Ở một ngọn núi ở Điện Biên, bất ngờ thấy cả trăm con lợn rừng đòi ăn, gà đặc sản chạy lung lung

Thanh Tùng Thứ hai, ngày 13/05/2024 05:28 AM (GMT+7)
Lão đã từng làm dự án, chuẩn bị cả vật lực lẫn công sức để trồng 1.000ha rừng ở đất Điện Biên. Nhưng những nỗ lực của lão bị "khước từ". Vỡ mộng, lão quay về đỉnh núi Kê Nênh, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên để trồng rừng và chăn nuôi lợn rừng, nuôi gà đặc sản theo ý mình.
Bình luận 0

Trang trại nông lâm kết hợp của lão Lê Văn Lương (SN 1959) nằm bên trục đường đi vào khu di tích lịch sử Mường Phăng, nơi có đỉnh núi Kê Nênh, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Suốt 10 năm qua, lão cặm cụi trồng cây gây rừng và nuôi gà, nuôi lợn rừng. Vườn cây nay đã phủ xanh đất trống đồi trọc.

Lên núi trồng rừng, nuôi lợn rừng chạy hàng đàn

Trang trại của lão nằm tít trên núi cao. Hôm chúng tôi đến thăm lão Lương đang ra vườn nhặt bí xanh, bí đỏ.

Giữa những ngày nắng nóng lão đang phải gồng mình để chống hạn. Lão Lương nom như một người đàn ông ở núi. Râu để dài, chân tay lấm lem bùn đất, nước da rám nắng không ai nghĩ đây là một cử nhân ở miền xuôi đã từng lên xây dựng đất Lai Châu – Điện Biên. 

Lão bước đi thoăn thoắn, tay ôm đống bí vào cho đám lợn rừng. Đàn lợn con nào con nấy lông dựng đứng, mình dài đườn đang ngước lên đợi chủ cho ăn. Lão Lương vừa ném đám bí xuống nền chuồng, chúng tranh nhau ăn. 

Chỉ trong nháy mắt, rổ bí đao đã hết sạch. Đám lợn rừng cứ nhìn lão mong được nhận thêm thức ăn.

Ở một ngọn núi ở Điện Biên, bất ngờ thấy cả trăm con lợn rừng đòi ăn, gà đặc sản chạy lung lung- Ảnh 2.

Suốt mấy năm qua, lão nông Lê Văn Lương ở một mình trên núi trồng rừng, nuôi lợn và nuôi gà ở đỉnh núi Kê Nênh, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thuần Việt.

Thay vì cho ăn thêm, lão mở cửa cho đám lợn rừng chạy ra dừng tự dũi đất kiếm ăn. "Tôi nuôi lợn được 3 năm, nay đã có cả gần chục con lợn mẹ và mấy chục con lợn thương phẩm. 

Do lợn thả núi, nên chúng cho thịt thơm ngon. Con nào đến tuổi xuất chuồng, khách hàng đến tận trang trại bắt", lão Lương chia sẻ.

Đưa ánh mắt nhìn theo đám lợn rừng đi kiếm ăn trong núi, lão Lương ra chiều ưng ý lắm. Từ khi có đàn lợn này lão không phải làm cỏ trong vườn. 

Nông sản lão chồng ở trang trại không phải mang đi đâu bán mà thành thức ăn cho đám lợn.

Ở một ngọn núi ở Điện Biên, bất ngờ thấy cả trăm con lợn rừng đòi ăn, gà đặc sản chạy lung lung- Ảnh 3.

Đàn lợn rừng cả trăm con của lão nông Lê Văn Lương, núi Kê Nênh, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thuần Việt

Bí quyết nuôi lợn rừng của lão Lương là luôn tạo ra môi trường tự nhiên nhất cho chúng sinh sôi và phát triển. Suốt mấy năm qua, như hiểu thành ý của chủ, đàn lợn nhà lão Lương phát triển rất nhanh. 

Chúng đẻ ra con nào là sống con đó. Mỗi năm lão lại xuất chuồng được mấy chục con lợn rừng. Giá bán từ 130 đến 150.000đ/kg. 

Nhờ có đàn lợn này mà lão xoay vòng sản xuất rất nhanh. Có tiền lão xây thêm chuồng, mua thêm giống cây về để trồng rừng.

Theo lão đi lên núi mới cảm nhận được nỗ lực của lão trong suốt những năm qua. Từng hàng mít, tỏa bóng mát, quả sai trĩu vừa tạo bóng mát cũng là nguồn thức ăn cho đám lợn rừng. 

Lão Lương kể, ngày lão mua cái nương đá này trọc lốc. Không có một cây to nào. 

Cỏ dại mọc ngút ngàn. "Việc đầu tiên khi mua khu đất này tôi đã trồng cây, gây rừng. Khi cây lên cao bằng đầu người tôi trồng bí, trồng dưa, trồng đu đủ rồi chuyển sang chăn nuôi. 

Nhờ nguồn thức ăn tự cung, tự cấp này mà đám lợn rừng lớn nhanh, mà tôi chỉ mất rất ít tiền mua cám cho chúng", lão Lương chia sẻ.

Đứng từ trên đồi cao nhìn xuống, trang trại của lão Lương nằm chênh vênh bên sườn núi. Từng hàng mít, hàng hàng cam, hàng bưởi xanh mướt đã phủ bóng choán hết cả một vùng. 

Ở một ngọn núi ở Điện Biên, bất ngờ thấy cả trăm con lợn rừng đòi ăn, gà đặc sản chạy lung lung- Ảnh 4.

Lão Lương, chủ trang trại trên núi Kê Nênh, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên chủ động nguồn thức ăn trồng tại trang trại cho đám lợn rừng. Ảnh: Thuần Việt.

Cách làm của lão Lương là tạo môi trường trong lành rồi mới phát triển chăn nuôi. 

Mỗi năm đàn lợn rừng cũng mang lại cho lão cả trăm triệu đồng. Không dừng lại ở đó, lão còn nuôi cả nghìn con gà núi.

Giống gà xương đen bản địa của bà con người Mông này cũng phát triển rất tốt. Cả ngày chúng chạy lên đồi bới đất, bới cát.

Chiều tối tự về chuồng. "Cùng với lợn rừng, gà xương đen cũng có chất lượng thơm ngon. Cứ đến cuối năm là khách hàng tự tìm đến trang trại mua với giá luôn cao hơn thị trường", lão Lương tự hào khoe.

Quả là từ ngày có lão Lương lên núi làm trang trại, đỉnh núi Kê Nênh ngày được một phủ xanh. Ước mong của lão là tiếp tục mở rộng trang trại, có đất đến đâu là lão trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. 

Ngày ngày lão cặm cụi đào từng hố đất, ươm từng mầm xanh với hy vọng biến nơi đây thành một khu du lịch sinh thái. 

Như để minh chứng cho kế hoạch khả thi của mình, lão Lương dẫn tôi lên núi rồi đưa tay chỉ về phía thành phố Điện Biên Phủ: "Nơi này chỉ cách thành phố một tầm tiếng gọi. Có tầm nhìn thoáng đạt. 

Phía trước trang trại là những thửa ruộng bậc thang dài ngút ngàn, kéo dài tới tận chân núi Mường Phăng. Nơi này quanh năm khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Khách du lịch đi qua đây rất đông, nếu làm du lịch sinh thái, chắc chắn sẽ thành công".

Kế hoạch của lão Lương không phải không có khả thi, bởi lẽ quanh chỗ lão làm trang trại, đã có 2 homestay mở ra. Hai khu nghỉ dưỡng này luôn kín khách. Trước khi mở cửa đón khách, lão đã tiến hành trồng hoa rừng, trồng cây để tạo cảnh quan.

Trong câu chuyện làm trang trại, lão Lương luôn có những ý tưởng táo bạo. Lão có thể kết hợp giữa sự nghỉ dưỡng và trải nghiệm làm nông nghiệp. Xu thế này đang được du khách đón nhận như một sự "chữa lành" cho người thành phố.

Từng xin trồng 1000 ha rừng

Lão Lương được người Mông sống ở bản Kê Nênh gọi là lão Lương "gàn" bởi lẽ lão đã có lương hưu, con khôn vợ đẹp ở thành phố Điện Biên Phủ lại lên núi trồng rừng và chăn nuôi. Lão làm thật và quyết tâm của lão còn cao hơn núi. 

Ít ai biết rằng, lão Lương lại là chàng trai quê lúa Thái Bình. Năm 1982, lão đã xung phong lên Lai Châu để làm cán bộ cho công ty xuất nhập khẩu. 

Suốt mấy chục năm làm thương mại, nhưng lão lại luôn nung nấu có một khu rừng cho riêng mình.

Những năm đầu lên xứ miệt rừng, được đi qua cánh rừng nguyên sinh dài tít tắp kéo dài tới tận chân trời, lão mê lắm. Khi đó khí hậu vùng biên ải này còn mát mẻ, cây cối um tùm, con người lại thân thiện. 

Đặc biệt là những cánh rừng kéo dài từ đỉnh Pu Sí Lung tới thung lũng Mường Thanh đã tạo thành vành đai xanh nơi biên giới.

Ở một ngọn núi ở Điện Biên, bất ngờ thấy cả trăm con lợn rừng đòi ăn, gà đặc sản chạy lung lung- Ảnh 8.

Lão nông Lê Văn Lương lên núi và mong phủ xanh đất trống đồi trọc. Suốt những năm qua, một mình lão cặm cụi trồng rừng trên đỉnh núi để trồng rừng. Ảnh: Thuần Việt.

Thế rồi khi "phong trào" phá rừng diễn ra nhanh chóng, chẳng mấy chốc những cánh rừng nguyên sinh mất đi một cách nhanh chóng. Đến đầu những năm 2000, chỉ những nơi đèo cao, núi thẳm mới còn rừng nguyên sinh. Đồi trọc cứ nối nhau kéo dài như đốt mắt người yêu rừng như lão.

Năm 2007, công việc đã vãn, lão xin nghỉ hưu sớm ấp ủ kế hoạch trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Nhà có bao vốn liếng, lão lấy đi sạch để làm dự án, xin trồng 1000ha rừng ở xã Mường Nhà, huyện Điện Biên. 

Lão dày công làm dự án và tiến hành các thủ tục cấp phép. Suốt mấy năm ròng, bỏ ra không biết bao nhiêu là tiền của công sức, cuối cùng mong ước của lão cũng được chính quyền nơi đây chấp thuận. Lão đã đo đạc và chuẩn bị nhận đất trồng rừng. 

"Ngày đó tôi vui lắm, vui vì ước mong khôi phục lại những cánh rừng tươi tốt đất Tây Bắc sắp được toại nguyện. Lão đã gieo cả triệu cây giống, tiến hành thành lập công ty, tuyển công nhân trồng rừng. Tôi đã chuẩn bị xong mọi thứ, vậy mà cuối cùng không hiểu sao, chính quyền tỉnh Điện Biên lại không đồng ý giao đất cho tôi vì vướng nhiều thủ tục".

Ở một ngọn núi ở Điện Biên, bất ngờ thấy cả trăm con lợn rừng đòi ăn, gà đặc sản chạy lung lung- Ảnh 10.

Dự định của lão Lương là xây dựng khu du lịch sinh thái, kết hợp du lịch với trải nghiệm làm nông nghiệp trên đỉnh Kê Nênh. Ảnh: Thuần Việt.

Bao vốn liếng, bao công sức lão Lương đã đổ vào dự án đó, cuối cùng lão thu được là sự "lắc đầu" của chính quyền địa phương. Quá sốc trước di nguyện cả đời lão mong muốn, lão buồn lắm. "Suốt mấy năm liền tôi bỏ công, bỏ sức theo đuổi dự án. 

Mục đích của tôi là tạo công ăn việc làm cho bà con dân tộc ở đó. Tôi còn xây nhà máy chế biến gỗ sẽ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, nếu như dự án đó thành công. Vậy mà ý tưởng tốt đẹp của tôi lại không thành".

Bẵng đi vài năm lão Lương mới dần lấy lại tinh thần. Nhà còn chút vốn liếng lão đã mua mấy ha đất trên đỉnh Kê Nênh làm trang trại. Mục đích của lão là được trồng rừng và ở gần với thiên nhiên. 

Đến giờ khi nhắc lại dự định lớn của đời người chưa thành, lão tiếc rẻ: "Nếu như ngày đó chính quyền bàn giao xong đất cho tôi, giờ tôi đã phủ xanh được nhiều hơn cả 1000ha rừng. Từ rừng bà con dân tộc ở đó sẽ có công ăn việc làm. Giờ tôi tự phủ xanh mấy ha đất ở Kê Nênh trước. Ở miền núi mà không có rừng, việc sinh sống về lâu dài sẽ gặp vô vàn khó khăn", lão Lương chia sẻ.

Những dự định và việc làm tốt đẹp của lão Lương thật đáng trân trọng. Bà con gán biệt danh là lão Lương "gàn", nhưng thực tế lão làm gì cũng bài bản và hướng tới việc bảo vệ môi trường. 

Khu đất của lão mua giờ lên giá gấp cả chục lần, nhiều đại gia ngỏ ý muốn sở hữu, nhưng lão nhất định không bán.

Lão muốn ở gần rừng và hàn gắn dự định lớn nhất trong đời lão. Giờ lão cũng chỉ mong từ cách làm của mình, bà con người Mông, người Thái nơi đây sẽ làm theo. Lão tin rồi một ngày nào đó, diện tích đồi trọc của miền Tây Bắc sẽ được phủ xanh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem