535 tỷ đồng thực hiện đề án “Huế- Kinh đô áo dài”

31/03/2023 08:48 GMT+7
Đề án “Huế - Kinh đô áo dài” vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt có tổng kinh phí thực hiện 535,5 tỷ đồng.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phê duyệt đề án "Huế - Kinh đô áo dài". Việc thực hiện đề án nhằm khẳng định giá trị, vị trí của áo dài Huế trong dòng chảy văn hóa vùng đất cố đô Huế và văn hóa Việt Nam; tôn vinh nét đẹp văn hóa của áo dài Huế, tôn vinh những người khai sáng và phát triển áo dài Huế trong lịch sử hình thành và phát triển.

535 tỷ đồng thực hiện đề án “Huế- Kinh đô áo dài” - Ảnh 1.

Cán bộ khối văn phòng Sở Văn hóa và thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế với áo dài truyền thống tại di tích chùa Thiên Mụ. Ảnh: P.T.H.

Bên cạnh đó, đề án nhằm khai thác, phát huy vị thế áo dài Huế trong phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch dịch vụ gắn với áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 Thừa Thiên Huế sẽ hình thành bộ cơ sở dữ liệu, hình ảnh áo dài Huế qua các thời kỳ; tổ chức định kỳ Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế trở thành điểm nhấn quan trọng trong các kỳ lễ hội ở Huế, đặc biệt là các kỳ Festival Huế. Cùng với đó là xây dựng được bộ truyền thông về áo dài Huế, tạo lập và quản lý nhãn hiệu "Huế - Kinh đô áo dài", hình thành 1 sản phẩm du lịch gắn với áo dài Huế.

Đến năm 2030, hình thành bảo tàng, trung tâm trưng bày, trình diễn, may đo áo dài phục vụ khách du lịch; ban hành tối thiểu 1 chính sách hỗ trợ phát triển áo dài Huế. Đến thời điểm này sẽ hoàn thiện hồ sơ nghề may đo áo dài và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế đệ trình UNESCO xem xét ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đề án đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, gồm: Nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng cơ sở dữ liệu áo dài Huế; tổ chức Tuần lễ Áo dài Huế định kỳ hàng năm, trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc của Huế; tạo lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận "Huế - Kinh đô áo dài"; hình thành bảo tàng, trung tâm trưng bày, may đo, đào tạo và trình diễn thời trang áo dài; xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; hình thành các tour du lịch, sản phẩm du lịch gắn với áo dài Huế...

Tổng kinh phí thực hiện đề án là 535,5 tỷ đồng, trong đó kinh phí xã hội hóa là 524,4 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 11,1 tỷ đồng. Kinh phí hằng năm ngân sách cấp cho việc thực hiện đề án khoảng từ 2,5- 3 tỷ đồng.


Phong Cầm
Cùng chuyên mục