49 năm ngày Thống nhất đất nước: "Không thể ngờ, chúng tôi có thể ôm súng, ngủ gục giữa đường phố Sài Gòn"

Khánh Ly - Gia Khiêm Thứ hai, ngày 29/04/2024 09:17 AM (GMT+7)
Nhân dịp mừng 49 năm Thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), theo dòng hồi tưởng như bao người lính bộ đội cụ Hồ, Đại tá Khuất Duy Hoan kể lại cho chúng tôi nghe về những năm tháng khốc liệt ở mặt trận cửa ngõ Tây Nguyên, trước khi tiến về Sài Gòn, thống nhất đất nước.
Bình luận 0

Cách đây gần nửa thập kỷ, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 với niềm say mê chiến thắng, khát vọng độc lập dân tộc toàn thắng, đưa nước ta vào kỉ nguyên mới - kỉ nguyên của hòa bình và độc lập. Chiến tranh đã khép lại nhưng dường như trong tâm trí mỗi người lính cụ Hồ vẫn còn nguyên vẹn những kí ức về một thời hoa lửa hào hùng của dân tộc. Đó không chỉ là niềm vui hân hoan chiến thắng, mừng hai miền Nam Bắc sum họp mà còn là những vùng kí ức của đau thương, của mất mát trước xương máu, sự hi sinh của đồng đội trong cái khốc liệt của chiến trường… 

Xuyên suốt cuộc trò chuyện với PV Dân Việt, ông liên tục dùng danh xưng "chúng tôi","đồng đội" và "anh em" ngầm nói đến tình đồng đội keo sơn gắn kết. Ông nói, trong sự khốc liệt của chiến trường, dưới bầu trời của mưa bom, bão đạn mới có thể cảm nhận rõ rệt nhất tinh thần quả cảm, ý chí quật cường của người lính. 

Qua câu chuyện với lời kể hào hùng, đanh thép, quyết liệt, ông giúp những người trẻ chúng tôi như được sống lại thời khắc lịch sử thiêng liêng của dân tộc, cảm nhận về tinh thần bất khuất của một thế hệ anh hùng không tiếc máu xương vì nền độc lập dân tộc. Ông là Cựu chiến binh, đại tá Khuất Duy Hoan – Nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Thưa Đại tá Khuất Duy Hoan, trong suốt những năm tháng khốc liệt của kháng chiến, trận đánh nào khiến ông nhớ nhất?

Mặc dù đã 49 năm trôi qua nhưng những ký ức hào hùng một thời trong tâm trí tôi chưa bao giờ quên từng khoảnh khắc lịch sử. Đêm 28/4/1975, từ Đông Bắc Củ Chi – Nam sông Sài Gòn, được chị em giao liên, du kích địa phương dẫn đường, đơn vị chúng tôi (Đại đội 7, Tiểu đội 8, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320) bí mật lầm lũi xuyên màn đêm, qua làng mạc và cả đồn địch để tiếp cận mục tiêu tiến công. Súng đạn nặng trĩu trên lưng băng qua đồng ruộng, kênh rạch không thể nói hết sự căng thẳng, vất vả.

49 năm ngày Thống nhất đất nước: "Không thể ngờ, chúng tôi có thể ôm súng, ngủ gục giữa đường phố Sài Gòn"- Ảnh 1.

Xe tăng của Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. (Ảnh tư liệu)

Thi thoảng, một vài loại hoả tiễn (Kachiusa) của ta bắn vào căn cứ Đồng Dù khiến mọi mệt nhọc gần như tan biến, bước chân chúng tôi như nhanh hơn, khoẻ hơn. Gần sáng ngày 29/4, Đại đội tôi mới triển khai trong trận địa xuất phát tiến công ở Tây Nam Ấp Chợ (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi). Khoét vội hố chiến đấu sơ sài, ăn vội bánh lương khô đã nghe tiếng pháo đạn phía Củ Chi nổ dồn dập. 

Nhiệm vụ của đại đội tôi là tiêu đánh chiếm đồn Ấp Chợ cùng đơn vị bạn chốt giữ Cầu Bông, bảo đảm đường phát triển cho lực lượng chủ lực của Quân đoàn tiến công trên hướng chủ yếu Tây Bắc của chiến dịch Hồ Chí Minh tiến vào Sài Gòn. Tôi không nhớ chính xác, mình đã đối mặt xe tăng bao nhiêu lần. Lần đầu tiên tôi với xe tăng "gặp mặt" nhau là hồi đầu tháng 4/1974, khi chúng tôi tiêu diệt lực lượng phản kích của quân ngụy Sài Gòn nhằm giải vây cho đồng đội bị đơn vị bạn bao vây đánh chiếm căn cứ Lê Ngọc (huyện Chư – Prông, tỉnh Gia Lai). 

49 năm ngày Thống nhất đất nước: "Không thể ngờ, chúng tôi có thể ôm súng, ngủ gục giữa đường phố Sài Gòn"- Ảnh 2.

Xe tăng của đoàn quân giải phóng được người dân Sài Gòn chào đón. Ảnh tư liệu

Khi trận đánh kết thúc, xạ thủ Nguyễn Trọng Mật – người bắn quả B41 tiêu diệt chiếc xe tăng đầu tiên kể lại: "Tao nghe tiếng nổ đầu nòng cối chúng mày bắn đến quả thứ 8 thì súng 12,8 ly của địch câm tịt. Tao vội ngóc lên thì thấy khỏi bụi mù mịt trên tháp pháo tăng địch. Chớp thời cơ, tao ngắm giữa thân xe bóp cò. Cảm ơn súng cối đã giúp tao lập công". Ngay từ lần đầu gặp mặt, đồng đội đã nghĩ nghĩ, tôi và "nó" đã là duyên nợ của nhau rồi. 

 Sáng 30/4/1975, từ Huyện lỵ Hóc Môn, chúng tôi được lệnh cơ động truy quét quân địch ở khu vực xã Xuân Thới Đông, mở rộng hành lang, tiến công cho chủ lực Quân đoàn tiến vào Sài Gòn. Đang hối hả hành quân, người dân bên đường hớn hở ùa ra. 

49 năm ngày Thống nhất đất nước: "Không thể ngờ, chúng tôi có thể ôm súng, ngủ gục giữa đường phố Sài Gòn"- Ảnh 3.

Đại tá Khuất Duy Hoan - Nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) của Quân đội Nhân dân Việt Nam.. Ảnh: NVCC

Người cầm hoa, người cầm cờ Giải phóng, người bưng cả rổ trái cây chặn đường chúng tôi và reo hò sung sướng: "Các chú giải phóng ơi, Dương Văn Minh đầu hàng rồi, chúng ta hòa bình rồi...", có người còn cầm cả chiếc radio mở cho chúng tôi nghe lại lời tuyên bố đầu hàng của chính quyền Sài Gòn đọc trên sóng phát thanh. 

Ngày ấy, tôi đang là sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện Thái Nguyên. Năm 1972, cả nước huy động toàn lực lượng, dồn sức cho chiến trường miền Nam. Qua những ca khúc về người chiến sĩ, về cách mạng như thôi thúc chúng tôi lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, khát khao đánh đuổi quân xâm lược. 

49 năm ngày Thống nhất đất nước: "Không thể ngờ, chúng tôi có thể ôm súng, ngủ gục giữa đường phố Sài Gòn"- Ảnh 4.

Đại tá Khuất Duy Hoan trong một lần trở lại chiến trường xưa, thăm Dinh Độc Lập. Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, chúng tôi lên đường vì thứ được gọi là kỉ cương dòng họ, lên đường trong niềm vui xen lẫn những giọt nước mắt của người thân, bạn bè. Cuối cùng là ra trận với khát khao cháy bỏng về ngày trở về để tiếp tục học tập, kiến thiết đất nước. 

Tôi tận mắt chứng kiến đồng đội Phan Văn Hòa (quê Phú Thọ) - xạ thủ súng chống tăng B41 của đại đội và các xạ thủ khẩu đội 12,7 ly của tiểu đoàn tăng cường trong tình trạng thân mình đẫm máu, nằm gục bất động sau loạt đạn cối 81 ly của địch trong đồn bắn ra. 

Một chút chần chừ rồi bất chợt, chẳng hiểu sao, tôi bật khỏi hố chiến đấu đến bên khẩu 12,7 ly loay hoay chút ít rồi nghiến răng, siết cò, xả hết một thùng đạn cùng những giọt nước mắt đau thương về phía đồn địch mà chẳng cần biết có trúng không. Tận dụng thời gian đó, những đồng đội khác băng bó và chuyển anh em thương binh, đưa thi thể anh em tử sĩ về phía sau.  Có lẽ là binh nghiệp thôi cháu ạ! (Cười). 

Những người đồng đội khác, sau ngày Thống nhất đất nước, các bạn được giải ngũ, quay trở lại giảng đường, tiếp tục học tập. Hồi ấy, là Đảng viên, cán bộ Tiểu đội, được đơn vị cử đi học Sĩ quan nên tôi phải chấp hành. Khi ấy, tôi nghĩ, cả cuộc đời mình sẽ gắn bó với đời binh nghiệp.  Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Nhất năm 2013. Huân chương Chiến công Giải phóng Hạng Nhì năm 1975. Danh hiệu Dũng sĩ diệt cơ giới năm 1975.

49 năm ngày Thống nhất đất nước: "Không thể ngờ, chúng tôi có thể ôm súng, ngủ gục giữa đường phố Sài Gòn"- Ảnh 5.

Đại tá Khuất Duy Hoan (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội trong Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Mặt trận Tây Nguyên năm 2024. Ảnh: NVCC

6h sáng, tiếng súng đơn vị bạn tiến công căn cứ Đồng Dù – Củ Chi, chúng tôi nổ súng tiến công đồn Ấp Chợ. Quân địch lợi dụng công sự, lô cốt, hàng rào thép gai chống trả quyết liệt. Căng thẳng nhất là khi đạn cối 81 ly của địch bắn trúng đội hình triển khai của đơn vị. Trận chiến mỗi lúc một căng thẳng. Địch dùng máy bay AD6 bắn rocket và súng máy điên cuồng vào nhà dân, vào khu vực nghĩa địa nơi chúng tôi bố trí. Thêm hơn chục đồng đội đã ngã xuống vì trúng đạn của máy bay.

Gần trưa 28/4, trận đánh vẫn giằng co khốc liệt. Từ sở chỉ huy Trung Đoàn 64, Trung đoàn Trưởng Trần Văn Thân xuống trận địa của đại đội chúng tôi. Sau một hồi quan sát, ông ra lệnh: "Mỗi đồng chí Đảng viên, tiểu đội trưởng mang một quả bộc phá lên mở cửa, đánh chiếm đồn địch, chủ lực ta từ Củ Chi sắp tới đây rồi!". 

Tôi nhận quả bộc phá thứ 4. Nếu mọi việc suôn sẻ, tôi sẽ là người đánh phá hàng rào cuối cùng của đồn địch. Biết rằng đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm vì mở cửa sẽ không còn yếu tố bí mật bất ngờ, hoả lực chi viện chỉ còn 1 khẩu 12,7 ly của tiểu đoàn tăng cường, vài khẩu B40 – B41 và cối 60 của Đại đội. Song, chẳng một ai ngần ngừ do dự cả. 

Tôi chỉ kịp nghĩ, nếu chẳng may trúng đạn mà không chết thì phải cố gắng lăn ra, mở cửa càng nhanh càng tốt. Tôi đổi khẩu B40 mình đang giữ, nhận khẩu AK. Trong khi mọi người còn đang loay hoay làm công tác chuẩn bị lên phá rào mở cửa thì ngoài đường 22 có tiếng xe tăng bọc thép rầm rầm chạy tới, ngó ra thấy đoàn xe địch từ Củ Chi chạy về. 

Tiếp sau là đoàn xe tăng của Lữ đoàn 273 cắm cờ giải phóng hùng dũng truy đuổi xe địch. Cả đơn vị tôi hò reo chạy ra đón đường và chỉ vào tháp canh trong đồn Ấp Chợ. Các pháo thủ xe tăng chĩa nòng pháo, nhanh chóng bắn sập rồi tiếp tục vượt qua. Chúng tôi thừa cơ đột kích thẳng vào cổng chính đồn địch đã thấy lính nguỵ vứt súng, giơ tay đứng hàng trong sân. Trận đánh kết thúc với thắng lợi thật bất ngờ.

Ngay trong đêm hôm ấy, sau khi gọi là thu dọn chiến trường xong, chúng tôi đội mưa hành quân trên Lộ 22 hướng vào Sài Gòn. Gần nửa đêm, đến được thị trấn Hóc Môn, lệnh tạm dừng triển khai trú quân, cảnh giới xong, ôm súng thay nhau nằm, ngồi ngủ gục trên hè phố trong ánh điện đường cùng tiếng sấm, tiếng đạn pháo ầm ì từ đâu đó dội lại.

49 năm ngày Thống nhất đất nước: "Không thể ngờ, chúng tôi có thể ôm súng, ngủ gục giữa đường phố Sài Gòn"- Ảnh 6.

Đại tá Khuất Duy Hoan và Trung tướng Khuất Duy Tiến - AHLLVT, nguyên tư lệnh Quân đoàn 3. Ảnh: NVCC

Đồng đội nói, ông với xe tăng là "duyên nợ", "người "nặng vía" với xe tăng" chắc hẳn có lý do...?

Lần thứ hai giáp mặt với xe tăng địch là khi đơn vị tôi chặn đánh quân địch rút chạy từ quận lỵ Củng Sơn về Phú Yên. Trưa ngày 24/03/1975, sau ít giờ đơn vị bạn nổ súng đánh chiếm Củng Sơn thì lực lượng rút chạy của địch lọt vào trận địa phục kích của đại đội tôi. Ngay lập tức, chiếc xe tăng đi đầu bị bắn cháy khiến đội hình địch ùn tắc, rối loạn. 

Chính trị viên Nguyễn Đình Tập phát động thi đua diệt xe tăng địch trong toàn đại đội. Sẵn có khẩu chống tăng B40 trong tay (ngày ấy các tiểu đội trưởng Bộ binh đều được trang bị súng hoả lực B40 hoặc RPD), tôi nung nấu quyết tâm bắn cháy bằng được xe tăng địch nên dẫn cả tiểu đội men theo bờ sông Ba truy tìm xe tăng địch. 

Không lâu sau, tôi may mắn phát hiện một chiếc M41 đứng tại chỗ bắn xối xả vào rừng cây bên kia đường - nơi Đại đội 5 cùng tiểu đoàn đang tiển khai đội hình chiến đấu. Tôi tỳ súng B40 lên thân cây đổ lấy đường ngắm chính xác và bóp cò. Thấy khói đen trùm kín xe tăng địch, tôi vội di chuyển vị trí vì sợ chúng bắn trả. 

Lát sau, nhìn lên thấy xe tăng vẫn đứng im tại chỗ, đoán là xe bị hỏng, địch đã bỏ chạy tháo thân. Vừa hay chính trị viên Tập chạy tới, tôi và anh cùng vận động tiếp cận xe địch, nhìn vết đạn B40 nổ trúng buồng máy xe địch. Anh Tập bắt chặt tay và nói "Tớ ghi công cho cậu đã diệt một xe tăng địch trong trận chiến đấu này. Tiếp tục phát huy lập công mới nhé!". 

Cùng lúc ấy có một chiến sĩ của đại đội 5 bị thương gãy xương chân được đồng đội cõng ra từ trong rừng. Nghe ai đó hỏi xem có khẩu AR15 nào của địch bỏ lại không, tháo ốp nhựa nẹp chân cho thương binh. Tôi nghĩ trong xe địch thế nào cũng có nẹp cáng bèn trèo lên tháp pháo chui vào xe. Đang loay hoay tìm kiếm thì thấy đạn lửa nổ toang toác trên nóc xe. 

49 năm ngày Thống nhất đất nước: "Không thể ngờ, chúng tôi có thể ôm súng, ngủ gục giữa đường phố Sài Gòn"- Ảnh 7.

Đại tá Khuất Duy Hoan về thăm đơn vị cũ. Ảnh: NVCC

Nhìn qua mắt kính ở tháp pháo, tôi phát hiện một chiếc xe tăng nữa của địch đứng không xa đang nã đạn vào xe mình. Tôi chợt nghĩ "Thôi chết rồi, chắc nó nhìn thấy mình chui vào xe nên bắn chặn, không ra nhanh nó bắn pháo tăng huỷ xe thì mình cũng tiêu luôn". 

Thắt lại quai mũ, dây lưng tôi rút chốt quả US (lựu đạn của lính Mỹ) đếm "1…2…3…" và ném về phía xe tăng địch. Lợi dụng lúc khói bụi khi lựu đạn nổ vọt qua tháp pháo, tôi lăn xuống bờ sông trong sự lo lắng của anh em cùng tiểu đội. Vừa vục vội hớp nước sông cho đỡ khát, quay lên đã thấy chiếc xe tăng mình vừa chui ra bốc cháy ngùn ngụt. Chợt tôi nghĩ đến cái "duyên nợ" mà người đồng đội từng nói trong lần gặp nhau giữa tôi và xe tăng địch lần thứ nhất. 

49 năm kể từ ngày Nam Bắc chính thức về chung một nhà, ký ức về ngày 30/4/1975 đối với ông là gì?

Ngay lập tức, chúng tôi nhận được lệnh lật cánh trở ra Đường 22, tổ chức đội hình chiến đấu theo từng trung đội và được phép chặn bất kỳ phương tiện nào có thể chở quân hướng mục tiêu tập trung tại Dinh Độc Lập. Trung đội tôi đi trước may mắn "chặn" được một chiếc xe tải của dân. Dọc đường vào không thể kể hết sự phấn khích của người dân hai bên đường, nhất là của những tài xế khi được chở chúng tôi nhằm hướng Sài Gòn thẳng tiến. 

Xe chạy tới cầu Tham Lương thì nhận được lệnh chuyển hướng vào khu vực Bộ Tổng tham mưu nguỵ. Gần đến ngã tư Bẩy Hiền còn lác đác tiếng súng, chúng tôi được lệnh xuống xe phát triển chiến đấu theo hướng dẫn của bộ đội địa phương tiến về hướng Đại sứ quán Mỹ. Mặc dù nhiệm vụ thay đổi liên tục nhưng ai cũng muốn nhanh chóng đến đúng vị trí được giao.

Toà Đại sứ quán Mỹ đây rồi, vắng lặng, cổng chính mở toang như đón chờ. Chúng tôi nhanh chóng chiếm giữ, kiểm soát và trấn an số nhân viên phục vụ ở tầng trệt. Kiểm tra nhanh khu vực trụ sở Đại sứ quán xong, chúng tôi lại được lệnh cơ động nhanh về triển khai bố trí quân tại Trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn trên đường Pasteur. 

Đêm hôm ấy, lần đầu tiên sau nhiều ngày chiến đấu liên tục, chúng tôi được nằm võng đung đưa ngay trên mặt đất, dưới ánh đèn điện sáng trưng giữa đô thành. Làm sao có thể dễ dàng ngủ được? Dù rằng đêm hôm trước ở Hóc Môn chúng tôi đã thay nhau ngủ vùi ngay trên vỉa hè đường phố dưới cơn mưa đầu mùa, giữa lập loè pháo sáng, giữa ầm ì tiếng pháo nổ phía Sài Gòn.

Tỉnh giấc bất chợt nhớ lại trận đánh hôm qua tại đồn Ấp Chợ. Tân Phú Trung, cảm giác đau xót, thương nhớ những đồng đội đã nằm lại ở cửa ngõ Sài Gòn. Với chúng tôi, những người lính trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975, bên cạnh niềm vui sướng và tự hào, còn có cả những đau thương, mất mát trước sự hi sinh của đồng đội. Dấu chân những ngày cuối tháng 4 lịch sử oanh liệt ấy mãi mãi còn in đậm trong tâm trí chúng tôi!

Trong thời điểm trận chiến diễn ra khốc liệt, không cân sức, quyết định cầm súng ra trận đối với ông chắc hẳn là hành trình không dễ dàng?

Tôi vẫn nhớ như in. Tối ngày 15/9/1972, tôi thùng thình và lúng túng trong bộ quần áo lính thơm mùi vải mới tại một xóm nhỏ của huyện Phú Lương (Thái Nguyên). Chúng tôi tập hợp nghe cán bộ khung công bố tổ chức biên chế quán triệt chính trị, tư tưởng và nhiệm vụ cách mạng của người công dân ở Trường Đại học Tổng hợp mới. 

Sáng hôm sau, chúng tôi được xe quân sự Quân khu kín lá ngụy trang chở về nơi đóng quân để huấn luyện quân sự tại xã Thượng Đình, huyện Phú Bình - nơi có hàng chục Tiểu đoàn với hàng chục ngàn người lính chiến đã đi vào chiến trường từ đây đúng như câu vè "Người Hà Nội, bộ đội Phú Bình".

Cũng như các đợt quân khác, chúng tôi được dạy bắn súng, ném lựu đạn, đánh thuốc nổ, được dạy đào hầm hào, trườn bò, hành quân mang vác nặng, muỗi, vắt, rắn, rết… chẳng khác những gì ở chiến trường sau này. Ba tháng rưỡi huấn luyện qua nhanh. Thời gian gắn bó với mảnh đất này cứ ngắn dần. Mọi việc có vẻ hối hả hơn, ý nghĩa hơn khi mọi người nghĩ đến ngày xa quê hương đi ra mặt trận.

Nặng lòng với đồng đội đã hi sinh

Ông làm thế nào để vượt qua những hi sinh, mất mát của đồng đội, vững vàng tay súng, tiếp tục chiến đấu?

Đây cũng là những người đồng đội cuối cùng của đại đội chúng tôi ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn, trước ngày toàn thắng của dân tộc.

Dù thắng lợi có lớn, có vui mừng đến đâu nhưng nghĩ về những người đồng đội đã khuất, ít nhiều chúng tôi cũng có phần đau xót. Đó không chỉ là tình thương, tình đồng đội mà còn là thực hiện điều lệnh quân đội, kỉ luật chiến trường: Không được bỏ lại xác đồng đội ở chiến trường. Tôi thầm nghĩ, có thể, chúng tôi sẽ là những người trúng đạn, dính bom ngã xuống nhưng những người đồng đội khác đã hi sinh để mình được sống, được tiếp tục chiến đấu và tiến vào Sài Gòn.

Thời hoa lửa đi qua, đâu là lí do khiến ông quyết định gắn bó cả cuộc đời mình với màu áo bộ đội cụ Hồ?

Trải qua hơn 30 năm tham gia kháng chiến, phục vụ Quân đội, tôi được sống, được trở về sau chiến tranh, trưởng thành như ngày hôm nay là may mắn, nhờ sự hi sinh của đồng đội, nhờ anh em chiến hữu, sự chỉ dạy của cấp trên…

Điều khiến tôi nuối tiếc nhất có lẽ là những người đồng đội đã ngã xuống. Họ không kịp nhìn thấy ngày đất nước được độc lập, thống nhất.

Sau khi về hưu, tôi tham gia Ban Liên lạc Quân đoàn 3, tạo điều kiện, là cầu nối giúp đỡ các cựu chiến binh khác trong cuộc sống, giải quyết những tồn đọng về chính sách và cùng tri ân, tìm lại những đồng đội đã hi sinh, đưa các anh về với đất mẹ.

Gần 10 năm qua, với tư cách là Phó Trưởng Ban liên lạc Quân đoàn 3, ông thực hiện công việc của Ban Liên lạc như thế nào? 

Những người cựu chiến binh sau khi về với đời thường, chúng tôi vẫn tiếp tục giữ gìn, thực hiện và phát huy phẩm chất, giữ vững truyền thống người lính bộ đội cụ Hồ. 

Nhiều kỉ niệm nhiều lắm, làm sao có thể kể hết! Tôi nhớ nhất về Cựu chiến binh Nguyễn Xước Hiện (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) cùng chiến đấu với tôi hồi tháng 3/1975. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí Hiện lập chiến công lớn, bắn cháy 5 chiếc xe tăng của địch, giúp đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Kết thúc chiến tranh, đồng chí Hiện phục viên, về lại quê nhà. Do mất sạch giấy tờ tùy thân, địa phương thời điểm đó cho rằng đồng chí Hiện đảo ngũ. 

Năm 2012, đồng chí Hiện nhờ tôi xin chứng trận của đơn vị cho một người đồng đội khác. Trong danh sách tôi chụp gửi ra lại có tên của đồng chí Hiện. Trang giấy ghi rõ "Đồng chí Nguyễn Xước Hiện: Chiến công: Tiêu diệt, bắn cháy 5 chiếc xe tăng của địch". 

Biết được câu chuyện, Ban Liên lạc quyết định liên hệ với địa phương, gia đình, đơn vị để làm đề nghị. Sau này, đồng chí Nguyễn Xước Hiện được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, được hưởng chính sách của nhà nước, được giám định vết thương, trở thành thương binh. Rất xúc động và vui mừng cho các đồng chí!

Với chúng tôi, không chỉ là tự hào, vui sướng, vinh dự khi được góp mặt trong đội quân tiến vào Sài Gòn mà còn là chiến tranh còn là nỗi đau, mất mát trước sự hi sinh của đồng đội – những chàng trai tuổi đôi mươi đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đại tá Khuất Duy Hoan – Nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 3, Bộ Quốc phòng. Năm 1972, Đại tá Khuất Duy Hoan nhập ngũ. Năm 1973, ông vào chiến trường Tây Nguyên chiến đấu đến khi giải phóng ở Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3.

Năm 1977 – 1979, ông tiếp tục chiến đấu bảo vệ bờ biên giới phía Tây Nam Campuchia và trưởng thành đến cấp Đại tá, Phó Tư lệnh Quân đoàn 3 và nghỉ hưu năm 2011.

Suốt cuộc đời, ông dành 32 năm gắn bó với mảnh đất đại ngàn Tây Nguyên. Hiện nay, ông là Phó Trưởng Ban liên lạc Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên), đang sinh sống tại phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội cùng con cháu. Ông được nhà nước trao tặng:

- Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Nhất năm 2013.

- Huân chương Chiến công Giải phóng Hạng Nhì năm 1975.

- Danh hiệu Dũng sĩ diệt cơ giới năm 1975.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem