40 năm báo Nông thôn Ngày nay: Những năm tháng đi "mở cõi", ân tình ấy nói sao cho vừa

Bùi Phụ Thứ ba, ngày 19/03/2024 10:02 AM (GMT+7)
15 năm trước, Văn phòng đại diện đầu tiên của Báo Nông thôn Ngày nay tại ĐBSCL là căn phòng chỉ khoảng 20 mét vuông, nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở cuối đường Trần Khánh Dư, phường Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều (TP. Cần Thơ).
Bình luận 0

Trên căn gác nhỏ của căn phòng khoảng 9 mét vuông là "nơi trọ" và hội ý đề tài của nhiều anh em đồng nghiệp khác. Từ đó, mới có VP Báo NTNN/Dân Việt tại ĐBSCL mạnh, uy tín như hôm nay…

40 năm báo Nông thôn Ngày nay: Những năm tháng đi "mở cõi", ân tình ấy nói sao cho vừa- Ảnh 1.

Nhà báo Lưu Quang Định - Tổng biên tập Báo NTNN/Báo điện tử Dân Việt phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Văn phòng đại diện tại TP.Cần Thơ. Ảnh: P.V

Mái nhà thấm đẫm tình yêu thương

Tháng 4/2007, tôi chuyển từ Báo Pháp luật TP.HCM về báo Nông thôn Ngày nay. Lúc bấy giờ chị Võ Mai Nhung làm Tổng Biên tập và VP TP.HCM chưa có Trưởng Văn phòng nên anh Lê Minh Đức – Phó Tổng Biên tập lúc ấy kiêm nhiệm.

Trước đó, tôi chưa gặp chị Mai Nhung, chị Kim Nhũ (Phó Tổng Biên tập) lần nào nhưng qua điện thoại, giọng nói của hai chị tôi có cảm nhận như hai bà chị của mình. Vì vậy từ đó đến nay, lần nào gặp lại tôi cũng gọi: "Ôi bà chị yêu của em". Hai chị cũng thích tôi gọi câu này...

Khoảng 1 tháng sau chị Kim Nhũ vào TP.HCM mang theo một quyết định giao tôi làm Tổ trưởng Tổ Phóng viên của VP TP.HCM. Họp xong, chị Nhũ bảo tôi theo chị ra Hà Nội gặp anh chị em ở tòa soạn để hiểu nhau hơn, làm nội dung sau này cho tốt…

"Vé máy bay, chi phí đi lại để cơ quan lo cho em. Nhớ lời chị dặn đó nhen…", đến giờ tôi vẫn nhớ lời chị Nhũ chu đáo căn dặn.

40 năm báo Nông thôn Ngày nay: Những năm tháng đi "mở cõi", ân tình ấy nói sao cho vừa- Ảnh 2.

Tác giả bài viết - Nhà báo Bùi Phụ trong một chuyến tác nghiệp ở cánh đồng điện gió huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: NVCC

Một tuần sau, tôi khăn gói ra Hà Nội. Thật bất ngờ nhiều anh chị đang trực ở tòa soạn (lúc ấy ở 13 Thuỵ Khuê, Hà Nội) xuống sân đón tôi. Tôi nhớ nhất là câu nói của chị Thanh Hiền (lúc đó chị là Trưởng Ban nhà nông - NV): Ôi, thì ra ông Bùi Phụ là người mập mạp thế này… (lúc ấy tôi gần 90 ký). Rồi chị Hồng Nga (Phó Trưởng ban) bồi thêm: Nhìn tướng tá cũng ngon, cũng đẹp giai ra phết…

Câu nói của chị Nga hình như anh Trần Lê Tuấn và anh Phạm Văn Thạo nghe được hay sao đó nên những lần sau tôi ra, anh Tuấn và anh Thạo lại ghẹo yêu: Mi chưa trình diện người đẹp Hồng Nga của mi à...?

Trưa hôm ấy, anh Trần Lê Tuấn và PV Nam Hải làm "chủ xị" mời anh em ra quán ở hồ Tây (sau Hãng phim truyện Việt Nam) lai rai để đón cái ông "ăn to nói lớn" là tôi.

Hôm ấy, PV Nam Hải nói anh em ở Hà Nội đóng góp mỗi người 200.000 đ để chơi với anh Hai miền Nam tới bến luôn. Số tiền này lúc ấy giá trị lắm, riêng anh Lưu Quang Định thì xung phong góp 500.000 đ.

Khi uống nửa chừng, anh Nguyễn Văn Hoài quay sang nói với anh Lại Bá Hà (lúc ấy 2 anh làm ở Ban TKTS): Em thích tay Bùi Phụ này rồi, nên trang của em chiều nay nhờ anh Bá Hà làm giúp luôn để em ngồi đây uống thêm… Anh Bá Hà ok liền!

Từ hôm ấy, tôi đã cảm nhận được mái nhà chung của mình là tờ báo Nông thôn Ngày nay. Với tôi, mái nhà chung này thấm đẫm hương yêu, có sự đoàn kết, có sự đùm bọc, chia sẻ trách nhiệm cho nhau, nhất là tương thân tương ái trong gian khó…

Tháng 11/2007, tôi được chị Mai Nhung bổ nhiệm làm Phó trưởng VP Đại diện tại TP.HCM, chịu trách nhiệm các thông tin từ Bình Thuận đến Cà Mau…

Thời ấy, báo giấy NTNN phát hành ở khu vực ĐBSCL trung bình mỗi ngày khoảng 40.000 tờ. Vì vậy tiếng nói của báo rất uy tín nên toà soạn rất cần thông tin thời sự trong vùng ĐBSCL. 

Lúc ấy chỉ duy nhất một mình anh Ngô Văn Tước phụ trách ở Kiên Giang nên tin bài không thể đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.

40 năm báo Nông thôn Ngày nay: Những năm tháng đi "mở cõi", ân tình ấy nói sao cho vừa- Ảnh 4.

Năm 2015, Tổng Biên tập Lưu Quang Định từ Hà Nội vào thăm, trao đổi công tác với cán bộ, nhân viên VP Báo NTNN/Dân Việt tại ĐBSCL. Ảnh: P.V

Đầu năm 2008, tôi có nguyện vọng xin Ban Biên tập đi miền Tây mở VP đại diện của báo và tuyển PV. Tháng 3/2008, anh Lưu Quang Định (lúc này vừa được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập báo NTNN ký Quyết định bổ nhiệm tôi làm Trưởng Văn phòng báo NTNN tại ĐBSCL.

Tôi cầm quyết định về khoe với vợ là mình đã lên chức trưởng. Vợ vui chưa dứt thì tôi phán: Một tuần nữa anh đi, nên chiều nay anh ra tiệm mua cho em chiếc xe đạp. Trong những ngày anh còn ở nhà, anh sẽ cố gắng tập xe đạp cho em để em chở con gái mình đi học lớp 1. Nếu em không tập được xe đạp thì con mình sẽ bị... dốt!

Nghe xong, vợ tôi rướm nước mắt… Vợ tôi dân miệt sông nước ở huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long (giáp Cần Thơ) nên từ nhỏ đến giờ chỉ biết chèo xuồng chứ không hề biết đi xe đạp.

Vậy mà nghe tôi dọa con sẽ bị dốt, vợ tôi lo tập xe trước nhà té lên, té xuống trầy cả chân tay. Khoảng 2 ngày sau vợ tôi chạy được xe đạp. Một tuần sau chở con gái tôi đến trường cách nhà khoảng 2 km…

Nửa đêm đi lạc từ Cần Thơ tới Hậu Giang

Tuần sau đó, một mình tôi chạy chiếc xe gắn máy của Trung Quốc từ Sài Gòn xuống đất Tây Đô. Hồi ấy, chưa có cầu Cần Thơ nên tôi đi gần 1 ngày trời mới đến Đại học Cần Thơ.

Phải ở khách sạn gần 2 tuần, tôi mới tìm và thuê được căn phòng khoảng 20 mét vuông nằm trong một con hẻm nhỏ ở cuối đường Trần Khánh Dư, phường Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Giá tiền thuê rẻ, mục đích là để tôi ở tạm trong thời gian làm thủ tục pháp lý để mở VP đại diện.

Căn phòng này chủ nhà làm ra để cho sinh viên thuê. Tôi bỏ thêm ít tiền sửa, sơn lại cho mới và làm thêm căn gác nhỏ khoảng 10 mét vuông ở trên để nghỉ. Những anh em đồng nghiệp báo khác hằng tháng về Cần Thơ họp giao ban với VP, nhiều anh ghé thăm và ngủ với tôi tại căn gác nhỏ này.

Lúc ấy, chưa có giấy phép, chưa treo được biển của văn phòng nên bà con xung quanh tưởng tôi là sinh viên già đi học làm nông nghiệp ở Đại học Cần Thơ.

Nhiều anh em đồng nghiệp các báo ở Cần Thơ lo cho tôi, sợ tôi buồn, nên chiều chiều họ thường ghé thăm. Có người mua chục trứng vịt lộn, có người mua thùng bia… vào nhậu với mục đích để tôi vui, khỏi nhớ nhà.

40 năm báo Nông thôn Ngày nay: Những năm tháng đi "mở cõi", ân tình ấy nói sao cho vừa- Ảnh 5.

Tác giả bài viết trong vai người chăn cừu khi thực hiện loạt phóng sự "Theo bước chân du mục ở Ninh Thuận" đầu năm 2021. Ảnh: PV

Những người thường ghé thăm tôi, trong đó có anh Huỳnh Kim (Trưởng VP Thời Báo kinh tế Sài Gòn), anh Thái Nguyên (Trưởng VP báo Thanh Niên), anh Nguyễn Vẹn (Trưởng VP Báo Pháp Luật TP.HCM, anh Vẹn qua đời cách đây khoảng 8 năm), anh Phấn Đấu (Trưởng VP Báo Lao Động), anh Huy Phong (lúc đó ở Báo SGGP)…

Mỗi lần các anh ghé thăm tôi đều bàn những đề tài báo chí vùng nông thôn của miền Tây. Nhờ đó, báo NTNN có những tuyến bài hay, sát sườn với đời sống nông dân ĐBSCL nên uy tín tờ báo ngày càng được tăng lên…

Có một lần, anh Huy Phong và Đức Khánh (Khánh lúc này PV báo Người Lao động) rủ tôi ra quán nhậu ở khu 586. Khi đã ngà ngà, khoảng 23h đêm tôi đi về phòng trọ nghỉ. Nhưng do chưa quen đường tôi chạy một lèo từ Cần Thơ về đến ngã 3 Cái Tắc tỉnh Hậu Giang. 

Khoảng 1h đêm tôi gọi điện hỏi Huy Phong và nói chỗ mình đang đứng thì Huy Phong nói: Anh ơi, anh đi nhầm hơn 30km rồi. Giờ bình tĩnh nghe em chỉ đường về phòng trọ. Tôi đi xe máy, mò mẫm trong đêm phải gần 3h sáng mới về đến phòng trọ…

Chuyện tôi bị đi lạc, hôm sau cả làng báo Cần Thơ biết, nhiều người trách Huy Phong sao lại để tôi đi một mình trong đêm… Và từ đó, mỗi lần đi nhậu nơi khác về là anh Thái Nguyên cử người đi xe máy theo tôi…

Sau khi có được giấy phép của UBND TP Cần Thơ cấp cho báo Nông thôn Ngày nay mở Văn phòng Đại diện tại ĐBSCL, tôi chọn ngày để treo tấm bảng trước căn phòng trọ. Nhìn thấy tấm bảng là cơ quan báo chí, nhiều người trong cái xóm nhỏ ở đường Trần Khánh Dư ngỡ ngàng…

40 năm báo Nông thôn Ngày nay: Những năm tháng đi "mở cõi", ân tình ấy nói sao cho vừa- Ảnh 6.

Tác giả bài viết trong chuyến tác nghiệp tại công viên đá tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: PV

Chiều hôm ấy, mấy anh ở UBND phường xuống thăm và chúc mừng tôi. Có anh trách yêu: Ông anh ở đây mấy tháng qua và cái tên Bùi Phụ nổi tiếng trên mặt báo mà giờ này tụi em mới biết. Sẵn đây tụi em mời anh chai bia…

Được sự đồng ý của BBT, ngày 1/11/2008, tôi cùng anh em tổ chức Lễ Ra mắt VP Báo Nông thôn Ngày nay tại ĐBSCL. Buổi sáng trước lễ diễn ra, anh Lê Hoàng Minh – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng anh Lưu Quang Định - Tổng Biên tập, chị Nguyễn Thị Nhũ, anh Lê Minh Đức (cùng Phó Tổng Biên tập), nhiều anh chị tòa soạn đến thăm VP trong con hẻm nhỏ.

Sau đó, anh Lê Hoàng Minh nắm tay tôi động viên: Cố gắng lên em, ráng đưa Văn phòng mình ra mặt tiền rộng hơn, cần gì em cứ gọi anh… Anh Lưu Quang Định cũng nói: Sẽ tạo mọi điều kiện để Văn phòng phát triển…

Buổi tiệc ra mắt tối hôm đó diễn ra trang trọng tại nhà hàng Xuân Khánh với 12 bàn tiệc và không trống 1 chỗ nào, nhà hàng phải kê thêm 2 bàn (thành 14) mới đủ chỗ cho khách ngồi. Lãnh đạo Hội Nông dân 13 tỉnh ĐBSCL đều đến dự.

Đặc biệt anh Nguyễn Hữu Lợi (lúc đó Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, anh em báo chí gọi thân thương là anh Tư Lợi) sau phát biểu chúc mừng VP, anh Tư Lợi đã mời anh Lê Hoàng Minh lên song ca bài vọng cổ Tình anh bán chiếu. Ban Biên tập như anh Lưu Quang Định – chị Nguyễn Thị Nhũ – anh Lê Minh Đức đều lên hát rất vui…

Đầu năm 2009, tôi xin phép BBT dời VP ra số 95 Trần Văn Hoài( Làng báo Cần Thơ), Q. Ninh Kiều TP. Cần Thơ.

Với tôi, gần 30 năm làm nghề báo, tôi thấy mình hạnh phúc khi được sống chung dưới mái nhà Nông thôn Ngày nay - Dân Việt, nhất là quảng thời gian được làm Trưởng VP ở trong con hẻm nhỏ như trên và sống chung với mấy em sinh viên của Đại học Cần Thơ.

40 năm báo Nông thôn Ngày nay: Những năm tháng đi "mở cõi", ân tình ấy nói sao cho vừa- Ảnh 7.

Tập thể cán bộ và PV của VP đại diện ĐBSCL năm 2012. Ảnh: PV

Nhưng duyên nợ đi "mở cõi" giữa tôi và Nông thôn Ngày nay/Dân Việt vẫn chưa dừng lại. Cách đây hơn hai năm, anh Lưu Quang Định tiếp tục tin tưởng giao tôi làm "phóng viên đặc biệt", chịu trách nhiệm hai tỉnh Bình Thuận – Ninh Thuận. Và thông tin Nông thôn Ngày nay/Dân Việt ở 2 tỉnh này hiện đang có uy tín nhất định trong lòng bạn đọc…

Miền thương nhớ có vị Anh hùng Lao động

Những năm nhiệm vụ ở ĐBSCL, tôi nhớ nhất là những chuyến đi công tác qua sông Vàm Cỏ Đông ghé thăm vị Anh hùng Lao động Dương Văn Hữu, ở xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa - Long An.

Bác Hai Hữu (SN 1923 thọ 90 tuổi), người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới vào năm 2002 khi lai thành công giống nếp có sức sống mãnh liệt, chịu hạn, chịu phèn, kháng rầy bền bỉ và không bị thoái hóa.

Năm 2008, tôi và PV Hữu Danh có thực hiện loạt bài 5 kỳ "Lấy vùng đất nhân giống Quốc gia làm Nghĩa trang Vĩnh Hằng", ở xã Phú Mỹ, huyện Thủ Thừa(Long An).

Lúc ấy, nhiều báo viết nhưng Nông thôn Ngày nay viết mạnh nhất. TBT Lưu Quang Định chỉ đạo tôi quan điểm rõ ràng, đứng về phía bà con nông nhân phản đối dự án nghĩa trang này.

Loạt bài sau đó loạt vào chung khảo (báo giấy- lúc đó chưa có Dân Việt) giải báo chí Quốc Gia năm 2008.

Hồi ấy, lúc thực hiện tư liệu cho loạt bài, tôi cử PV đi thu thập rồi nhưng tôi vẫn chưa yên tâm nên tôi đóng vai người chạy xe ôm bám theo sau PV.

Sau khi Hữu Danh vào lấy tư liệu xong đi ra, độ 15 phút sau tôi đến thu thập tư liệu thêm một lần nữa. Và khi PV nộp bài tôi rất yên tâm biên tập, gửi bài cho toà soạn.

Tôi nhớ không nhầm (vì hơn 15 năm rồi), mỗi số báo ra có bài "Lấy vùng đất nhân giống làm nghĩa trang Vĩnh Hằng", mỗi ngày bán gần 5000 tờ báo giấy NTNN.

Những ngày đó, anh em chúng tôi cực mà vui lắm. Bà con nông dân nghèo không có gì làm quà nên tặng chúng tôi toàn rượu đế, trứng vịt đồng, có những hôm say đến mấy ngày mới ngồi dậy nổi…

Trước sự vào cuộc, phân tích đa chiều của báo chí, chiều 12/8/2008, chúng tôi đã bám sát cuộc họp do ông Trương Văn Tiếp – Bí thư Tỉnh ủy Long An chủ trì.

Sau đó báo Nông thôn Ngày nay (ngày 13/8/2008) có đăng bản tin: "Dừng triển khai dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng

Ngày 12/8, nguồn tin của Báo Nông thôn Ngày nay cho biết, Thường vụ Tỉnh ủy Long An đã có kết luận dừng triển khai thực hiện dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng, ở xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, Long An.

Theo nhận định của Thường vụ Tỉnh ủy Long An, đây là dự án không được nông dân đồng tình do triển khai trên 25 ha đất trồng lúa ba vụ, đồng thời đây còn là cánh đồng nhân giống lúa.

Cũng theo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy Long An, các dự án đầu tư xây dựng nghĩa địa, nghĩa trang phải tập trung vào vùng đất xấu, cách xa khu dân cư. Nếu nhà đầu tư dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng vẫn thiết tha với loại hình đầu tư này, tỉnh Long An sẽ cho chuyển dự án tới khu vực đất trồng tràm thuộc huyện Thạnh Hóa.

Dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng được liên doanh giữa một doanh nghiệp trong nước và một doanh nghiệp nước ngoài. Khi triển khai thực hiện công tác đền bù, người dân địa phương đã kịch liệt phản ứng…"

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem