Ở một nơi của Hòa Bình, dân trèo lên cây cổ thụ hái thứ hoa này rồi ủ kiểu gì mà ra trà đặc sản?

Hoài Linh Thứ năm, ngày 16/05/2024 05:40 AM (GMT+7)
Từ lâu đồng bào Mông hai xã Hang Kia, Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đã biết khai thác hoa trà cổ thụ "ướp" trong ống tre. Hoa trà được lấy từ những cụ trà Shan tuyết hằng trăm năm tuổi. Đây là loại trà đặc sản mà ít người có hội thưởng thức.
Bình luận 0

Đường lên hai xã Hang Kia, Pà Cò - nơi từng là điểm "nóng" về ma túy một thời, giờ không còn khó khăn, cách trở như trước đây. 

Con đường bê tông rộng rãi đã được nhà nước đầu tư, mở rộng từ Quốc lộ vào tận trung tâm xã. Nơi đây là nơi sinh sống của bà con người Mông. 

Bao đời người dân nơi đây gắn bó với rừng già và núi cao. Ngoài làm nương rẫy, trồng ngô, trồng sắn, bà con người Mông còn đang "sở hữu" cho mình "kho báu" - đó là những cụ trà Shan tuyết vài trăm năm tuổi. Những cụ trà Shan tuyết này sống ở nơi quanh năm mây phủ có hương vị mà ít nơi có được.

Từ lâu người Mông đã biết khai thác lá trà về sao rồi bán cho khách du lịch. Những cụ trà Shan tuyết thân mốc thếch, tán cao cả chục mét đã hút sinh khí của đất trời suốt mấy trăm năm, cho ra hương vị trà rất đặc biệt. Ai đã một lần lên bản Mông được uống chén trà cổ thụ, "say" một lần sẽ nhớ cả đời.

Trong chuyến công tác ở hai xã Hang Kia, Pà Cò hai năm trở về trước, chúng tôi may mắn được gặp cụ Sồng A Sía (sống thọ 111 tuổi ở đất Pà Cò). 

Cụ Sía là người Mông và cũng là người giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Sống qua 2 thế kỷ, nên lịch sử vùng đất này cụ thuộc như lòng bàn tay.

Ở một nơi của Hòa Bình, dân trèo lên cây cổ thụ hái thứ hoa này rồi ủ kiểu gì mà ra trà đặc sản?- Ảnh 2.

Nằm trên độ cao trên 1.400m so với mặt nước biển, nên khí hậu nơi đây quanh năm mát mẻ. Mùa đông mây phủ kín trời, kín đất. Ở trên đỉnh núi cao, xen lẫn trong tán rừng già có những cây trà Shan tuyết, tuổi thọ cả mấy trăm năm. Ảnh: Hoài Tuấn.

Nói về các cụ trà Shan tuyết mọc ngoài rừng, cụ Sía như được trở lại thời trai trẻ: "Ngày trước khắp đất Pà Cò, Hang Kia có cả vạn cây trà Shan tuyết. Đến nỗi bà con người Mông còn gọi là núi trà. Có nhiều cây, gốc to hơn một người ôm mọc giữa rừng tựa như những cột chống trời. 

Ngày đó bà con người Mông cũng biết cách khai thác lá trà về uống. Thứ trà xanh, nước thoang thoảng, nhưng uống xong hương vị thơm ngào ngạt của miền rừng kéo dài cả một ngày chưa hết".

Ở một nơi của Hòa Bình, dân trèo lên cây cổ thụ hái thứ hoa này rồi ủ kiểu gì mà ra trà đặc sản?- Ảnh 3.

Ngoài thưởng thức lá trà Shan tuyết, bà con người Mông còn nghĩ ra cách uống trà vô cùng đặc biệt đó là hái hoa trà Shan tuyết ủ ống tre để uống. Ảnh: Hoài Tuấn.

Cũng theo cụ Sía, ngoài thưởng thức lá trà Shan tuyết, bà con người Mông còn nghĩ ra cách uống trà vô cùng đặc biệt đó là hái hoa trà Shan tuyết ủ ống tre để uống. 

Mùa hoa trà nở vào cuối đông, đầu xuân. Đi qua rừng trà cổ thụ, hương thơm quyến rũ của hương trà khiến ai cũng phải dừng bước. 

Ban đầu người Mông hái hoa trà cho vào ấm để hãm uống. Không ngờ tra hoa lại cho hương vị thơm ngon khiến ai đã thưởng thức một lần "say" cả đời. Trong những chuyến đi rừng, người dân không mang theo ấm. 

Họ đã nghĩ ra cách cắt thân cây tre, cây luồng rồi cho hoa trà vào đó. Cách pha trà hoàn toàn mới mẻ này đã tạo ra cách thưởng thức trà vô cùng mới mẻ.

Ở một nơi của Hòa Bình, dân trèo lên cây cổ thụ hái thứ hoa này rồi ủ kiểu gì mà ra trà đặc sản?- Ảnh 5.

Hoa trà cổ thụ Shan tuyết kết hợp với hương thơm của ống tre đã cho ra vị trà rất đặc biệt. Ảnh: Hoài Tuấn.

Hoa trà nở bạt ngàn trên rừng, tre luồng cũng không thiếu. Hai thứ cây đều mọc ở rừng nay kết hợp lại cho ra đời cách thưởng thức trà không giống ai của bà con người Mông. 

Suốt nhiều năm liền, người đi rừng ở đất Hang Kia, Pà Cò đã có cách thưởng thức trà đầy tao nhã như thế. Thời gian gần đây, khách du lịch tìm đến với Hang Kia, Pà Cò ngày một đông hơn. Họ được bà con người Mông mời thưởng thức thứ trà trứ danh mà chỉ đất này mới có.

Theo chị Sùng Y Múa (chủ homestay ở xã Hang Kia), muốn có một ống hoa trà Shan tuyết ngon cũng trải qua nhiều công đoạn. 

Muốn có nguyên liệu ngon đạt chuẩn, sáng sớm người hái trà đã phải lên núi. Lựa những nụ hoa trà còn đang hé nở, ngậm đầy hơi sương. Hái hoa trước khi mặt trời mọc mới giữ được hương thơm của trà. Hoa trà được gói bằng các loại lá rừng. 

Tiếp đó là lựa chọn thân tre, thân luồng chuẩn bị bước vào giai đoạn bánh tẻ. Tức là khúc tre đó không già, không non. 

Có đủ nguyên liệu, người pha nhẹ nhàng cho hoa trà (không rửa) cho vào ống tre. Trước đó các bà các mẹ phải lên tận đầu nguồn lấy nước suối cũng đựng vào ống tre. Nước đun sôi rồi đổ nước vào ống tre khoảng 15 phút.

Hoa trà cổ thụ Shan tuyết kết hợp với hương thơm của ống tre đã cho ra vị trà rất đặc biệt. Nước trà có màu vàng nhẹ. Khi rót ra chén tỏa hương thơm ngào ngạt như hàm chứa cả nghìn loại hoa của núi rừng Tây Bắc trong đó. 

Nhấp ngụm trà có vị thanh mát, hương thơm dìu dịu thoang thoảng đưa. Hoa trà ướp ống tre có vị ngọt hậu. Uống một lần mà hương thơm cứ quyện cả ngày không tan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem