Trước thềm bầu cử Tổng thống, thâm hụt thương mại của Mỹ lên mức cao nhất 12 năm
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã tăng lên mức 31,62 tỷ USD vào tháng 7/2020, tức chỉ thấp hơn 3,46% so với mức thâm hụt 32,8 tỷ USD hồi tháng 7/2019. Dữ liệu được công bố bởi Cục điều tra dân số Mỹ hôm 3/9 (giờ Mỹ).
Tính theo quý, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc quý II/2020 đã tăng tới 36,8% so với quý I, do quý I là thời điểm hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc suy yếu vì sự bùng phát đại dịch Covid-19. Nhưng đáng chú ý hơn, so với thời điểm tháng 7/2016, tức trước khi Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã lớn hơn 4,36%. So với thời điểm tháng 5/2016, một tháng trước khi ông Trump chỉ trích Trung Quốc “cưỡng bức” thương mại Mỹ, con số thâm hụt thậm chí còn tăng tới 9,15%. “Chúng ta không thể tiếp tục để Trung Quốc cưỡng bức đất nước này. Đó là những gì họ đang làm. Đó là vụ trộm cắp lớn nhất trong lịch sử nhân loại” - ông Trump nói trong cuộc vận động tranh cử ở Fort Wayne, Indiana tháng 6/2016.
Đối với Tổng thống Trump, người từng tuyên bố sẽ xóa bỏ thâm hụt thương mại - điều mà ông cho là minh chứng cho sự bất bình đẳng trong hệ thống thương mại toàn cầu, thì mức thâm hụt 31,62 tỷ USD Mỹ vừa ghi nhận có thể sẽ là một nỗi giận dữ lớn. Khi căng thẳng Mỹ - Trung đang leo thang lên mức chưa từng có trong 4 thập kỷ, thì việc Mỹ ghi nhận thâm hụt thương mại cao như vậy lại có nguy cơ đưa xung đột phát triển lên một tầm cao mới.
Chuyên gia nông nghiệp Karen Braun của Reuters chỉ ra rằng xuất khẩu đậu nành từ Mỹ sang Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2020 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2004. Mặc dù khối lượng xuất khẩu đã tăng mạnh 18% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 8 qua, nhưng đó vẫn là kim ngạch xuất khẩu thấp nhất kể từ năm 2008, nếu loại trừ năm 2019, thời điểm thương chiến Mỹ Trung bùng nổ.
Việc Trung Quốc tăng mua nông sản Mỹ trong những tuần gần đây là không đủ để Bắc Kinh bắt kịp những cam kết trong thỏa thuận giai đoạn 1, thỏa thuận đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch kêu gọi tranh cử của đương kim Tổng thống Donald Trump. Bởi cho đến nay, các tiểu bang xuất khẩu nông sản chủ chốt như Iowa, Nebraska và Minnesota vẫn được đánh giá là bang chiến địa trong cuộc bầu cử tháng 11 tới. Nó cũng không đủ để rút ngắm thâm hụt thương mại cho Mỹ khi nước này buộc phải nhập khẩu phần lớn thiết bị y tế từ Trung Quốc.
Không riêng thâm hụt thương mại với Trung Quốc, mức thâm hụt thương mại chung của Mỹ đã tăng lên cao nhất trong 12 năm qua vào tháng 7/2020, khi nhập khẩu tăng vọt còn xuất khẩu tăng yếu.
Nhiều nhà kinh tế trước đó đã cho rằng việc Trump ưu tiên giảm thâm hụt thương mại là một việc làm vô bổ, vì nền kinh tế Mỹ tập trung vào lĩnh vực tiêu dùng. Điều này nghĩa là Mỹ đương nhiên sẽ nhập khẩu nhiều hàng hóa từ các trung tâm sản xuất giá rẻ như Trung Quốc. Việc thâm hụt thương mại quý I/2020 giảm 32% so với năm ngoái không phải là lý do để vui mừng, theo các nhà phê bình. Bởi lẽ, nó phản ánh mức tiêu thụ suy giảm tại Mỹ cũng như sự sụp đổ trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu ở Trung Quốc, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.