Ai về xứ Lạng... (kỳ 2): Ngắm nàng Tô Thị, lễ chùa Tam Thanh

Gia Tưởng Thứ tư, ngày 14/07/2021 08:00 AM (GMT+7)
TP.Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) tương đối nhỏ, không có nhiều di tích hay điểm đến khiến du khách phải đi mỏi chân. Nhưng để hiểu đủ đầy về văn hóa và cảm xúc của người dân nơi đây, rất cần sự lần tìm tỷ mỉ và sâu lắng...
Bình luận 0

Truân chuyên nàng Tô Thị...

Nằm ngay trong TP.Lạng Sơn là đỉnh núi đá có hình thù giống như người phụ nữ ôm con hướng mặt lên mạn bắc, thuộc phường Tam Thanh. Năm 1962, khu quần thể di tích này được công nhận là di tích lịch sử quốc gia bởi nằm trong cụm công trình lịch sử thành nhà Mạc. Theo hướng dẫn của anh Dũng, người ở phố Muối (TP.Lạng Sơn), muốn ngắm hình nàng Tô Thị thì chỉ có đi theo hướng chùa Tam Thanh, men theo bậc thang chỉ dẫn rồi tới lầu Vọng Thị. Đó là điểm ngắm đẹp nhất.

Cũng chẳng khó gì để lên tới điểm ngắm cảnh này. Tôi mua vé vào động Tam Thanh rồi cứ theo đường chỉ dẫn khoảng 200m cầu thang thì lên tới lầu Vọng Thị. Từ đây nhìn ngang thấy tảng đá có hình người phụ nữ ôm con ở đỉnh núi bên cạnh.

Ai về xứ Lạng... (kỳ 2): Ngắm nàng Tô Thị, lễ chùa Tam Thanh  - Ảnh 1.

Chùa Tam Thanh nổi tiếng của Lạng Sơn. Ảnh: Gia Tưởng

Theo tài liệu của Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Lạng Sơn, hiện nay, trong chùa Tam Thanh còn có một hệ thống bia khá phong phú có giá trị về mặt sử liệu và văn hoá nghệ thuật do các văn thân, thi sĩ qua các thời kỳ lịch sử lưu lại.

Những câu chuyện dân gian về truyền thuyết nàng Tô Thị, người dân Lạng Sơn đều thuộc nằm lòng. Chuyện kể rằng: Có cặp vợ chồng nhà họ Tô, sinh được hai người con, một trai, một gái. Lúc cha mẹ vắng nhà, người anh nhặt đá ném chim, chẳng may trúng phải đầu em, máu chảy ra lênh láng. Sợ quá, người anh trốn sang Trung Quốc. Năm 30 tuổi, chàng lần về quê và sinh cơ lập nghiệp tại Lạng Sơn, sau đó lấy vợ là con một nhà buôn và sinh được một đứa con. Một hôm, chàng chải tóc cho vợ, thấy có vết sẹo trên đầu, hỏi chuyện thì mới biết vợ chính là em gái mình.

Biết rõ sự thật, người chồng rất đau buồn, nhưng vẫn không cho vợ biết. Nhân khi nhà vua bắt lính, người chồng ra ứng mộ. Trước khi đi, người chồng dặn vợ nếu sau ba năm mà không thấy về thì người vợ cứ việc đi lấy chồng khác. Nói rồi, chàng đi biệt!

Người vợ ở nhà chờ ba năm, không thấy chồng về. Hằng ngày, nàng bồng con lên núi, mắt hướng về phía chồng ra đi. Một hôm bỗng có một cơn giông lớn, nàng vẫn bồng con đứng mãi không về. Lúc mọi người lên núi thì thấy hai mẹ con nàng đã hóa đá. Người dân cảm động gọi tượng đá ấy là nàng Tô Thị vọng phu.

Cũng trên lầu Vọng Thị, tôi gặp anh Trần Minh Chiến (26 tuổi) người tỉnh Bến Tre, làm tài xế xe container chở trái cây ra cửa khẩu Tân Thanh. Chiến mới kết hôn nên đưa cả vợ theo xe luôn như là đi tuần trăng mật. Tranh thủ lúc đợi thông quan, Chiến dẫn vợ đi thăm thú Lạng Sơn và có mặt trên lầu Vọng Thị này. Nắm tay chị Yên, vợ mình, Chiến nói: "Hồi nhỏ, em nghe kể về hòn vọng phu quá trời luôn! Cũng biết là Lạng Sơn nổi tiếng có tượng nàng Tô Thị, nhưng lần này mới là lần đầu tiên được nhìn thấy".

Đứng cạnh chồng, chị Yên vẫn còn vẻ bẽn lẽn của cô dâu mới. Yên nói thêm vào: "Hay thiệt nghe! Nhìn nàng Tô Thị trung trinh giữa trời núi mà phụ nữ tụi em vô cùng ngưỡng mộ".

Ngược lại dòng thời gian thì thấy số phận của tượng nàng Tô Thị cũng rất truân chuyên. Người già sống dưới chân núi vẫn nhớ như in trận mưa 30 năm trước, năm 1991, mọi người nghe thấy tiếng đá lở ầm ầm, lúc tạnh mưa nhìn ra đã thấy tượng nàng Tô Thị tự nhiên bị mất. Thì ra, bức tượng bằng đá tự nhiên đó đã bị lở xuống chân núi, người dân đi gom những mảnh vỡ từ bức tượng đó lại. Sau đó, ngành văn hóa Lạng Sơn đã tiến hành phục chế như ngày nay, bằng cách lấy những mảnh đá của bức tượng gắn lại với nhau thành hình người mẹ ôm con mặt hướng về phương bắc.

Ai về xứ Lạng... (kỳ 2): Ngắm nàng Tô Thị, lễ chùa Tam Thanh  - Ảnh 3.

Ngắm tượng nàng Tô Thị từ lầu Vọng Thị. Ảnh: Gia Tưởng

Chính vì thế mà bây giờ dân Lạng Sơn đã khuyên khách thập phương muốn ngắm nàng Tô Thị đẹp nhất là ngắm từ xa và người ta đã xây lầu Vọng Thị, để du khách có những tưởng tượng của riêng mình khi ngắm tượng nàng Tô Thị chờ chồng.

U tịch cõi Tam Thanh

Chùa Tam Thanh nổi tiếng đã đi vào thi ca ở xứ Lạng. Nét độc đáo của ngôi chùa này là hoàn toàn được thờ tự ở trong động Tam Thanh, nằm trong khu vực núi Nhị Thanh, cách trung tâm TP.Lạng Sơn chưa đến 1km

Theo tài liệu của Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Lạng Sơn, hiện nay, trong chùa Tam Thanh còn có một hệ thống bia khá phong phú có giá trị về mặt sử liệu và văn hóa nghệ thuật do các văn thân, thi sĩ qua các thời kỳ lịch sử lưu lại. Tấm bia có niên đại cổ nhất ở di tích là tấm bia được Bình Sứ Bắc Quân Đô Phủ, Đô Đốc Thiên Sự Vũ Quận Công Vi Đức Thắng khắc vào thời Lê - Vĩnh Trị thứ 2 (năm 1677) bia có tên là: "Trùng tu Thanh Thiền Động" nội dung bia ghi lại việc hưng công trùng tu di tích này của ông. Tại di tích hiện còn có tấm bia chữ Nôm do tuần phủ Thái Bình là Đào Trọng Vận viết năm 1924, bia có nội dung ca ngợi cảnh đep của di tích và được phiên âm: "Chùa Tam Thanh là một ngôi chùa đặc biệt, được bố trí trong hang đá, không có kiểu kiến trúc giống như những ngôi chùa khác. Qua cách sắp xếp bài trí tượng có thể thấy hệ thống thờ tự được sắp xếp theo kiểu "tiền Phật hậu Thánh". Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ bức phù điêu Adiđà có niên đại vào thế kỷ XVII được tạc theo thế đứng vào vách đá trong hình một lá bồ đề là một nét độc đáo của di tích".

Đi sâu vào trong động, ở khu trung tâm có hồ Âm Ty, nước không bao giờ vơi cạn, trên các trần hang có nhiều nhũ đá thiên tạo từ ngàn xưa với những hình tượng sinh động kỳ bí: Cây ngô đồng, Tiên Ông, sư tử, voi...

Phía ngoài cửa động Tam Thanh hiện nay còn có nhà sàn và mô hình cọn nước, cối giã gạo đặc trưng của người dân tộc Tày Lạng Sơn.

Trong thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, động Tam Thanh là nơi cất giữ kho tàng hậu cần của quân đội ta. Tại đây, vào ngày 17/5/1953, các chiến sĩ tự vệ của ta đã anh dũng chiến đấu bẻ gãy đợt tập kích của quân Pháp nhằm phá hủy căn cứ, nguồn tiếp tế hậu cần của ta...

Gặp chúng tôi đi vãn cảnh chùa, anh Bùi Hữu Trường (49 tuổi), người Từ Sơn (Bắc Ninh) làm nghề buôn bán đồ gỗ, cho biết: Năm nào, anh cũng cùng bạn bè cũng ngược xứ Lạng để lễ chùa Tam Thanh cầu sức khỏe bình an và buôn may bán đắt. "Nếu mình đi được vào đúng lễ hội chùa Tam Thanh rằm tháng Giêng âm lịch thì vui hơn vì bà con ở đây ăn hội to lắm. Đi chùa ở đây thấy nhẹ nhõm và cảm giác mình như được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin trong cuộc sống"- anh Trường chia sẻ.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem