN, ông Giàng A Câu – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cho biết: Trước khi triển khai mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh thương phẩm ứng dụng chế phẩm vi sinh ở xã Khao Mang, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng mô hình chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi vịt bầu (vịt cổ xanh), trồng cây dược liệu gắn với du lịch truyền thống tại xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh của HTX Dịch vụ chăn nuôi Lâm Thượng ở xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên… Các mô hình kinh tế tập thể này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

"Việc dùng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi vịt bầu cho các hộ nông dân xã Khao Mang mới làm thí điểm. Sau khi thí điểm tại Khao Mang xong, các cấp Hội Nông dân sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ nông dân nhân rộng mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh tại một số các địa phương khác" - ông Giàng A Câu cho biết. 


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem