Đòi tiền chuộc khi nhặt được của rơi, có bị xử phạt?

Quang Minh Thứ năm, ngày 16/05/2024 13:25 PM (GMT+7)
Theo luật sư, trường hợp người dân nhặt được tài sản của người khác mà không hoàn trả có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
Bình luận 0

Câu hỏi:

Bạn đọc Nguyễn Thành Luân, quận Thanh Xuân Hà Nội hỏi: Trường hợp người dân gọi điện thoại đòi tiền chuộc sau khi nhặt được tài sản (trong túi sách có 50 triệu đồng) sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho hay, mỗi người dân đều có tài sản riêng, các tài sản đó có thể là ví tiền, điện thoại, đồng hồ, túi xách. Đối với các tài sản này, chủ sở hữu có thể bị đánh rơi hoặc làm mất, bỏ quên. 

Theo Điều 230, Bộ luật Dân sự 2015, nếu người nhặt được tài sản biết được địa chỉ của người đánh rơi tài sản hoặc bỏ quên thì phải tìm cách thông báo để trả lại tài sản cho người đó (nhận biết qua tài sản, thông tin ghi trên tài sản hoặc các manh mối khác);

Trường hợp, người nhặt được tài sản không biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất. Sau đó, đơn vị này sẽ thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP" quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình có quy định:, người nào chiếm giữ trái phép tài sản của người khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Đòi tiền chuộc khi nhặt được của rơi, có bị xử phạt?- Ảnh 2.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật.

Người phạm tội còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được và buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép do thực hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp người nhặt được của rơi cố tình không trả, chiếm giữ tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu về Tội chiếm giữ trái phép tài sản theo Điều 176 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Cụ thể, người phạm tội có thể sẽ bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tội phạm.

Đối với trường hợp người nhặt được tài sản đòi tiền chuộc sau khi nhặt được tài sản bị đánh rơi, qua quá trình điều tra, xác minh, nếu có đủ căn cứ người vi phạm còn có thể bị truy cứu về Tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật hình sự 2015, với mức hình phạt thấp nhất 1 năm tù, cao nhất 20 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem