6 quốc gia tự xưng kỳ quặc nhất thế giới: “Nhỏ mà có võ”

KA Thứ ba, ngày 27/08/2019 18:32 PM (GMT+7)
Một làng gần biên giới trở thành tiểu quốc tự phong ngay trong lãnh thổ của Israel, song chính quyền Do Thái chấp nhận sự tồn tại của nó trong vài chục năm qua.
Bình luận 0

1. Tiểu quốc trốn thuế tại Italia

img

Hình dáng của "Cộng hòa Đảo Rosa". Ảnh: warsintheworld.com.

Giorgio Rosa là một người đàn ông có tầm nhìn xa. Năm 1967, vị kỹ sư người Italia quyết định xây dựng quốc đảo riêng trên hải phận quốc tế. Ông tự gọi hành động ấy là "tình yêu đối với tự do”. Rosa và nhóm cộng sự xây 9 cột trụ từ đáy biển Adriatic và mặt bằng có diện tích 400 m2. Họ tuyên bố độc lập và ngay lập tức phát hành tem cho "Cộng hòa Đảo Rosa", Huffington Post đưa tin.

Tuy nhiên, phản ứng của chính quyền Italia trái ngược với mong đợi của Rosa. Đối mặt với một tiểu quốc gia trốn thuế ngay gần bờ biển, chính quyền Italia ra lệnh sát nhập "quốc đảo" và thiêu hủy nó.

Chỉ vài tuần sau khi đảo Rosa tuyên bố độc lập, lực lượng an ninh Italia đặt chân lên đảo và bắt Giorgio Rosa. Họ buộc chất nổ vào các cột trụ, đưa mọi người vào lên tàu và "thổi bay" quốc đảo. Mặc dù Rosa chính thức kiện chính phủ Italia nhưng tòa án không quan tâm đến đơn kiện của ông.

Hành động khác thường của Rosa tác động trực tiếp đến chính sách quốc tế. Đối mặt với viễn cảnh nhiều người có thể bắt chước hành động Rosa trên toàn cầu, Liên Hợp Quốc phê chuẩn Công ước Biển năm 1982 nhằm cấm con người tự tạo đảo quốc trên biển.

2. Tiểu quốc của tổ chức bảo vệ môi trường

img

Một trạm radar. Ảnh minh họa: wordpress.com.

Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) luôn sẵn sàng áp dụng mọi cách để thu hút dư luận. Nhưng có lẽ chưa kế hoạch nào tham vọng như nỗ lực của họ tại Cộng hòa Czech vào năm 2008, Guardian khẳng định. Hồi ấy, để phản đối Mỹ thiết lập trạm radar tại khu vực Brdy, Czech, các thành viên của Greenpeace bao vây, chiếm công trường xây dựng và tuyên bố thành lập quốc gia độc lập.

Peaceland là tên gọi quốc gia mới. Nó giống khu trại lớn của người biểu tình. Jiri X. Dolezal, một nhà báo người Czech, cảm thấy bực tức bởi sự xuất hiện của những thành viên Greenpeace làm đảo lộn cuộc sống tại miền quê của ông. Chính vì thế, Dolezal thành lập Travarovice, quốc gia riêng của ông, và tuyên chiến với Peaceland.

Dolezal là tổng thống và công dân duy nhất của Cộng hòa Dân chủ Travarovice. Ông viết đơn xin quân đội Czech cho phép tấn công khu vực Greenpeace chiếm đóng. Dolezal tuyên bố muốn ông vào bên trong khu trại và tiểu tiện “như hành động thách thức”. Ông cũng bắt đầu tuyệt thực để ủng hộ các trạm phòng thủ tên lửa Mỹ. Theo Dolezal, mỗi bên trong cuộc tranh chấp có quyền bình đẳng khi thể hiện quan điểm của họ.

Trước khi hai bên giao tranh, cảnh sát Czech đã phá Peaceland và bắt toàn bộ thành viên của họ.

3. 'Quốc gia hòa bình nhất' tại Trung Đông

img

Quốc kì Akhzivland. Ảnh: blogspot.com.

Khi Eli Avivi quyết định cư trú tại Akhziv vào năm 1952, làng chỉ là một đống đổ nát. Akhziv giáp với biên giới Lebanon, nơi giao tranh giữa Liên minh Arab và Israel xảy ra. Akhziv hoang tàn đến mức Avivi không nghĩ ai đó sẽ nhớ đến nó.

Ông đã suy nghĩ đúng trong 18 năm. Không ai chú ý đến Avivi khi ông dựng hàng loạt túp lều và định cư tại Akhziv. Vào một ngày trong năm 1970, nhà chức trách Israel đưa xe ủi đến để san phẳng Akhziv. Chính vì vậy, theo BBC, Avivi lập hàng rào quanh làng và tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Độc lập Akhzivland.

Hành động của Avivi khiến chính quyền Israel bắt và đưa ông ra tòa. Bất ngờ thay, quan tòa ủng hộ phía Avivi và tuyên bố ông không phạm tội. Avivi quay trở lại Akhzivland và có quyền cho thuê vùng đất trong 99 năm tiếp theo.

Ngày nay, Akhzivland vẫn tồn tại. Dân số quanh năm là 2 người cùng một vài chó, mèo, và khách du lịch. Akhzivland có thể là quốc gia duy nhất tại Trung Đông chưa bao giờ tham gia vào xung đột quân sự. Quyết định thành lập Akhzivland quả là hành động sáng suốt của Avivi.

4. 'Tiểu quốc trên cây' ở Anh

img

"Tiểu quốc Wanstonia" nằm trên một con đường dẫn tới thành phố London. Ảnh: Independent.

Trong những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, chính quyền Anh thực hiện một chương trình xây đường bộ lớn. Họ lấp những cánh đồng, chặt cây và phá hoàn toàn vô số ngôi nhà để trải bê tông khắp đất nước. Song ở vùng Wanstead thuộc ngoại ô thủ đô London, chính quyền vấp phải sự kháng cự khi người dân nơi đây tuyên bố những ngôi nhà của họ thuộc một quốc gia có chủ quyền mang tên Wanstonia.

Phần lớn lãnh thổ "tiểu quốc Wanstonia" nằm giữa một nhà cây trên một khu đất mà chính quyền muốn giải tỏa. Sau khi báo Guardian đăng tin về nó, một số người Anh viết thư để bày tỏ sự ủng hộ. Do không có địa chỉ cụ thể, họ đã gửi thẳng thư tới nhà cây. Khi bức thư đầu tiên tới, những người biểu tình coi đó là dấu hiệu chứng tỏ tính hợp pháp của họ.

Do hành động gửi thư, Tòa án Tối cao tuyên bố nhà cây là nơi ở hợp pháp. Phán quyết của tòa gây trở ngại lớn cho tiến trình giải tỏa, Independent cho hay. Mặc dù đa số dư luận chưa bao giờ công nhận Wanstonia là quốc gia hợp pháp, những người biểu tình vẫn chào mừng phán quyết của tòa ngay khi cảnh sát kéo sập "nền cộng hòa" non trẻ.

5. Biến cửa hàng thành quốc gia để in tiền

img

Đồng tiền xu của Rudge. Ảnh: La Stampa.

Một trong những quan điểm của chủ nghĩa tự do là mọi người có thể sở hữu đồng tiền riêng. Tuy nhiên, luật pháp ở mọi nơi trên thế giới đều cấm người dân tự in tiền. Vì vậy, khi John Charlton, một người dân ở bang Tasmania thuộc Australia, muốn có đồng tiền riêng, anh quyết định tránh án tù bằng cách tuyên bố cửa hàng của anh là một quốc gia độc lập, La Stampa đưa tin.

Quốc gia của Rudge mang tên “Đại công quốc Avram” và không có lãnh thổ. Rudge phát hành tiền xu từ “một ngân hàng” để tránh nguy cơ tố tụng pháp lý. Trong một thời gian ngắn, đồng tiền của Rudge lưu thông trên thị trường. Hàng trăm người hiếu kỳ kéo đến cửa hàng của Rudge và đổi AUD (tiền tệ của Australia) lấy đồng xu của "Đại công quốc Avram" và chẳng bao lâu, hoạt động trao đổi của vùng Tasmania đã diễn ra sôi động ở Duchy – nơi còn được gọi là “đất của công tước”. Sau đó, chính quyền Australia bắt đầu chú ý tới nơi này.

Khi chính phủ can thiệp, mọi chuyện khá là mơ hồ. Công chúng biết chính quyền Australia khám xét cửa hàng của Rudge và tịch thu tất cả tiền xu. Sau đó họ bắt Rudge. Nhưng kết cục của vụ án không rõ ràng. Rudge và vài người khác tuyên bố rằng tòa án không kết tội anh - động thái chứng tỏ quốc gia và đồng tiền của Rudge là hợp pháp. Những người khác cho rằng chính quyền Australia chỉ quyết định không khởi tố vụ án. Dù vậy, Rudge vẫn tiếp tục phát hành tiền xu và thỉnh thoảng chúng còn xuất hiện trên eBay.

6. Lập quốc gia riêng vì bất mãn với giới chức

img

Dinh thự của triệu phú Dean Kamen trên đảo North Dumpling. Ảnh: CNN.

Dean Kamen, người phát minh xe cá nhân Segway, là chủ sở hữu hòn đảo nhỏ North Dumpling. Nó nằm dọc theo bờ biển của bang Connecticut (nhưng về mặt pháp lý, đảo là một phần của New York). Người dân trên đảo có quốc kỳ, đồng tiền, hiến pháp, hải quân, không quân riêng và sự phê chuẩn của Tổng thống Mỹ.

Quá trình ly khai của đảo bắt đầu vào năm 1987, khi các quan chức New York phản đối Kamen lắp đặt turbine gió trên đảo. Tức giận, Kamen quyết định thành lập lãnh thổ riêng. Bằng cách kết hợp năng lượng gió và năng lượng mặt trời, Kamen giúp North Dumpling không cần tới lưới điện quốc gia. Thậm chí nhà phát minh còn dọa rằng ông sẽ sáp nhập bang Connecticut vào lãnh thổ. Ông làm mọi cách để chọc tức các quan chức từng phản đối tuabine của ông.

Thậm chí Kamen còn liên lạc với tổng thống George H. W. Bush, vốn là bạn của ông, và đề nghị ông chủ Nhà Trắng ký một hiệp ước không xâm lược. Về lý thuyết, hành động ký hiệp ước của Bush đồng nghĩa với việc North Dumpling có vị thế pháp lý cao hơn Kurdistan hay Catalonia.

Tranh chấp của Kamen với chính quyền New York không đi tới hồi kết. Nhưng ngày nay ông vẫn cho rằng đảo North Dumpling là quốc gia hoàn toàn độc lập.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem