11 ngày, lính Pôn Pốt đã giết hại trên 3 nghìn người dân An Giang

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 03/01/2019 20:17 PM (GMT+7)
Tội ác kinh hoàng của lính Pôn Pốt ở dọc biên giới Tây Nam đã gây ra sự phẫn nộ mạnh mẽ của người dân Việt Nam và những người yêu hòa bình trên thế giới.
Bình luận 0

Pôn Pốt gây vô vàn tội ác đối với nhân dân Việt Nam

Trong bài tham luận phục vụ hội thảo khoa học cấp quốc gia “40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7.1.1979 - 7.1.2019)” do Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại An Giang mới đây, Đại tá Phạm Hữu Thắng - Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Nghệ thuật quân sự (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam) nhớ lại, từ năm 1978, tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xari đã ráo riết xây dựng các sư đoàn áp sát biên giới Việt Nam, tiến hành khiêu khích tấn công xâm lược Việt Nam.

img

Sọ người dân bị Pôn Pốt giết hại được lưu giữ bảo quản tại nhà mồ Nhà mồ Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) (Ảnh: IT)

"Liên tiếp trong nhiều tháng đầu năm 1978, Pôn Pốt sử dụng 5 sư đoàn chủ lực, có hỏa lực pháo binh yểm trợ, đánh liên tục cả ngày và đêm vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam. Quân Pôn Pốt từng bước đánh chiếm các địa bàn vùng An Giang, tập kích vào nhiều làng mạc (6 tháng đầu năm 1978 đã có tới 4.820 vụ), gây vô vàn tội ác đối với nhân dân Việt Nam ở vùng biên giới" - Đại tá Phạm Hữu Thắng cho biết.

Theo Đại tá Phạm Hữu Thắng, đỉnh điểm tội ác của tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xari đó là thảm sát người dân xã Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang; nằm sâu trong lãnh thổ Việt Nam, cách đường biên giới Việt Nam - Campuchia 7km). Lúc này, lính Pôn Pốt tiến công vào Ba Chúc, dồn người dân ra ngoài cánh đồng rồi xả súng bắn tập thể hoặc dùng những kiểu giết người hết sức dã man khác.

Lúc bấy giờ, nhiều người vô cùng hoảng sợ đã chạy trốn vào nhà chùa nhưng đều không thoát được và bị giết hại sau đó. Chỉ trong 11 ngày, lính Pôn Pốt đã giết hại 3.157/16.000 người dân Ba Chúc, trong đó phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt, có trên 100 gia đình bị giết cả nhà, không còn ai sống sót. Tội ác kinh hoàng của lính Pôn Pốt tại Ba Chúc và nhiều nơi khác dọc biên giới trên lãnh thổ Việt Nam đã gây ra sự phẫn nộ mạnh mẽ của người dân Việt Nam và toàn thể người yêu hòa bình trên thế giới. 

Đến giữa năm 1978, quân Pôn Pốt đã làm bị thương gần 5.000 người, bắt và đưa đi thủ tiêu hơn 20.000 người, hàng nghìn trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, nhà thờ, chùa chiền bị đốt phá. Hàng vạn ha ruộng đất và đồn điền cao su ở vùng biên giới Tây Nam Việt Nam bị bỏ hoang, khoảng nửa triệu dân sát biên giới với Campuchia phải bỏ nhà chạy sâu vào nội địa.

Đại tá Nguyễn Như Trúc - Phó cục trưởng Cục Tuyên Huấn (Tổng cục Chính trị)  thì cho biết, trước khi chiến tranh xảy ra, tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xari cho rằng, Việt Nam can thiệp vào công việc nội bộ Campuchia. Theo đó, chúng ra sức vu khống, phổ biến nhiều tài liệu tuyên truyền trong Đảng, quân đội khẳng định đất Nam Bộ là của Campuchia bị Việt Nam xâm chiếm. Cùng với tuyên truyền kích động, chúng thường xuyên tiến hành các hoạt động khiêu khích vũ trang, phá hoại toàn tuyến biên giới Tây Nam trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, xã hội.

Buộc Việt Nam phải chiến đấu bảo vệ độc lập chủ quyền

Theo Đại tá Phạm Hữu Thắng, hành động xâm lấn, gây chiến tranh của Pôn Pốt ở biên giới Tây Nam đã gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho nhân dân Việt Nam. Vì vậy, nhân dân Việt Nam không còn con đường nào khác, buộc phải chiến đấu bảo vệ độc lập chủ quyền tổ quốc, đồng thời giúp các lực lượng cách mạng Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt (7.1.1979).

img

Người dân tổ chức lễ giỗ tập thể cho những người dân Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) bị Pôn Pốt sát hại (Ảnh: IT)

Đại tá Nguyễn Như Trúc khẳng định cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của nước ta là cuộc chiến tranh tự vệ chính đáng, đập tan bè lũ diệt chủng Pôn Pốt, bảo vệ vững chắc, toàn vẹn biên giới lãnh thổ Tây Nam của tổ quốc. Qua đó, cũng khẳng định sự đúng đắn, sáng suốt và tinh thần quốc tế vô tư, trong sáng, chí tình của Đảng, Nhà nước và quân đội ta trong việc giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

Năm tháng trôi đi nhưng Đại tá Nguyễn Như Trúc tin tưởng rằng, các thế hệ người dân Campuchia vẫn in đậm hình ảnh những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu kiên cường, anh dũng, hy sinh, giúp đất nước họ thoát khỏi chế độ diệt chủng, hồi sinh và phát triển. Việc làm chí nghĩa, chí tình của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam đã trở thành tài sản vô giá cần được gìn giữ và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau. Đúng như lời Thủ tướng Campuchia Hun Xen từng khẳng định: "Sự hiện diện của Quân đội Việt Nam ở Campuchia là vì sự sống còn của nhân dân Campuchia, bộ đội Việt Nam đã hy sinh tính mạng vì sự sống, sự hồi sinh của nhân dân Campuchia".

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cũng nhận định, thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam có ý nghĩa vô cùng to lớn, chúng ta không chỉ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà còn cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do thật sự.

"Thời gian trôi đi nhưng vết thương và tội ác chiến tranh do tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari gây ra vẫn khó có thể phai mờ theo thời gian. Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử của chiến thắng trong chiến tranh bảo vệ - Tổ quốc ở biên giới Tây Nam ngày 7.1.1979 sẽ mãi mãi đọng lại trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam, Campuchia" - Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem