Các bị hại yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường hơn 88 tỷ đồng, liệu có căn cứ?

Q.Trung Thứ sáu, ngày 07/04/2023 10:37 AM (GMT+7)
Tiến sỹ luật cho rằng việc vợ chồng ca sỹ Thủy Tiên, ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường hơn 88 tỷ đồng phải căn cứ vào quy định của Bộ luật dân sự và thủ tục tố tụng hình sự.
Bình luận 0

Bà Nguyễn Phương Hằng bị yêu cầu bồi thường hơn 88 tỷ đồng

Ngày 6/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố bị can Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam) và 4 đồng phạm về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường hơn 88 tỷ đồng, liệu có căn cứ? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phương Hằng thời điểm bị khởi tố. Ảnh: CACC

Ngoài hành vi của bà Phương Hằng và đồng phạm, nội dung kết luận điều tra còn ghi nhận những yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất cũng như tổn thất tinh thần của các bị hại đối với cá nhân bà Nguyễn Phương Hằng.

Cụ thể, về yêu cầu bồi thường của 10 bị hại, bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) và chồng là ông Lê Công Vinh yêu cầu bà Hằng và đồng phạm bồi thường 30,4 tỷ đồng tiền tổn thất vật chất; 14,9 tỷ đồng tiền tổn thất về tinh thần do các phát ngôn xúc phạm vợ chồng Thủy Tiên và Công Vinh.

Ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng) yêu cầu bà Phương Hằng và đồng phạm xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại về vật chất số tiền 43 tỷ đồng.

Trong khi đó, ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), ca sỹ Vy Oanh và một số người khác không yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường vật chất nhưng phải xin lỗi.

Không có cơ sở xem xét theo quy định pháp luật

Sau thông tin này, nhiều người đặt câu hỏi, việc vợ chồng ca sỹ Thủy Tiên, ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường hơn 88 tỷ đồng liệu có căn cứ?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần với tổng số tiền hơn 88 tỷ đồng trong một vụ án hình sự có lẽ là kỷ lục rất hiếm xảy ra trong lịch sự tố tụng Việt Nam.

Theo ông Cường, theo quy định pháp luật, đương sự có quyền đưa ra yêu cầu nhưng cũng có nghĩa vụ phải chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp, đó là nguyên tắc giải quyết các tranh chấp về dân sự, kể cả vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.

Về nguyên tắc, hành vi có lỗi, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự nhân phẩm, uy tín hoặc tài sản của người khác sẽ phải bồi thường thiệt hại. Việc bồi thường thiệt hại có thể là bồi thường phát sinh từ hợp đồng hoặc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Trong những vụ án hình sự, người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu bị can, bị cáo phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra.

Việc bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự là vấn đề dân sự được giải quyết trong vụ án hình sự, sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật dân sự và thủ tục tố tụng hình sự. Trong vụ án này, yêu cầu bồi thường thiệt hại sẽ được xác định là thiệt hại ngoài hợp đồng do danh dự, nhân phẩm bị xâm hại.

Vị chuyên gia phân tích, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, yêu cầu xin lỗi, cải chính công khai là yêu cầu chính đáng của những người bị hại, những người liên quan trong vụ án hình sự khi có hành vi gây thiệt hại xảy ra là căn cứ để xử lý hình sự đối với bị can.

Nói cách khác việc đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại là quyền của đương sự, tuy nhiên đương sự phải có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và đúng pháp luật.

Nếu các bên có thoả thuận với nhau về mức bồi thường, cơ quan tố tụng sẽ ghi nhận. Trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại đưa ra mà các bên không thống nhất được với nhau, toà án sẽ giải quyết trên cơ các quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự.

Đối với yêu cầu thiệt hại bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Bộ luật dân sự 2015 quy định các trường hợp bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm hại, tính mạng bị xâm hại, sức khỏe bị xâm hại và danh dự nhân phẩm bị xâm hại.

Đối với bồi thường thiệt hại do danh dự nhân phẩm bị xâm hại mà các bên không thỏa thuận được với nhau, tòa án sẽ quyết định mức bồi thường thiệt hại không quá 10 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định đối với mỗi người bị hại, tương đương khoảng không quá 14,9 triệu đồng.

Từ phân tích trên, ông Cường cho rằng, việc một số cá nhân yêu cầu bị can Nguyễn Phương Hằng và các đồng phạm bồi thường hơn 88 tỷ đồng về danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm là không có cơ sở xem xét. Tòa án chỉ có thể chấp nhận mức bồi thường cho mỗi người không quá 14,9 triệu đồng như đã nói ở trên.

Còn đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại "vật chất", tòa án sẽ làm rõ đây là bồi thường thiệt hại về tài sản hay bồi thường thiệt hại gián tiếp do danh dự nhân phẩm uy tín bị xâm phạm để làm căn cứ áp dụng pháp luật.

Nếu là bồi thường thiệt hại về tài sản theo Điều 589 Bộ luật dân sự, đương sự phải chứng minh thiệt hại theo quy định của pháp luật, trường hợp không chứng minh được sẽ phải chịu án phí theo quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem