Mạnh tay với Trung Quốc: con đường duy nhất để hợp nhất nước Mỹ chia rẽ hậu bầu cử

06/11/2020 07:13 GMT+7
Theo nhà cựu đàm phán thương mại hàng đầu của Nhà Trắng Clete Willems, cứng rắn với Trung Quốc sẽ là con đường duy nhất để hợp nhất một nước Mỹ phân cực hậu bầu cử như hiện tại,
Mạnh tay với Trung Quốc: con đường duy nhất để hợp nhất nước Mỹ chia rẽ hậu bầu cử - Ảnh 1.

Cuộc bầu cử Mỹ 2020 đã đưa quốc gia này vào thế chia rẽ sâu sắc

Một ngày sau khi người Mỹ hoàn tất bỏ phiếu bầu cử, cuộc đua vào Nhà Trắng giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden vẫn chưa có kết quả cuối cùng. 6 bang nước Mỹ gồm Alaska, Pennsylvania, Georgia, Arizona, Nevada và North Carolina vẫn chưa hoàn tất kiểm phiếu và chưa có dự báo về chiến thắng cho bên nào.

Trong khi người ủng hộ Biden bác kiến nghị hủy phiếu vắng mặt của chiến dịch Trump và yêu cầu kiểm mọi phiếu bầu thì cử tri trung thành của Trump cũng xuống đường biểu tình sau nghi vấn gian lận bầu cử mà phía Trump cáo buộc. Trong bối cảnh khủng hoảng đại dịch Covid-19, sự phân cực của người dân Mỹ càng trở nên rõ rệt hơn do bầu cử.

Nhà cựu đàm phán thương mại hàng đầu của Nhà Trắng Clete Willems nhận định dù Biden hay Trump thắng cử trong cuộc bầu cử Mỹ 2020, mối quan hệ với Trung Quốc vẫn có nguy cơ lớn giữ nguyên hiện trạng căng thẳng. Ngay cả khi Biden tiến vào Nhà Trắng, Đảng Cộng hòa vẫn sẽ chiếm ưu thế ở Thượng viện khiến ngài Tân Tổng thống khó có thể đi theo đường lối xoa dịu mối quan hệ với Trung Quốc. 

Tuy nhiên, ông Willems dự báo chính sách của Biden sẽ ôn hòa và dễ đoán hơn. “Sẽ không còn những dòng tweet đe dọa trừng phạt thuế quan lúc nửa đêm. Nhưng nhìn chung, đường lối (mạnh tay với Trung Quốc) sẽ ít nhiều có điểm tương đồng”. Thêm vào đó, trong tình hình nước Mỹ phân cực hiện tại, xung đột với Bắc Kinh chính là giải pháp duy nhất hợp nhất người Mỹ trong cùng một chiến tuyến.

Quan hệ song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã xấu đi đáng kể trong vài năm qua sau khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng nhờ chiến thắng cuộc bầu cử Mỹ 2016. Thuế quan trừng phạt và hàng loạt lệnh hạn chế thương mại từ Mỹ đã đẩy hai nước vào cuộc chiến tranh thương mại kéo dài hơn 2 năm nay. Chính quyền Trump cáo buộc Trung Quốc lạm dụng các hành vi thương mại không công bằng, tiếp tay cho trộm cắp tài sản trí tuệ và gần đây nhất là thất bại trong xử lý khủng hoảng dịch Covid-19 khiến đại dịch lan rộng ra toàn cầu.

Ông Clete Willems nhận định Tổng thống Trump đã thành công trong việc giải quyết một số xung đột nhất định với Trung Quốc. Ví dụ, để kiềm chế xung đột thương mại leo thang, Mỹ và Trung Quốc đã ký vào thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi tháng 1/2020, trong đó Trung Quốc đồng ý tăng cường nhập khẩu 200 tỷ USD hàng hóa dịch vụ Mỹ trong hai năm và thúc đẩy bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. “Đó sẽ là một di sản lâu dài” của chính quyền Trump, theo ông Willems. Ông nói thêm rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mà chính quyền Trump áp đặt lên gã khổng lồ công nghê Huawei - vốn bị coi là mối đe dọa an ninh quốc gia với Mỹ - đã đưa công ty này rơi vào chế độ “tồn tại” thay vì “tăng trưởng”.

Tuy nhiên, “vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước” bởi theo ông Willems, trên nhiều khía cạnh, xung đột Mỹ - Trung vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn triệt để.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục