9 giải pháp trọng tâm giúp hợp tác xã phát triển

23/08/2024 11:34 GMT+7
Để phát triển mạnh cho các Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác (THT) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam đã đưa ra 9 giải pháp chú trọng cần tập trung thực hiện một cách triệt để, quyết liệt.

Ngày 23/8, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện toàn tỉnh có 1 Liên hiệp hợp tác xã (HTX) nông nghiệp; 546 HTX nông nghiệp.

Trong đó, có khoảng 310 HTX nông nghiệp tham gia hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 129 HTX đạt tiêu chí số 13 trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM; 110 HTX là chủ thể của 136 sản phẩm OCOP của tỉnh đạt từ 3 - 4 sao; 80 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và kinh doanh.

Chín giải pháp trọng tâm mà ngành nông nghiệp Quảng Nam giúp hợp tác xã nông nghiệp phát triển - Ảnh 1.

Để phát triển mạnh cho các HTX, THT nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam có 9 giải pháp chú trọng cần tập trung thực hiện một cách triệt để, quyết liệt. Trong ảnh, nông dân Tiên Phước trồng cây ăn quả cho thu nhập cao. Ảnh: T.H

So với các địa phương trên cả nước, tỉnh Quảng Nam là tỉnh có số lượng HTX nông nghiệp thành lập tương đối cao, đứng thứ 9/63 tỉnh thành (với 546 trên tổng số 21.139 HTX toàn quốc); so với năm 2020, toàn tỉnh tăng đã tăng gần 400 HTX NN, như vậy bình quân mỗi năm tăng gần 100 HTX nông nghiệp.

Để phát triển mạnh cho các HTX, THT nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, trong đó chú trọng cần tập trung thực hiện 9 giải pháp trọng tâm.

Trong đó, chú trọng phổ biến, quán triệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII; Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ; các chương trình, đề án, kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp.

Chín giải pháp trọng tâm mà ngành nông nghiệp Quảng Nam giúp hợp tác xã nông nghiệp phát triển - Ảnh 2.

Nông dân ở Quảng Nam đầu tư máy móc hiện đại phục vụ trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: T.H

Phát động các phong trào thi đua, khen thưởng kịp thời, tôn vinh và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, tiêu biểu ở địa phương. Đồng thời, lựa chọn, giới thiệu, tuyên truyền các mô hình HTX nông nghiệp điển hình, hoạt động hiệu quả trong, ngoài nước để tham quan học hỏi kinh nghiệm.

Thứ hai là xây dựng mô hình HTX nông nghiệp phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, ngành hàng và vùng, miền, địa phương, trong đó tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng tối thiểu 5 mô hình HTX nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, phù hợp với vùng, miền, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Tiếp đến là tổ chức rà soát, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển HTX nông nghiệp, như xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị quy mô lớn.

Trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương, cần bố trí quỹ đất cho các tổ chức kinh tế tập thể; có cơ chế ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất đối với các tổ chức kinh tế tập thể đã chuyển đổi và thành lập mới chưa được hỗ trợ thuê đất, đảm bảo sử dụng đất có hiệu quả.

Chín giải pháp trọng tâm mà ngành nông nghiệp Quảng Nam giúp hợp tác xã nông nghiệp phát triển - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp của các HTX, THT, cơ sở sản xuất với lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: T.H

Cũng theo Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam, thời gian tới ngành sẽ tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho phát triển bền vững HTX nông nghiệp, tiếp tục bố trí nguồn lực để hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp và xây dựng mô hình HTX nông nghiệp điển hình; đồng thời lồng ghép nội dung hỗ trợ HTX nông nghiệp vào các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

"Bên cạnh đó, sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực quản trị cho cán bộ quản lý, thành viên HTX nông nghiệp. Tăng cường xã hội hóa, thu hút nguồn lực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, thành viên HTX nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp liên kết hỗ trợ đào tạo nhân lực quản trị sản xuất, kinh doanh cho HTX nông nghiệp.

Triển khai thực hiện tốt nội dung thu hút lao động trẻ, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp vào làm việc trong các HTX nông nghiệp.

Và đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác hợp tác, liên kết đầu tư, chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp", Sở NNPTNT Quảng Nam cho biết.

Chín giải pháp trọng tâm mà ngành nông nghiệp Quảng Nam giúp hợp tác xã nông nghiệp phát triển - Ảnh 4.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết trong một lần thăm mô hình HTX nông nghiệp Duy Oanh ở huyện Duy Xuyên. Ảnh: T.H

Ngoài ra, thời gian tới Sở NNPTNT Quảng Nam, còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp. Nâng cao chất lượng dịch vụ công hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp về, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm, bảo hiểm nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu và các dịch vụ công khác theo quy định của pháp luật.

Nâng cao vai trò cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong phát triển HTX nông nghiệp. Không can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và tổ chức bộ máy, nhân sự của HTX nông nghiệp.

Chín giải pháp trọng tâm mà ngành nông nghiệp Quảng Nam giúp hợp tác xã nông nghiệp phát triển - Ảnh 5.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trong một lần tham quan các gian hàng tại hội chợ nông nghiệp ở huyện Tiên Phước. Ảnh: CTV

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia phát triển HTX nông nghiệp.

Cuối cùng là, tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, phát triển HTX nông nghiệp với các nước trong khu vực và trên thế giới. Huy động các tổ chức quốc tế tài trợ cho HTX nông nghiệp và thành viên tham gia các chương trình, đề án, dự án sản xuất nông nghiệp an toàn, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, chế biến phụ phẩm nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo...

Trương Hồng
Cùng chuyên mục