2 chuyện đặc tả "cái ngông" của Uy Viễn Tướng Quân Nguyễn Công Trứ

Đ.T Thứ tư, ngày 22/03/2023 21:30 PM (GMT+7)
Từ chính sử cho đến những tác phẩm mà Nguyễn Công Trứ đã để lại cho đời, chúng ta có thể khẳng định rằng trong bất cứ lĩnh vực nào, ông vẫn là một “ông ngất ngưởng” ngạo nghễ trên đỉnh cao của tài năng, bản lĩnh và nhân cách của ông như cây tùng vi vu với gió ngàn...
Bình luận 0

Chuyện xưa kể lại rằng, vào thời nhà Nguyễn, ở phủ Thạch Hà (Hà Tĩnh) có Đầu phủ Nguyễn Trùng Quang tự đắc cho mình là người hay chữ, học rộng nhất trong vùng. Nghe đồn thần đồng Củng (Nguyễn Công Trứ) phong lưu, tài giỏi nhưng ông ta chưa tin và rất muốn gặp để thử tài cao thấp, hơn thua xem thế nào một lần, Trùng Quang cho người mời thần đồng Củng tới nhà mình chơi. Đúng ngày hẹn, Nho Củng tới thì thấy ngoài cửa chủ nhà có dán một đôi câu đối chữ Hán: Sinh nê nhi bất nhiễm; Hữu xạ tự nhiên hương.

Nghĩa là: Sinh nơi bùn mà không nhiễm; Có chất xạ tự nhiên thơm.

2 chuyện đặc tả "cái ngông" của Uy Viễn Tướng Quân Nguyễn Công Trứ - Ảnh 1.

Tranh vẽ Uy Viễn Tướng Quân Nguyễn Công Trứ.

Vào trong nhà, lại thấy trên bàn có một tờ giấy trắng, một cây bút lông và một đĩa mực mài sẵn, Nho Củng biết ngay chủ nhà muốn thử tài mình, bèn xin phép cầm bút viết liền một đôi câu đối Nôm như sau:

Cửa sấm dám đâu mang trống lại; Đất người đành phải vác chiêng đi.

Đọc xong hai câu thơ, Đầu phủ họ Nguyễn, người tự đặt cho mình tên là Trùng Quang, có nghĩa là hai lần sáng, lập tức lấy làm tâm phục khẩu phục, liền viết tặng khách hai câu thơ chữ Hán: Khắc chấn danh gia năng hữu tử; Bất tài tiện đệ nhượng vi huynh. Nghĩa là: Nối nghiệp, danh gia sinh con tài giỏi; Kém tài, tiện đệ xin nhường làm anh.

Sau đó, Đầu phủ Quang nhất định tôn Nho Củng làm anh, mặc dầu nhiều hơn Nho Củng đến năm sáu tuổi. Đến khi chia tay, Nguyễn Trùng Quang lại viết tặng “Đại huynh” thêm hai câu thơ Hán văn như sau: Kinh nhân văn tự đề giai cú; Tuyệt thế anh tài kiến thiếu niên. Nghĩa là: Đề câu thơ hay văn tự kinh người; Thấy kẻ thiếu niên anh tài tuyệt thế.

Một lần có việc đi xa, trời rét, chàng học trò Nguyễn Công Trứ ghé vào quán nước bên đường nghỉ chân, rồi rúc vào ổ rơm trong quán ngủ nhờ. Vừa lúc đó, Tả quân Lê Văn Duyệt dẫn một đạo quân đi ngang qua cũng ghé vào quán. Những người trong quán thấy quan quân rầm rập thì sợ hãi nép tận vào các góc xa, riêng Nguyễn Công Trứ vẫn đắp chiếu nằm trên ổ rơm ngủ khì như không có chuyện gì xảy ra. Một viên quản cơ thấy vậy nạt nộ om sòm, hất chiếu đánh thức kẻ vô lễ dậy. Chàng thư sinh điềm nhiên, chậm rãi ngồi lên, không tỏ vẻ gì là sợ hãi cả. Thấy vậy, Tả quân Lê Văn Duyệt lấy làm lạ và hỏi: Nhà ngươi là ai mà thấy đạo quân của ta đến vẫn cứ nằm lì, không đứng dậy chào cho phải phép? Ngươi không sợ ta trách phạt hay sao?

Chàng học trò khôn khéo đáp lời quan: Bẩm quan lớn, tiểu sinh vốn biết đạo quân của ngài là đạo quân nhân nghĩa, chẳng vô cớ làm hại ai bao giờ, nên không việc gì phải sợ. Vả lại, tiểu sinh là học trò, đi đường xa mệt, gặp trời mưa lạnh lại có ổ rơm ấm quá nên trót ngủ quên mất ạ.

Thấy Nguyễn Công Trứ quả có dáng vẻ nho nhã, Tả quân liền bảo: Nếu ngươi đúng là học trò thì hãy làm vài câu thơ vịnh cảnh nằm ổ rơm đắp chiếu như vừa rồi, nếu hay ta sẽ tha, bằng không sẽ chịu phạt.

Cậu Nho sinh dường như chỉ đợi có thế, ứng khẩu đọc ngay:

Ba vạn anh hùng đè xuống dưới; Chín lần thiên tử đội lên trên.

Tả quân Lê Văn Duyệt nghe xong thì giật mình khen hay và hỏi tên tuổi, thưởng cho Trứ một số tiền rồi thả cho đi. Tuy nhiên, ông không quên ghi nhớ trong lòng về người học trò kỳ tài ấy.

Lời bàn:

Từ chính sử cho đến những tác phẩm mà Nguyễn Công Trứ đã để lại cho đời, chúng ta có thể khẳng định rằng trong bất cứ lĩnh vực nào, Nguyễn Công Trứ vẫn là một “ông ngất ngưởng” ngạo nghễ trên đỉnh cao của tài năng, bản lĩnh và nhân cách của ông như cây tùng vi vu với gió ngàn... Bởi thế cho nên trước mặt một đại quan đương triều mà Nguyễn Công Trứ dám tuyên bố “Ba vạn anh hùng đè xuống dưới”. Tuy ngất ngưởng là vậy, thơ của ông lại rất giàu tính triết lý, nhân văn và cực kỳ hóm hỉnh. Đó là chất thơ có được từ đời sống, lấy đời sống. Vì dù làm quan có lúc đến cực phẩm, nhưng Nguyễn Công Trứ là viên quan gần dân, giữa ông và người dân lam lũ dường như không có khoảng cách.

Vì thế ông được dân chúng gọi thân mật là cố Lớn chứ không gọi theo quan tước. Tiếc rằng hậu thế ít ai học được điều này ở Nguyễn Công Trứ. Chính vì thế cho nên ngày nay nhà thơ thì có nhiều vô kể, thậm chí ra khỏi cổng để đi ăn sáng hay đi chợ cũng có thể gặp nhà thơ và được tặng thơ. Điều đáng buồn là có không ít người dù không muốn nhưng cứ phải nhận. Họ không muốn là vì nhận thì phải mang nợ và nếu không đọc thì nợ càng lớn hơn, mà đọc thì đôi mắt cứ muốn díu lại nên không còn thời gian để làm việc khác.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem