3 độ tuổi bắt buộc phải đổi thẻ Căn cước công dân

04/12/2020 20:16 GMT+7
CMND có thời gian là 15 năm phải đổi, còn với thẻ Căn cước công dân khi đến độ tuổi nhất định công dân phải thực hiện thủ tục đổi thẻ mới.

Độ tuổi bắt buộc phải đổi thẻ Căn cước công dân

Cụ thể, theo Điều 21 Luật Căn cước công dân 2014:

- Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

- Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định nêu trên này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

3 độ tuổi bắt buộc phải đổi thẻ Căn cước công dân - Ảnh 1.

CMND có thời gian là 15 năm phải đổi, còn với thẻ Căn cước công dân khi đến độ tuổi nhất định công dân phải thực hiện thủ tục đổi thẻ mới. Ảnh minh họa

Lưu ý về độ tuổi bắt buộc phải đổi thẻ Căn cước công dân

Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước tuổi quy định thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo (khoản 2 Điều 21 Luật Căn cước công dân).

Như đã nêu ở trên, các mốc tuổi đổi thẻ Căn cước công dân gồm:

1. Đủ 25 tuổi;

2. Đủ 40 tuổi;

3. Đủ 60 tuổi (Sau lần cấp đổi này, sẽ được sử dụng thẻ Căn cước công dân đến khi mất và không phải cấp đổi thêm lần nào nữa, trừ trường hợp bị mất, bị hỏng).

Theo đó, nếu Căn cước công dân đã được cấp/đổi/cấp lại trong 02 năm trước khi người này đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi, đủ 60 tuổi (tức là trong vòng 02 năm từ khi đủ 23 tuổi, đủ 38 tuổi, đủ 58 tuổi) thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Ví dụ:

Nguyễn Văn L. sinh ngày 16/8/2000 được cấp (hoặc đổi/cấp lại) thẻ Căn cước công dân vào ngày 16/8/2023 (đủ 23 tuổi). Vậy đến khi đủ 40 tuổi L. mới phải đi đổi thẻ Căn cước công dân.

Trường hợp cấp (hoặc đổi/cấp lại) thẻ Căn cước công dân trước khi đủ 23 tuổi L. sẽ phải đổi lại thẻ khi đủ 25 tuổi.

Thủ tục đổi thẻ Căn cước công dân

Bước 1: Công dân điền vào Tờ khai Căn cước công dân tại Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an cấp huyện hoặc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện (nếu đã triển khai) hoặc khai Tờ khai điện tử trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến (Xem chi tiết cách điền mẫu tờ khai tại đây).

Bước 2:

- Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, đối chiếu thông tin về công dân trong Tờ khai căn cước công dân với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác người cần đổi thẻ.

- Nộp lại thẻ Căn cước công dân.

- Trường hợp công dân thông tin có sự thay đổi, chưa được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì yêu cầu công dân xác định thông tin chính xác và xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong Tờ khai căn cước công dân.

- Trường hợp đủ điều kiện, thủ tục thì tiến hành thu nhận vân tay của công dân qua máy thu nhận vân tay; trường hợp ngón tay bị cụt, khèo, dị tật, không lấy được vân tay thì ghi nội dung cụ thể vào vị trí tương ứng của ngón đó. Chụp ảnh chân dung của công dân

Bước 3: Cán bộ cơ quan quản lý Căn cước công dân cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho người đến làm thủ tục.

Bước 4: Nhận kết quả tại nơi tiếp nhận hồ sơ hoặc trả qua đường bưu điện.

Lưu ý: Khi người dân đổi thẻ căn cước thuộc trường hợp đến tuổi phải đổi thì không phải nộp lệ phí.

A.Vũ
Cùng chuyên mục