300 bị hại dự phiên xét xử dàn lãnh đạo Công ty Bình Dương City Land bán đất ảo, lừa 162 tỷ đồng

Đăng Khôi - Hoàng Minh Thứ hai, ngày 16/10/2023 12:02 PM (GMT+7)
Khoảng 300 người trong số gần 500 bị hại mua nhầm "đất ảo" của Công ty Bình Dương City Land đã đến dự phiên xét xử dàn lãnh đạo này.
Bình luận 0

Ngày 16/10, TAND tỉnh Bình Dương đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với 5 người, bị cáo buộc bán "đất ảo", chiếm đoạt 162 tỷ đồng.

Các bị cáo gồm: Nguyễn Thanh Hùng (SN 1994, HKTT Bình Dương), Hoàng Anh Vui (SN 1994, HKTT Bình Dương), Lê Văn Công (SN 1977, HKTT Bình Dương), Nguyễn Anh Khoa (SN 1991, HKTT Bình Dương) và Châu Lê Minh Vẹn (SN 1987, HKTT Cà Mau).

300 bị hại dự phiên xét xử dàn lãnh đạo Công ty Bình Dương City Land bán đất ảo, lừa 162 tỷ đồng - Ảnh 1.

Các đối tượng bị cáo buộc bán đất "ảo", lừa 162 tỷ đồng. Ảnh: A.X.

Tại phiên tòa sáng nay, phóng viên ghi nhận có khoảng hơn 300 bị hại đã đến tham dự phiên tòa, số bị hại còn lại có đơn xin vắng mặt. Do số bị hại quá đông, Tòa án phải sắp xếp một phòng riêng để các bị hại theo dõi trực tuyến.

Theo cáo trạng, Hùng là người đứng đầu Công ty Bình Dương City Land, các bị cáo còn lại là người góp cổ phần để thành lập công ty và giữ các vị trí quan trọng trong công ty này.

Từ tháng 5/2018 đến tháng 11/2019, 5 bị cáo đã thành lập công ty, mua thửa đất có mục đích sử dụng là đất nông nghiệp, tự làm dự án xin phép các cơ quan có thẩm quyền cấp phép làm dự án đất ở, nhà ở nhưng không được chấp thuận.

Hùng và các đồng phạm đã tự phân lô sáu khu đất nông nghiệp và tự đặt tên thành sáu dự án khác nhau gồm khu dân cư Happy Home (sau đó đổi tên là Khu nhà ở Thành Công 1), khu dân cư Happy Home 2; Khu dân cư Green City 1 (sau đó đổi tên Khu nhà ở Phúc Long 1); Khu dân cư Green City 2 (sau đó đổi tên Khu nhà ở Phúc Long 2); Khu dân cư Green City 3 (sau đó đổi tên Khu nhà ở Phúc Long 2); Khu dân cư Phúc Long City (sau đó đổi tên Khu nhà ở Thành Công 2).

Tiếp đó, nhóm này đã tung tin các dự án đã được cấp phép, các lô đất có đầy đủ pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng. Đồng thời, tự vẽ sơ đồ phân lô, làm ra các pano, tờ rơi quảng cáo, rao bán trên mạng.

Khi tổ chức các buổi bán hàng, nhóm này thuê mướn máy móc, san lấp mặt bằng để khách hàng tin tưởng xuống tiền cọc đất. 

Năm 2020, sau nhiều lần hứa hẹn nhưng Hùng và các bị cáo không bàn giao đất như cam kết nên hàng trăm người dân đã tố cáo hành vi lừa đảo của nhóm này.

Đến nay, các bị cáo đã đã khắc phục trả lại một phần tiền chiếm đoạt cho 176 bị hại với tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng. Số tiền còn lại của 384 bị hại là hơn 144 tỷ đồng chưa khắc phục trả lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem