Yên Bái: Trồng thứ khoai tốt bời bời, lá to hơn quạt mo, đào lên toàn củ bự, nhà nào trồng đều bán dễ

Chủ nhật, ngày 01/08/2021 13:02 PM (GMT+7)
Những năm qua, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) tích cực đưa cây khoai sọ vào trồng trên nương. 6 tháng đầu năm, toàn huyện đã thành lập được 6 tổ hợp tác trồng khoai sọ do thanh niên làm chủ.
Bình luận 0

Để tạo khí thế trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, Đoàn xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) đã thành lập 2 tổ hợp tác (THT) trồng khoai sọ tại thôn Mù Thấp và thôn Tàng Ghênh với diện tích gần 1,8 ha. 

Trong đó, THT thôn Mù Thấp có 3 thành viên trồng 1 ha khoai sọ, THT thôn Tàng Gênh có 4 thành viên trồng được gần 0,8 ha. Khoai sọ Bản Mù đang sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh.

Yên Bái: Trồng thứ khoai tốt bời bời, lá to hơn quạt mo, đào lên toàn củ bự, nhà nào trồng đều bán dễ - Ảnh 1.

Cán bộ Huyện đoàn Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) phổ biến kỹ thuật chăm sóc cây khoai sọ cho bà con người Mông tại xã Bản Mù.

 Chị Sùng Thị Máy ở thôn Mù Thấp cho biết: "Những năm qua, được cán bộ đến tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình tôi đã đưa cây khoai sọ nương vào trồng, giúp gia đình có thêm thu nhập. Cùng đó, gia đình tôi còn trồng thêm cỏ voi làm thức ăn cho gia súc và mua thêm trâu, bò giống về phát triển chăn nuôi để vừa có sức kéo vừa có phân bón cho cây trồng”. 

 

Thấy cây khoai sọ dễ trồng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng cao, công chăm sóc ít, sản phẩm dễ tiêu thụ, đoàn viên Mùa A Dơ thuộc Chi đoàn thôn Mù Thấp - một trong 3 thành viên của THT trồng khoai đã chuyển toàn bộ diện tích nương lúa kém hiệu quả sang trồng loại cây này. Riêng vụ khoai năm 2020, gia đình anh thu về 37 triệu đồng từ tiền bán khoai sọ nương. 

 

Anh Dơ phấn khởi cho hay: "Trước đây, nương của gia đình chỉ trồng ngô, lúa và năng suất không cao. Sau khi được tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình tôi đã chuyển hết diện tích nương kém hiệu quả sang trồng khoai sọ và kết quả đã cho năng suất, giá trị kinh tế cao hơn. Từ đó, có thêm thu nhập, đời sống đã được cải thiện rõ rệt”. 

 

Nói về hiệu quả của việc triển khai thực hiện mô hình trồng khoai sọ trên địa bàn xã, anh Sùng A Lềnh - Bí thư Đoàn xã Bản Mù cho biết: "Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền xã và Huyện đoàn về việc thực hiện chuyển đổi diện tích đất canh tác lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng khoai sọ, Đoàn xã đã tuyên truyền, vận động ĐVTN tích cực tham gia. 

Sau 3 năm triển khai, cây khoai sọ đã cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với cây lúa, ngô; từ đó, nhiều ĐVTN đã tích cực tham gia mô hình trồng khoai sọ tạo thành phong trào thi đua sôi nổi”. 

 

Là xã có thế mạnh về đất nương, Đoàn xã Bản Công cũng đã tuyên truyền, vận động, khuyến khích các ĐVTN học tập và làm theo cách trồng khoai sọ của xã Bản Mù. 

Anh Hảng A Thào - Bí thư Đoàn xã Bản Công cho biết: "Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền xã, năm 2021, Đoàn xã đã tuyên truyền, vận động ĐVTN, nhân dân sản xuất 25 ha khoại sọ, hy vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao để góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân”.

 

Năm 2021, toàn huyện Trạm Tấu đã trồng trên 212 ha khoai sọ. Anh Giàng A Tạng - Bí thư Huyện đoàn Trạm Tấu cho biết: Ban Thường vụ Huyện đoàn đã chỉ đạo các cơ sở đoàn xã, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động ĐVTN tích cực tham gia phát triển kinh tế; trong đó, chú trọng sản xuất cây khoai sọ. 

Qua 6 tháng đầu năm 2021, ĐVTN trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia phát triển sản xuất cây khoai sọ bản địa và đã thành lập được 6 THT trồng khoai sọ do thanh niên làm chủ. Toàn bộ diện tích khoai sọ đang phát triển tốt và dự báo sẽ đem lại thu nhập cho ĐVTN, nhân dân.

 

Mô hình trồng cây khoai sọ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm thay đổi sự nhận thức cũng như cách nghĩ, cách làm mới của ĐVTN vùng cao trong việc thực hiện phong trào tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp. 

Từ những kết quả đã đạt được trong việc chuyển đổi đất sản xuất từ lúa nương kém hiệu quả sang trồng khoai sọ của ĐVTN huyện Trạm Tấu không chỉ giúp nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác mà còn góp phần thúc đẩy công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương, khơi dậy ý chí vượt khó vươn lên làm giàu bền vững của ĐVTN nói riêng và đồng bào dân tộc vùng cao nói chung.

 

Khoai sọ nương Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) là giống khoai bản địa, cây thấp, củ tròn, vỏ mỏng, ăn dẻo, đậm thơm và có hàm lượng dinh dưỡng cao.
Quá trình trồng, chăm sóc… bà con không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Theo giá bán hiện nay, mỗi kg khoai sọ dao động từ 17.000 đến 20.000 đồng, năng suất đạt từ 9 đến 11 tấn/ha và trừ chi phí ban đầu, mỗi héc - ta khoai sọ đem về cho nông dân trên 50 triệu đồng/vụ, cao hơn so với trồng lúa nương và một số cây trồng khác. 

 


Chí Sinh (Báo Yên Bái)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem