3 thiệt hại khi mua bán sổ bảo hiểm xã hội
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều người lao động (NLĐ) rơi vào cảnh thất nghiệp và gặp không ít khó khăn về tài chính. Nhiều người đã chọn cách nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần để trang trải đời sống.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp NLĐ chưa đủ điều kiện về thời gian nhận BHXH một lần nhưng do đang cần tiền nên đã tìm đến một số người thu mua, cầm cố sổ BHXH.
Thế nhưng việc mua bán, cầm cố sổ BHXH ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của NLĐ.
Phạt hành chính vì cầm cố sổ
Theo báo cáo của Công an huyện Củ Chi (TP.HCM), trên địa bàn huyện đã phát hiện hơn 1.000 công nhân thực hiện cầm cố, bán sổ BHXH với hình thức ủy quyền nhận BHXH một lần cho một chủ tiệm cầm đồ vào đầu năm 2020.
Cụ thể, từ đầu tháng 2, các công ty trên địa bàn huyện Củ Chi không giữ sổ BHXH mà giao lại cho công nhân tự bảo quản. Từ đó, một số công nhân kẹt tiền trị bệnh, sửa nhà… đã mang sổ BHXH đến tiệm cầm đồ của ông Đ. trên địa bàn huyện để cầm cố, ủy quyền với mục đích bán sổ BHXH.
Đối với những sổ cầm cố kèm theo CMND, ông Đ. nhận thế chấp và nhận dịch vụ ủy quyền (có công chứng) cho ông trực tiếp đi nhận tiền tại cơ quan BHXH thay cho NLĐ để lấy hoa hồng. Riêng đối với một số NLĐ ở tỉnh xa thì đã bán luôn sổ. Tùy theo thời gian tham gia BHXH và số tiền đó, ông Đ. sẽ tính ra số tiền được lãnh rồi giao cho NLĐ. Ví dụ, sổ BHXH của NLĐ có 25 triệu đồng nhưng hạn nhận tiền còn năm tháng nữa thì ông Đ. sẽ giao cho NLĐ 20 triệu đồng.
Quá trình điều tra, Công an huyện Củ Chi đã kiểm đếm, thống kê có hơn 1.000 hồ sơ vay tiền, cầm cố bán sổ theo dạng ủy quyền với số tiền hơn 7,7 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra Công an huyện Củ Chi đã mời 49 người vay tiền theo dạng cầm sổ BHXH và tất cả đều cho biết do không có tài sản để thế chấp nên lấy sổ BHXH thế chấp.
Từ vụ việc trên, công an huyện xét thấy hành vi của ông Đ. có dấu hiệu tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên, hành vi của ông Đ. chưa đến mức phải khởi tố, truy tố nên đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý an ninh, trật tự đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Thiệt cả người mua lẫn người bán
Ngày 15-7, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết thực tế có ba thiệt hại lớn đối với người mua và người bán trong việc mua bán, cầm cố sổ BHXH.
Thứ nhất, những người có sổ BHXH khi thực hiện việc cầm cố, bán sổ BHXH sẽ thiệt thòi rất nhiều vì số tiền mà họ nhận cho việc cầm cố, bán sổ ít hơn so với việc họ trực tiếp đi nhận.
Thứ hai, những người nhận cầm cố, mua sổ BHXH theo dạng ủy quyền cũng gặp không ít rủi ro. Ví dụ, NLĐ sau khi bán sổ, nhận tiền xong thì họ sẽ đi làm thủ tục cớ mất và rồi xin cấp lại sổ BHXH lần hai.
Trong trường hợp cả người bán và người mua đều có sổ BHXH bản chính, nếu người bán đi nhận trước thì người mua sẽ không được lãnh nữa.
Khi gặp trường hợp như thế sẽ rất dễ xảy ra tình trạng kiện tụng, rất mất thời gian và có khi người mua không nhận lại được tiền.
Thứ ba, người mua còn phải gặp thêm rủi ro nữa là người bán có thể qua đời trước thời hạn làm thủ tục nhận BHXH một lần. Lúc này, BHXH sẽ thực hiện việc chi trả chế độ tử tuất cho người thân của người bán đã qua đời chứ không giải quyết chế độ BHXH một lần cho người được ủy quyền.
“Thời gian vừa qua, tình trạng cầm cố, mua bán BHXH dưới hình thức ủy quyền đã diễn ra tại các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM. Cơ quan BHXH đã phối hợp với công an các địa phương kiểm tra và xử phạt hành chính theo quy định.
Việc cầm cố, mua bán sổ BHXH dưới dạng ủy quyền để hợp thức hóa việc mua bán thì cán bộ BHXH khó nhận biết được khi nào là ủy quyền bình thường, khi nào là mua bán sổ núp dưới hình thức ủy quyền.
Tuy nhiên, những trường hợp một người nhận được ủy quyền nhiều lần từ nhiều người tại nhiều thời điểm khác nhau để hưởng chế độ BHXH một lần thì đây là dấu hiệu cầm cố, thế chấp, mua bán sổ BHXH” - ông Trần Dũng Hà nêu.