7 điều cần biết về ngành, nghề kinh doanh

11/08/2020 09:23 GMT+7
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, tùy vào lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh cụ thể mà doanh nghiệp phải đáp ứng một số điều kiện trước khi kinh doanh (nếu có).

1. Khi nào doanh nghiệp phải ghi ngành, nghề kinh doanh?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, doanh nghiệp phải ghi ngành, nghề kinh doanh trong những trường hợp dưới đây:

- Đăng ký thành lập doanh nghiệp.

- Thay đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh.

- Đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

2. Cách tra cứu mã ngành, nghề kinh doanh

Hiện nay, hệ thống ngành kinh tế Việt Nam được quy định cụ thể tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, theo đó, quý thành viên có thể xem chi tiết danh mục và nội dung hệ thống ngành kinh tế Việt Nam tại Phụ lục I, Phụ lục II Ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg.

7 điều cần biết về ngành, nghề kinh doanh - Ảnh 1.

3. Cách ghi mã ngành, nghề kinh doanh

Doanh nghiệp lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Nếu có nhu cầu đăng ký ngành, nghề kinh doanh chi tiết hơn ngành kinh tế cấp bốn thì doanh nghiệp lựa chọn một ngành kinh tế cấp bốn trước. Sau đó, ghi ngành, nghề kinh doanh chi tiết ngay dưới ngành cấp bốn nhưng phải đảm bảo ngành, nghề kinh doanh chi tiết đó phù hợp với ngành cấp bốn đã chọn.

4. Quy định về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Căn cứ theo Luật số 03/2016/QH14 về việc sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư 2014, hiện tại có 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Luật số 03/2016/QH14.

5. Yêu cầu về vốn khi đăng ký kinh doanh

Trường hợp pháp luật có quy định về ngành, nghề kinh doanh có vốn pháp định thì doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề tương ứng phải đáp ứng được mức vốn tối thiểu để đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp theo quy định.

6. Yêu cầu về chứng chỉ hành nghề

Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh một số ngành nghề nhất định phải có Chứng chỉ hành nghề khi kinh doanh thì doanh nghiệp phải đảm bảo đáp ứng được những điều kiện về chứng chỉ hành nghề để thành lập và hoạt động.

7. Giới hạn loại hình doanh nghiệp

Theo quy định hiện hành, có một số ngành, nghề kinh doanh giới hạn loại hình doanh nghiệp tức là doanh nghiệp khi kinh doanh ngành, nghề đó phải thành lập theo loại hình doanh nghiệp nhất định.

Chẳng hạn, công ty Luật chỉ được thành lập dưới loại hình Công ty Trách nhiệm hữu hạn hoặc Công ty hợp danh, Văn phòng thừa phát lại chỉ được thành lập dưới loại hình Công ty Hợp danh hoặc Doanh nghiệp tư nhân.

Hà An
Cùng chuyên mục