ADB có thể mua cổ phần ngân hàng Việt để hỗ trợ xử lý nợ xấu

Trần Giang Thứ sáu, ngày 17/06/2016 17:13 PM (GMT+7)
Ông Takehiko Nakao, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), cho biết về giải pháp xử lý nợ xấu là ADB sẽ mua cổ phần của các ngân hàng để bơm thêm tiền vào ngân hàng có nợ xấu.
Bình luận 0

Tại cuộc họp báo diễn ra chiều nay, ngày 17.6, ông Takehiko Nakao, cho rằng vấn đề mấu chốt của Việt Nam là tiếp tục thực thi những chính sách kinh tế phù hợp và cải cách cơ cấu theo chiều sâu.Chính phủ cũng cần xử lý những khoản nợ xấu, gia tăng nguồn thu từ thuế và nâng cao hiệu quả chi tiêu công.

Đối với giải pháp về xử lý nợ xấu, ông Takehiko Nakao cho biết ADB có thể mua cổ phần của ngân hàng để bơm thêm tiền của Nhà nước vào ngân hàng có nợ xấu.

Ông Takehiko Nakao, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á

“Đó là cách các quốc gia khác đã sử dụng để xử lý khủng hoảng, như Nhật Bản những năm 1990. Họ thậm chí còn có lợi nhuận, vì khi mua cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước và sau một thời gian hoạt động kinh doanh khôi phục thì giá cổ phiếu doanh nghiệp đó tăng lên thì họ bán cổ phần này”, ông Takehiko Nakao cho biết.

Tuy nhiên, ông Takehiko Nakao cho rằng hiện tại cách quan trọng nhất là làm sao hỗ trợ cho các ngân hàng quản trị rủi ro tốt hơn, giảm nhẹ nghĩa vụ thế và gánh nặng thuế cho các ngân hàng gặp khó khăn. Tùy từng ngân hàng mà có giải pháp cụ thể xem có cần tiền của ngân sách hay không.

“Hiện chúng tôi đang cân nhắc chương trình cho vay hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam”, ông Takehiko Nakao cho biết.

Tuy nhiên, Chủ tịch ADB cảnh báo về tình trạng phát hành trái phiếu Chính phủ quá nhiều. Việc phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường cần xác định độ tín nhiệm của quốc gia đó, nếu Chính phủ chưa đủ uy tín thì họ không thể phát hành trái phiếu với điều khoản có lợi hơn nữa.

“Hiện nay lãi suất Việt Nam tương đối cao, việc phát hành trái phiếu để huy động vốn không phải dễ dàng nếu ta trả lãi suất cao thì khó trả nợ”, ông Takehiko Nakao phân tích.

Ông Takehiko Nakao cũng cảnh báo về khả năng xảy ra là thâm hụt ngân sách, bội chi ngân sách tăng lên so với dự kiến ban đầu. “Ngoài ra còn có rủi ro mở rộng tín dụng vì chúng ta chưa lường trước khả năng bùng nổ tín dụng hoặc tăng trưởng tín dụng quá nóng. Đó là hai trong số các yếu tố có thể gây rủi ro”, ông Takehiko Nakao phân tích.

Ông Takehiko Nakao cho rằng Việt Nam phải theo dõi sát với thị trường tài chính quốc tế và nhìn vào tỷ giá để xem VND có bị giảm giá nhanh không, dự trữ ngoại hối. Vì dự trữ ngoại hối có thể gây ra rủi ro mà ta không lường trước.

Đáng chú ý, ông Takehiko Nakao cho biết sẽ tăng cường cho vay và đầu tư cổ phần trong khu vực tư nhân, nhất là lĩnh vực tài chính, kinh doanh nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. ADB sẽ hỗ trợ chuẩn bị các dự án trọng điểm theo mô hình đối tác công tư (PPP) phù hợp với khung pháp lý thống nhất về PPP đã được ADB hỗ trợ.

Chủ tịch ADB cho biết việc cân nhắc cho vay vốn với doanh nghiệp tư nhân sẽ không tính vào trần nợ công.

“Trong vài năm gần đây, chúng tôi không cho doanh nghiệp tư nhân vay ở Việt Nam nhưng đó là phần hoạt động quan trọng của chúng tôi ở nhiều quốc gia khác. Với Việt Nam, ADB sẽ ưu tiên cho vay như doanh nghiệp nông nghiệp, năng lượng tái tạo, giáo dục, công nghệ thông tin. Về mặt lý thuyết thì không có trở ngại gì đâu nhưng chưa có yêu cầu từ phía các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Đây là lĩnh vực chúng tôi muốn tăng cường nhưng cần có nhu cầu”, Chủ tịch ADB cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem