Yêu cầu khẩn trương ban hành Nghị định hồi tố thuế trả gần 5.000 tỷ đồng cho DN
Ngày 17/4, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối với Bộ Tài chính liên quan đến việc hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 điều 8 Nghị định số 20/2017 của Chính phủ về áp trần tỷ lệ lãi vay các doanh nghiệp có hoạt động liên kết.
"Thủ tướng yêu cầu bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định đối với nội dung xử lý hồi tố cho năm 2017, 2018 theo phương án như ý kiến của đa số thành viên Chính phủ theo đúng quy chế làm việc của Chính phủ, bù trừ nghĩa vụ thuế của các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm", văn bản nêu.
Trước đó, trong báo cáo mới nhất về dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 điều 8 Nghị định số 20/2017 (NĐ 20) gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 3/4, bộ Tài chính cho rằng: "Việc áp dụng hồi tố năm 2017 và 2018 có thể tạo cơ chế xin cho, gây khó khăn cho công tác quản lý thuế" để không hồi tố 2 năm thuế đã thu của doanh nghiệp.
Bộ này cũng đã viện dẫn nhiều lý do để không "hồi tố" khoản thuế lên đến gần 5.000 tỉ đồng đã thu trong hai năm 2017 - 2018 theo Nghị định 20 về áp trần tỷ lệ lãi vay các doanh nghiệp có hoạt động liên kết.
Cụ thể, văn bản sửa đổi sẽ chỉ được áp dụng từ kỳ quyết toán thuế 2019, trong khi mong mỏi của doanh nghiệp là được hồi tố về năm 2017, 2018 bởi từ khi ban hành đến nay, quy định đã khiến nhiều đơn vị kiệt sức vì phải cõng số thuế thu nhập doanh nghiệp tăng vọt. 4.875 tỷ đồng thu sai rất có thể sẽ không quay về với doanh nghiệp.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, trong trường hợp hồi tố có thể sẽ tạo ra cơ chế xin cho phức tạp, không loại trừ khả năng phát sinh tiêu cực.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng, cách giải thích này của Bộ là đang né tránh trách nhiệm quản lý của mình, bởi cán bộ thuế có trách nhiệm phân xử cuối cùng.
Dưới góc nhìn pháp lý về việc sửa nghị định 20, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho rằng, việc hồi tố là đầy đủ cơ sở pháp lý bởi điều 152 Luật Ban hành văn bản pháp luật năm 2015 đã nêu rõ, không được quy định hiệu lực trở về trước (hiệu lực hồi tố) đối với các trường hợp quy định trách nhiệm pháp lý mới hoặc nặng hơn trước đó. Ngược lại, thì được phép hồi tố trong trường hợp cần thiết “để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân”. Điều này cũng đã được Bộ Tư pháp cho ý kiến khẳng định là không vướng mắc.
"Với lý lẽ của Bộ Tài chính, tôi thấy vấn đề được nêu lên hoàn toàn không đúng. Bộ Tài chính chỉ căn cứ vào một trường hợp là vì “lợi ích chung” mà bỏ qua trường hợp nữa là vì “quyền lợi của tổ chức”. Không những thế, việc hồi tố này còn vì cả hai lợi ích, ngoài vì các doanh nghiệp, thì còn vì cả “lợi ích chung”. Tôi chỉ nêu một ví dụ nhỏ để mọi người cùng hiểu. Tập đoàn Điện lực Việt Nam vì Nghị định 20 mà phải nộp thêm cả khoảng 500 tỉ đồng tiền thuế, dẫn tới tăng giá điện. Như thế, lợi ích chung của người dùng phải nộp tiền “oan” để bù vào khoản này cho ngành điện. Khi ấy, người bị ảnh hưởng sẽ là hàng triệu con người trên đất nước này, đâu phải chỉ riêng một đối tượng nào.
Đó chỉ là một ví dụ, trong khi trong trường hợp này là hàng nghìn doanh nghiệp bị tác động, sức ảnh hưởng lớn hơn gấp nhiều lần. Nên việc hồi tố không những là đảm bảo lợi ích chung của xã hội, của doanh nghiệp mà quan trọng hơn là còn củng cố niềm tin vào pháp luật", luật sư Đức nói.
Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho hay, thực tế, việc hồi tố cũng đã có tiền lệ nhiều lần trong trường hợp tương tự. Ví dụ năm 2014, Nghị định 91/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã có quy định cho phép doanh nghiệp hồi tố áp dụng chuyển đổi ưu đãi do chấm dứt ưu đãi theo điều kiện xuất khẩu do thực hiện cam kết với WTO cho các năm trước đó. Khoản thuế chênh lệnh do áp dụng quy định này sau đó được chính Bộ Tài chính hướng dẫn tại Thông tư 151/2014/TT-BTC là "khoản thuế nộp thừa và được hoàn lại hoặc bù trừ với nghĩa vụ thuế của các năm sau".