ADB dự báo VN đạt tăng trưởng 5,2% năm 2013

Thứ ba, ngày 09/04/2013 15:56 PM (GMT+7)
Dân Việt – Ngày 9.4, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố báo cáo dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 5,2% trong năm 2013 và 5,6% trong năm 2014.
Bình luận 0

Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2013 (ADO) được công bố dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 5,6% trong năm 2014 nếu đạt được tiến bộ trong việc củng cố lĩnh vực ngân hàng và sự phục hồi của các nền kinh tế công nghiệp lớn tạo động lực trong năm 2014.

Lạm phát trung bình năm dự kiến sẽ vào khoảng 7,5% tại thời điểm cuối năm 2013, thấp hơn so với dự báo trước đây do cầu nội địa thấp hơn dự báo. Lạm phát sẽ ở mức trung bình 7,5% trong năm nay trước khi tăng lên 8,2% trong năm 2014. Mức dự báo này được đưa ra với giả định rằng các điều kiện thời tiết thuận lợi cho sản xuất lương thực, tỷ giá tiền đồng tương đối ổn định và các kích thích chính sách được kiểm soát.

Theo ADB, nền kinh tế Việt Nam ổn định trong năm 2012 nhờ việc thắt chặt chính sách trước đó đã kiềm chế lạm phát và cải thiện cán cân thanh toán. Tăng trưởng kinh tế chậm lại dẫn đến việc nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm ngoái, song hoạt động tín dụng vẫn bị hạn chế do sự không rõ ràng về tình hình tài chính của các ngân hàng.

img
ADB dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,2 % trong năm 2013.

Sự phục hồi của nền kinh tế phụ thuộc vào việc đẩy mạnh các cải cách trong lĩnh vực ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước. ADB cho rằng việc thực hiện một cách có hiệu quả các cải cách cơ cấu có thể cần một cách tiếp cận có tính chiến lược và có tính lựa chọn hơn.

Phát biểu tại buổi công bố báo cáo, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho biết: “Chính phủ cần có một cách tiếp cận có tính chiến lược và có lựa chọn đối với việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước vì không thể thực hiện tất cả cùng một lúc. Một số thành công và tiến bộ bước đầu có thể tạo động lực cho việc cải cách hơn nữa.”

Mặc dù vẫn còn những quan ngại, nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài nhờ có quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào đang trên đà gia tăng và chi phí lao động thấp. Điều này được minh chứng bởi xu thế tăng lên của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 10 năm qua.

Tuy nhiên, ông Kimura cũng lưu ý: “Trong bối cảnh hội nhập ASEAN vào năm 2015 đang đến gần, Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh về FDI ngày càng tăng ở khu vực Đông Nam Á. Việc duy trì nguồn vốn FDI và đảm bảo năng lực cạnh tranh sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện thành công các cải cách cơ cấu và cải thiện môi trường kinh doanh một cách toàn diện hơn".

Trong báo cáo, ADB cũng nhận định rằng, Châu Á đang đi trên con đường sử dụng năng lượng thiếu bền vững một cách nguy hiểm. Điều này sẽ gây ra những thảm họa về môi trường và mở rộng thêm khoảng cách giữa người giàu và người nghèo trong việc tiếp cận các nguồn năng lượng nếu như khu vực không tiến hành những thay đổi căn bản.

Ông Changyong Rhee, Trưởng Ban Kinh tế của ADB, phát biểu: “Đến năm 2035, Châu Á có thể sẽ tiêu thụ hơn một nửa số năng lượng cung cấp cho cả thể giới và nếu không có những thay đổi mạnh mẽ, lượng phát thải khí cacbon sẽ tăng gấp đôi. Châu Á cần phải vừa hạn chế nhu cầu về năng lượng đang tăng lên, vừa tìm kiếm các lựa chọn năng lượng sạch hơn. Điều này sẽ cần đến sự sáng tạo và giải pháp, với việc các nhà hoạch định chính sách cần phải vật lộn với những vấn đề phức tạp về chính trị như trợ cấp nhiên liệu và hội nhập thị trường năng lượng khu vực".

Theo ADB, nếu như đến năm 2035, Châu Á chỉ đơn thuần mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng mà không thay đổi căn bản cách thức tiêu thụ năng lượng, báo cáo dự báo rằng tiêu thụ dầu mỏ của khu vực sẽ tăng gấp đôi, tiêu thụ khí thiên nhiên sẽ tăng gấp ba và tiêu thụ than sẽ tăng 81% và sẽ phải trả giá đắt vì những tác động hủy hoại môi trường.

Các nguồn năng lượng tại chỗ hạn chế của Châu Á cũng đặt ra một thách thức khác. Chỉ chiếm 9% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu đã xác định, khu vực hiện đang phát triển theo hướng sẽ tăng lượng nhập khẩu dầu mỏ lên gấp ba từ nay đến năm 2035, khiến khu vực sẽ nhạy cảm hơn nhiều trước những cú sốc nguồn cung từ bên ngoài.

Tại Châu Á, 1,8 tỷ người vẫn dựa vào củi và các nhiên liệu truyền thống khác như là nguồn cung cấp năng lượng chính. Do việc tiếp cận các nguồn năng lượng hiện đại là yếu tổ chủ chốt để có sự tiến bộ về kinh tế và xã hội, Châu Á cần phải tìm kiếm ý chí chính trị và sự đổi mới để vứt bỏ những chính sách lỗi thời và điều chỉnh lại cơ cấu năng lượng của mình. Một trong số đó là việc các nhà hoạch định chính sách sẽ cần thay thế các chính sách trợ cấp nhiên liệu chung làm giảm chi phí năng lượng điện một cách giả tạo và tạo ra gánh nặng tài khóa lớn bằng các chính sách trợ cấp có mục tiêu hướng đến người nghèo. Báo cáo cho rằng việc giảm các chính sách trợ cấp lãng phí trên toàn thế giới cũng sẽ giúp giảm bớt 2,6 tỷ tấn khí cacbon phát thải ra môi trường vào năm 2035.

Các hỗ trợ được thiết kế một cách cẩn trọng dành cho các công nghệ năng lượng tái tạo cần phải được thúc đẩy. Các công nghệ năng lượng gió, mặt trời và nhiên liệu sinh học thế hệ mới với kỳ vọng sẽ cạnh tranh hơn về chi phí so với các lựa chọn hiện tại và không cạnh tranh với sản xuất lương thực là những giải pháp tiềm năng.

Châu Á có tiềm năng lớn về khí đá phiến, với Trung Quốc có trữ lượng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các vấn đề bất ổn về mặt kỹ thuật như nguy cơ rò rì và nhiễm bẩn nước cần phải được giải quyết. Thảm họa Fukushima đã nhấn mạnh các nguy cơ của năng lượng hạt nhân, nhưng việc giảm dần sử dụng năng lượng hạt nhân sẽ làm tăng mạnh việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Chú trọng nhiều hơn đến các hệ thống giao thông và các thành phố xanh sử dụng năng lượng hiệu quả cùng với tăng cường nghiên cứu về năng lượng sạch cũng là những biện pháp có tầm quan trọng tương đương.

Các quốc gia không thể tự mình đáp ứng tất cả nhu cầu về điện, vì vậy Châu Á cần đẩy nhanh việc kết nối lưới điện và khí gas qua biên giới để năng cao tính hiệu quả, giảm bớt chi phí và tận dụng lợi ích của năng lượng điện dư thừa. Báo cáo cho rằng với việc tăng cường hợp tác, một thị trường năng lượng liên Châu Á sẽ có thể đạt được vào năm 2030.

ADB nhận định, thu hẹp khoảng cách về năng lượng giữa các quốc gia giàu và quốc gia nghèo đòi hỏi các khoản viện trợ quốc tế có mục tiêu để xây dựng cơ sở hạ tầng điện năng đem lại lợi ích cho những người kém may mắn hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem