Dịch Covid-19: Cơ hội nào cho học sinh vùng khó học online?

Diệu Bình Thứ ba, ngày 14/04/2020 11:07 AM (GMT+7)
Trong khi dịch Covid-19 diễn biến ở nhiều nơi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo ngành giáo dục các địa phương triển khai dạy học trên internet, truyền hình theo chương trình tinh giản bộ đã hướng dẫn. Mặc dù vậy, việc dạy học trực tuyến mùa dịch vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Bố mẹ "vất vả"

Chị Nguyễn Thị Điệp có đang học lớp 3 cho hay, việc tạm thời chuyển đổi từ học trực tiếp sang trực tuyến đã khiến gia đình chị lúng túng. Vì con còn quá nhỏ nên gia đình cũng chưa đầu tư mua các thiết bị điện tử để phục vụ việc học cho con.

“Kinh tế bây giờ khó khăn nên con đành phải học trên máy tính của bố mẹ. Việc học trực tuyến vẫn còn khá mới mẻ làm con không tập trung, buộc phải có bố mẹ ngồi bên nhắc nhở”, chị Điệp nói.

Tương tự, chị Hoàng Thị Minh - phụ huynh có con đang học lớp 6 cho biết, việc học trực tuyến khiến bố mẹ rất "vất vả", mặc dù bài giảng của thầy cô tương đối rõ ràng và dễ hiểu nhưng hình thức học này cũng chưa thật sự hấp dẫn, việc kết nối trao đổi thông tin chưa cao. 

“Bố mẹ phải thường xuyên nhắc nhở con về thời gian đầu học trực tuyến bởi con hay quên. Trong thời gian học bố mẹ cũng phải ngồi học cùng con để nhắc nhở, đôn đốc", chị Minh bày tỏ.

img

Trước tình hình Covid-19 vẫn diễn biến, học sinh học tập trực tuyến trên internet.

Nhiều cán bộ GV chia sẻ, sau quá trình triển khai dạy học trực tuyến, online đều khẳng định, phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc giúp HS tiếp thu kiến thức trong quá trình dạy học trực tuyến. Bởi phụ huynh không chỉ đóng vai trò hỗ trợ về phương tiện, vật chất, kỹ thuật giúp con tiếp cận với học trực tuyến mà hơn thế việc đốc thúc và tăng cường ý thức học tập cho học sinh tại nhà theo hình thức học mới đòi hỏi tính tự giác cao.

Thầy Võ Thanh Phước – Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Huệ (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) cho biết, do thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 quá dài, nhằm duy trì nề nếp và thói quen học tập cho HS, nhà trường đã yêu cầu GV gửi bài tập qua các group và website của trường. 

“Dù đã sử dụng rất nhiều kênh như nhóm zalo, nhóm chat facebook.. nhưng không phải HS nào cũng tiếp cận được vì không thống nhất về thời gian, cũng có nhiều gia đình khó khăn nên HS không có các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính… để lấy bài tập về làm”, thầy  Phước nhận xét.

Cơ hội nào cho học sinh vùng khó học online?

Bên cạnh đó, do đặc thù các nhiều khu vực khác nhau, có nơi chưa có mạng internet nên học qua truyền hình, học online đang “làm khó” cả phụ huynh lẫn giáo viên.

Thầy Nguyễn Thọ - Hiệu trưởng trường Tiểu học Hòa Bắc (H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) chia sẻ, với nỗ lực giảng dạy bài mới cho HS để kịp chương trình học, các GV trường Tiểu học Hòa Bắc đã khắc phục khó khăn về phương tiện và thiết bị, chủ động sử dụng kênh youtube để kết nối với HS.

“Chỉ có 35 em tham gia ở cả 5 khối lớp, trong khi tổng số HS của toàn trường là 315 em. Trường có đến 2/3 HS là người dân tộc, đến góc học tập tại nhà với các em cũng khó chứ nói gì đến các phương tiện học tập hiện đại. Số phụ huynh có điện thoại thông minh, ti vi thông minh là rất ít. Nên chúng tôi cũng báo cáo thật tình hình với Phòng GD&ĐT là rất khó khăn và triển khai dạy học qua internet thì sẽ không hiệu quả” - thầy Thọ chia sẻ.

“Chỉ có giao bài tập trực tiếp như thế thì HS mới có điều kiện làm bài được. Giờ mà tổ chức dạy học qua internet thì rất khó vì chỉ có thôn Phò Nam mới có mạng internet chứ các thôn khác gần như không có. Mỗi tuần, nhà trường phải in sẵn bài để mỗi sáng thứ Hai hàng tuần, phụ huynh đến trường lấy, sang tuần sau thì nộp bài của tuần trước và lấy bài tập mới”, thầy Thọ nói thêm.

img

Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, Đà Nẵng) tổ chức dạy học trực tuyến.

Cũng ở địa bàn khó khăn, nằm sát chân đèo Hải Vân, trường Tiểu học Hải Vân (Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) đang lên kế hoạch sẽ xây dựng bài giảng theo từng khối lớp, mỗi bài sẽ do một giáo viên đảm nhận giảng dạy cho cả khối rồi quay video lại, sau đó sử dụng các group của một số mạng xã hội như zalo, messenger facebook để đăng tải. Đây là hai kênh dễ tiếp cận với phụ huynh nhất so với đăng trên website của nhà trường. 

Phụ huynh có thể tải về cho HS xem, GV sẽ hỗ trợ HS học bằng cách giải đáp, hướng dẫn qua điện thoại hoặc tương tác trên nhóm chát. Cuối tuần, GV trong tổ sẽ tổng hợp lại kiến thức cần hệ thống để ra bài tập luyện tập. Phụ huynh sẽ chụp lại bài làm của HS gửi lại vào nhóm để GV đánh giá, nhận xét.

Tuy nhiên, cô Trần Thị Nhàn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hải Vân cho biết, sẽ gặp khó khăn trong triển khai dạy học bài mới, kiến thức mới cho HS, nhất là HS lớp 1-2. “Có những lớp, 100% phụ huynh tham gia mạng xã hội nhưng có những lớp chỉ khoảng 50% phụ huynh có điện thoại kết nối internet. Chưa kể là chất lượng dạy học như thế này cũng không thể đảm bảo được HS sẽ tiếp thu bài tốt được. Phụ huynh ở đây đa phần là công nhân, khó hỗ trợ cho HS trong quá trình tự học ở nhà”, cô Nhàn thông tin.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem