20 dự án vay lại vốn nước ngoài khó có khả năng trả nợ, Bộ Tài chính chưa có phương án xử lý?

22/07/2021 08:58 GMT+7
20 dự án vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ từ trước năm 2010 ghi nhận nợ quá hạn ở mức 2.346 tỷ đồng và khó có khả năng trả nợ, một số doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, Bộ Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền chưa có phương án xử lý cụ thể - theo Kiểm toán Nhà nước.

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp tăng nhanh hơn tổng thu ngân sách

Báo cáo về nợ công năm 2019, Kiểm toán Nhà nước cho biết dư nợ công là 3,32 triệu tỷ đồng tính đến thời điểm cuối năm - bằng 55% GDP.

Con số này gồm: 2,9 triệu tỷ đồng nợ Chính phủ, bằng 48% GDP; nợ được Chính phủ bảo lãnh 402.066 tỷ đồng, bằng 6,7% GDP; nợ Chính quyền địa phương 20.684 tỷ đồng, bằng 0,3% GDP.

20 dự án vay lại vốn nước ngoài khó có khả năng trả nợ, Bộ Tài chính chưa có phương án xử lý? - Ảnh 1.

nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách Nhà nước có xu hướng tăng nhanh, từ mức 15,8% của năm 2016 lên mức 18,1% của năm 2019. (Ảnh: NLD)

Kết quả này, theo Kiểm toán Nhà nước, các các chỉ tiêu an toàn nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép của Quốc hội.

Tuy nhiên, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách Nhà nước có xu hướng tăng nhanh, từ mức 15,8% của năm 2016 lên mức 18,1% của năm 2019.

Cụ thể, số chi trả nợ lãi năm 2019 là 104.998 tỷ đồng, bằng 1,59 lần chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách trung ương.

Xu hướng này khiến áp lực cân đối thanh khoản, bố trí nguồn lực ngân sách Nhà nước để trả nợ đến hạn, chủ yếu là nợ trái phiếu Chính phủ là "không nhỏ" trong trường hợp không kiềm chế hiệu quả yêu cầu vay vốn để bù đắp cân đối ngân sách Trung ương, hoặc không tích cực triển khai nghiệp vụ quản lý nợ chủ động như hoán đổi, mua lại công cụ nợ trước hạn – theo Kiểm toán Nhà nước

20 dự án vay lại vốn nước ngoài khó có khả năng trả nợ, Bộ Tài chính chưa có phương án xử lý?

Về hiệu quả sử dụng vốn vay, cơ quan kiểm toán cho biết tổng số vốn trái phiếu Chính phủ đã giải ngân, thanh toán là 42.328 tỷ đồng trong năm 2019 – bằng 64,1% kế hoạch vốn được sử dụng.

Trong đó, các bộ, ngành giải ngân 26.784 tỷ đồng, đạt 79,1% kế hoạch, còn các địa phương giải ngân 15.544 tỷ đồng, bằng 48,3% kế hoạch.

Nói về nguyên nhân, theo Bộ Tài chính báo cáo với cơ quan Kiểm toán, là do những vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, các dự án khởi công mới mất nhiều thời gian để triển khai các thủ tục lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế, mời thầu, đấu thầu.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, tổng số rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 52.515 tỷ đồng trong năm 2019, bằng 48% kế hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới giao khoảng 55% kế hoạch vốn tính đến cuối tháng 6/2019.

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị các thủ tục đầu tư của dự án thường kéo dài. Còn các dự án thường chưa được bố trí hoặc bố trí không đủ vốn đối ứng.

Đồng thời, có một số hiệp định được ký kết trước năm 2019, nhưng chưa thực hiện rút vốn theo kế hoạch giải ngân buộc Chính phủ phải trả các khoản phí cam kết, phí quản lý với số tiền 26,5 tỷ đồng tính tới 31/12/2019.

Đáng chú ý, đến 31/12/2019, còn 54 dự án cho vay lại được thực hiện từ trước năm 2010 quá hạn, với dư nợ là 5.122 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn 3.551 tỷ đồng.

Đến 15/12/2020 có 08 dự án đã xử lý xong nợ quá hạn 232 tỷ đồng; 04 dự án có nợ quá hạn 590 tỷ đồng đã trình cấp có thẩm quyền để xử lý; 22 dự án có nợ quá hạn 383 tỷ đồng đang xử lý, có khả năng trả nợ; 20 dự án có nợ quá hạn 2.346 tỷ đồng đang xử lý, khó có khả năng trả nợ.

20 dự án vay lại vốn nước ngoài khó có khả năng trả nợ, Bộ Tài chính chưa có phương án xử lý? - Ảnh 3.

Bộ Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền chưa có phương án xử lý cụ thể và làm rõ trách nhiệm của tổ chức tín dụng cho vay lại và doanh nghiệp xử lý vốn vay. (Ảnh: baodautu)

Về trách nhiệm của các đơn vị có liên quan, Kiểm toán Nhà nước cho biết một số doanh nghiệp được cho vay để thực hiện dự án đang lâm vào tình trạng phá sản, nhưng Bộ Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền chưa có phương án xử lý cụ thể và làm rõ trách nhiệm của tổ chức tín dụng cho vay lại và doanh nghiệp xử lý vốn vay.

Về việc theo dõi nợ, cho biết vẫn tồn tại sự chênh lệch giữa Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước khi dự toán trả nợ vay được giao chưa phù hợp với số nợ đến hạn phải trả.

Cụ thể, tại Thành phố Hải Phòng, Sở Tài chính theo dõi nợ chính quyền địa phương với phần vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ từ năm 2016 trở về trước lớn hơn số Kho bạc Nhà nước theo dõi lên đến 146 tỷ đồng.

Tại Phú Thọ, giao dự toán chi trả nợ đầu năm 176 tỷ đồng nhưng dư nợ phải trả lên tới 354,7 tỷ đồng. Điều này, theo cơ quan kiểm toán, khiến chính quyền địa phương phải ứng trước 47,5 tỷ đồng từ nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung của năm 2020 để trả nợ Ngân hàng Phát triển.

H.Anh
Cùng chuyên mục