“4 nhà” cùng vào cuộc để vực dậy thị trường lúa gạo Thủ đô

San Nguyễn Thứ hai, ngày 11/12/2017 11:17 AM (GMT+7)
Để xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm gạo phục vụ thị trường bền vững, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi: Nhà sản xuất (nhà nông); nhà kinh doanh - doanh nghiệp (thu gom, chế biến, xuất khẩu), nhà nước, nhà khoa học.
Bình luận 0

Thị trường lớn, sản xuất lại èo uột

Hà Nội là thị trường có sức tiêu thụ gạo chất lượng cao với số lượng lớn. Tuy nhiên, diện tích trồng lúa chất lượng cao trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng. Qua rà soát của Sở NNPTNT Hà Nội, riêng người dân 10 quận nội thành, trung bình một năm tiêu thụ khoảng 67.000 tấn gạo chất lượng cao. Những năm gần đây, dù tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống mới cho nông dân, song tỷ lệ trồng lúa chất lượng cao của Hà Nội mới chiếm từ 8-14% diện tích trồng lúa. Quy mô trồng lúa của thành phố phân tán, nhỏ lẻ, bộ giống nghèo nàn; công nghệ sau thu hoạch như: Phơi, sấy, bảo quản, chế biến lúa chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu. Hoạt động tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao chủ yếu mang tính nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết trong định hướng sản xuất, tiêu thụ.

img

  Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao đang được triển khai tại các huyện 

Minh chứng về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Viễn - Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho hay: Ứng Hòa có diện tích cấy lúa lớn, diện tích cấy lúa đứng thứ hai thành phố. Sản lượng lúa hàng năm lớn, tuy nhiên việc sản xuất còn nhỏ lẻ, quy mô hộ nông dân, chuỗi liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, đặc biệt là khâu bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các bên của quá trình sản xuất còn thiếu liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau. Chưa hình thành nên tổ chức đại diện cho các đơn vị tham gia cùng mua chung, bán chung một sản phẩm.

Là người tham gia đồng hành cùng người nông dân nhiều năm trong việc tổ chức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân, bà Bùi Thị Hạnh Hiếu – Giám đốc Công ty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh chia sẻ: “3 năm qua công ty chúng tôi đã hợp tác với người nông dân, cụ thể đầu mối là các HTX, đưa công nghệ cao vào sản xuất. Giúp hộ nông dân sản xuất đỡ vất vả hơn bằng quy trình được các nhà khoa học cố vấn. Chúng tôi cũng đa dạng hóa sản phẩm trên toàn quốc từ bình thường tới cao cấp đáp ứng cho nhu cầu của người tiêu dùng. Nhưng trong quá trình thực hiện liên kết chúng tôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nói đâu xa, mới vụ lúa năm 206 – 2017 này, chúng tôi ký kết với HTX sản xuất trên 250ha theo quy trình nghiêm ngặt. Đến cuối mùa, HTX chỉ cung ứng được 50% nhu cầu, trong khi đơn vị đã ký kết với đối tác từ nhiều tháng trước đó. Mặc dù, chúng tôi đã làm việc rất chặt chẽ với HTX nhưng vẫn xảy ra tình trạng như vậy. Dẫn chứng như vậy để thấy xây dựng chuỗi liên kết không phải là điều dễ dàng, một sớm một chiều. Nhưng để nâng cao chất lượng sản xuất, hỗ trợ người nông dân có thu nhập khá hơn, không có con đường nào khác ngoài việc xây dựng những chuỗi liên kết”.

Liên kết theo chuỗi 

Đầu tư theo chuỗi sẽ giúp tránh trường hợp tập trung đầu tư không cân đối trong chuỗi. Muốn vậy, trước tiên cần xác định sản phẩm phải trải qua những công đoạn nào trong chuỗi sản xuất để quy hoạch và xây dựng chính sách thu hút đầu tư phù hợp”. 
Ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội
 

Để phát huy lợi thế, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao theo hướng bền vững thì việc làm cần thiết là xây dựng và thúc đẩy 6 mối liên kết cơ bản gồm- liên kết nghiên cứu khoa học, liên kết sản xuất hạt giống, liên kết chuyển giao kỹ thuật, liên kết trong chế biến bảo quản sau thu hoạch, liên kết trao đổi thông tin và liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ngành nông nghiệp Hà Nội đang triển khai dự án ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình từ sản xuất giống đến gạo chất lượng cao, đưa nhiều giống lúa mới được đưa vào sản xuất như giống lúa J02, Sơn Lâm 2, Thiên ưu 8… làm cầu nối để liên kết nhiều doanh nghiệp có năng lực sản xuất với các đầu mối là các HTX.

Ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho hay: Để có nền sản xuất lúa gạo liên kết theo chuỗi, cần rà soát, quy hoạch lại các sản phẩm chủ lực, trong đó có lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, dựa trên lợi thế cạnh tranh, tránh dàn trải để tập trung đầu tư chiều sâu, gắn với triển khai khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ thực tế cho thấy, vấn đề quan trọng là thay đổi tư duy và phương pháp đầu tư, chuyển từ đầu tư theo “đoạn” sang đầu tư theo “chuỗi” sản xuất”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem