Ám sát tướng Iran Qassem Suleimani, Mỹ đã sẵn sàng hứng chịu hậu quả?

Minh Nhật Chủ nhật, ngày 05/01/2020 07:00 AM (GMT+7)
Nếu việc Mỹ ám sát viên tướng số 1 Iran Qassem Suleimani không dẫn đến chiến tranh, thì sự leo thang căng thẳng giữa Washington và Tehran có thể dẫn đến một giai đoạn ám sát và khủng bố mới, theo The National.
Bình luận 0

img

Vị tướng số 1 Iran Qassem Suleimani bị Mỹ giết hại hôm 3/1 tại Iraq

Việc Mỹ tiêu diệt tư lệnh Iran ở Baghdad được cho là tương tự như việc Tehran giết người đứng đầu CIA trong lãnh thổ nước ngoài. Cuộc không kích giết chết tướng Suleimani của Mỹ hôm 3/1 hiện đang đe dọa sẽ làm gia tăng cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran ở Trung Đông.

Theo National, các nhà lãnh đạo ở Tehran chắc chắn sẽ thảo luận về phản ứng của họ, trong đó, bất kỳ hình thức đàm phán nào với Mỹ là không thể. Họ sẽ tìm cách trả thù và đòn thù là gì thì tùy thuộc vào mức độ họ sẵn sàng đáp trả trước cái chết của một nhân vật cấp cao như tướng Suleimani, vốn được xem là người đàn ông quyền lực thứ 2 ở Trung Đông.

Mỹ hiện có 5.000 quân đồn trú tại Iraq và tất cả họ đang có nguy cơ bị tấn công nghiêm trọng, đặc biệt là tại khu đại sứ quán ở Baghdad và căn cứ không quân Al Asad ở tỉnh Anbar.

Nếu việc Mỹ ám sát viên tướng số 1 Iran Qassem Suleimani không dẫn đến chiến tranh, thì sự leo thang căng thẳng giữa Washington và Tehran có thể dẫn đến một giai đoạn ám sát và khủng bố mới.  Mỹ đã ám sát tướng Iran trên lãnh thổ nước ngoài. Vì thế, Tehran bây giờ có lý do để làm điều tương tự. Cuộc không kích gây nguy hiểm cho người Mỹ không chỉ ở Iraq, mà còn ở Trung Đông.

Nó cũng đặt các đồng minh của Mỹ vào tầm ngắm. Israel gần như chắc chắn sẽ bị lôi kéo vào cuộc xung đột. 

Vai trò của Israel trong vụ ám sát tướng Suleimani vẫn chưa được làm rõ nhưng nước này đã thực hiện các vụ giết hại các nhà khoa học hạt nhân bên trong Iran và cơ quan gián điệp Mossad của Nhà nước Do Thái đã hợp tác chặt chẽ với CIA để ám sát những lãnh đạo thân Iran như thủ lĩnh Hezbollah Imad Mugniyeh, người bị ám sát trong một vụ đánh bom ở Damascus năm 2008.

Ả Rập Saudi, vốn đã hứng chịu sự tấn công của máy bay không người lái vào các cơ sở dầu mỏ Aramco năm ngoái, có thể hứng chịu những mối đe dọa gia tăng từ Yemen.

Phiến quân Houthi ở Yemen được Iran hậu thuẫn đã phóng nhiều tên lửa và triển khai máy bay không người lái tấn công các cơ sở hạ tầng và dân sự của Ả Rập Saudi. Vẫn chưa biết liệu Mỹ có hỏi ý kiến Ả Rập Saudi ​​trước cuộc không kích hay không.

Người dân Iraq cũng có thể là những người phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất từ ​​bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Mỹ và Iran.

Các câu hỏi sẽ được đặt ra ở Tehran như liệu có bất cứ sự hợp tác nào giữa Mỹ và các cơ quan an ninh của Iraq trong vụ ám sát tướng Suleimani hay không, nếu có, điều đó khả năng sẽ dẫn đến một cuộc tắm máu ở nước này. 

Theo National, mặc dù tướng Suleimani bị xem là mối nguy hiểm thường trực đối với lợi ích của phương Tây và Mỹ ở vùng Vịnh. Tuy nhiên, cái chết của ông cuối cùng có thể gây hại nhiều hơn lợi ích. Vì những hành động như vậy có thể đẩy các quốc gia vào chiến tranh, xung đột đẫm máu không hồi kết. Đó là lý do tại sao vụ ám sát tướng Iran là một canh bạc rất lớn của Tổng thống Trump.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem