Món cháo độc lạ từ cách nấu, đến nguyên liệu, cách ăn và hấp dẫn trong hương vị của ẩm thực ba miền

Duy Hoàng Thứ ba, ngày 19/12/2023 08:51 AM (GMT+7)
Trong nền ẩm thực Việt Nam có nhiều món ăn đặc trưng của vùng miền, chỉ có thể thưởng thức tại vùng quê ấy. Nhưng cũng có những món ăn hiện diện ở khắp mọi nơi – điển hình như món cháo. Tuy nhiên, món cháo ở mỗi một vùng miền lại có cách nấu tạo nên những nét độc đáo thú vị cho người thưởng thức.
Bình luận 0

Trong nền ẩm thực Việt Nam có nhiều món ăn đặc trưng của vùng miền, chỉ có thể thưởng thức tại vùng quê ấy. Nhưng cũng có những món ăn hiện diện ở khắp mọi nơi – điển hình như món cháo. Nói thì vậy nhưng không phải cháo ở nơi nào cũng giống nhau. Cũng là cháo nhưng mỗi nơi một cách nấu, cách kết hợp nguyên liệu tạo nên những nét độc đáo thú vị cho người thưởng thức.

Ẩm thực ba miền: Độc lạ món cháo ăn bằng đũa

Món cháo độc lạ từ cách nấu, đến nguyên liệu, cách ăn và hấp dẫn trong hương vị của ẩm thực ba miền - Ảnh 1.

Đặc sản cháo se Hạ Mỗ, Hà Nội. Món cháo độc đáo của miền Bắc. Ảnh: D.H

Đặc sản cháo se Hạ Mỗ (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội) là món cháo độc đáo của miền Bắc. Cháo se được làm từ hai nguyên liệu: gạo tẻ và xương lợn. Nguyên liệu đơn giản, có phần giống với món cháo khác nhưng để ra thành phẩm một nồi cháo se thì quá trình chế biến rất kỳ công.

Để làm ra được "con se", người nấu phải chọn những hạt gạo tẻ ngon, đem đi vo kỹ rồi ngâm nước lạnh khoảng 12 giờ. Sau thời gian ngâm, gạo mềm thì sẽ được đem đi xay thành bột nước. Sau đó bột nước xay được lọc qua khăn hoặc cho vào túi vải dày treo lên cao. Đến khi nước róc hết, chỉ còn lại lớp bột trắng, dẻo, mềm, là được khối bột để làm con se. Để nấu cháo se thì phải nấu nồi nước hầm xương rồi cho con se đã chế biến vào. Đây cũng chính là lúc các thực khách hiểu vì sao món này lại có tên đặc biệt như vậy. Hai tay người làm se đi se lại cục bột để bột chảy thành dòng xuống nồi nước hầm sôi ùng ục.

Ngoài "con se", phần nước dùng nấu cháo cũng là một yếu tố tạo nên hương vị thơm ngon của món này. Xương lợn để ninh có thể dùng bất kỳ phần xương nào, nhưng ngon nhất là xương đuôi. Xương được ninh kỹ trong khoảng hai đến ba giờ, cho ra vị ngọt thanh. Phần thịt cho vào nồi cháo se được lọc từ những phần xương để ninh, băm thật nhỏ rồi xào với hành khô và một chút gia vị. Món cháo se hợp khách ở chỗ, ăn nóng cũng ngon, mà khi để nguội, cháo dẻo và cách ăn cũng rất thú vị, đó là du khách có thể ăn bằng đũa.

Món cháo này ngoài cái tên, cách ăn lạ gây thu hút thì hương vị cũng là yếu tố then chốt quyết định, với hương vị đậm đà, thơm mùi xương, con se thì dẻo, mềm rất độc đáo.

Ẩm thực ba miền: Lạ miệng với cháo củ nén miền Trung

Món cháo độc lạ từ cách nấu, đến nguyên liệu, cách ăn và hấp dẫn trong hương vị của ẩm thực ba miền - Ảnh 2.

Món cháo củ nén có mùi thơm đặc trưng từ củ nén ngọt ngọt, hơi cay nhẹ kết hợp với vị ngọt từ thịt bằm, hòa quyện cùng với vị tiêu, ớt cay nồng, sẽ giúp thực khách ấm bụng hơn vào những ngày mưa lạnh. Ảnh: D.H

Củ nén hay còn được biết đến với tên gọi là hành tăm, là gia vị phổ biến tại miền Trung đầy nắng và gió. Loại củ này có họ với củ hành, tỏi, chính vì vậy, bề ngoài của củ nén rất giống như củ hành thu nhỏ. Tuy nhiên, mùi vị của củ nén thanh và cay hơn củ hành thông thường rất nhiều, lá của loại củ này tương đối giống hành lá, nhưng nó nhỏ, mùi thơm hơn. Đặc biệt, hành tăm dễ trồng nhưng rất khó trong việc bảo quản. Muốn giữ củ nén tươi lâu thì phải cho vào chậu đất, để ở nơi thoáng mát thay vì gác lên cao.

Củ nén phù hợp với vùng đất cát, do đó, nó thường được trồng nhiều ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt là từ Quảng Trị tới Quảng Nam. Hành tăm không chỉ mang giá trị ẩm thực mà bản thân nó còn chứa rất nhiều giá trị dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Ngoài việc làm gia vị để tôn lên hương vị của các món ăn, củ nén còn là nguyên liệu chính cho món cháo củ nén. Món cháo củ nén có mùi thơm đặc trưng từ củ nén ngọt ngọt, hơi cay nhẹ kết hợp với vị ngọt từ thịt bằm, hòa quyện cùng với vị tiêu, ớt cay nồng sẽ giúp thực khách ấm bụng hơn vào những ngày mưa lạnh.

Ẩm thực ba miền: Độc đáo lẩu cháo miền Tây

Món cháo độc lạ từ cách nấu, đến nguyên liệu, cách ăn và hấp dẫn trong hương vị của ẩm thực ba miền - Ảnh 3.

Lẩu cháo cá lóc rau đắng có vị ngọt thanh, bùi béo của cháo, thêm vị đậm đà của nước xương hầm và vị tươi mát của rau, món lẩu cháo ngon không hề kém cạnh các món lẩu xương hầm thông thường khác. Ảnh: D.H

Về miền Tây có lẽ hấp dẫn du khách nhất là những món ăn mang hương vị đồng nội nơi đây. Trong đó có món lẩu cháo. Lẩu cháo là sự kết hợp thú vị giữa cháo ăn hằng ngày và các loại rau chuyên nhúng lẩu như kim châm, cải xanh,... một món ăn có cách làm đơn giản nhưng lại mang hương vị rất riêng và được người dân nơi đây ưa chuộng chính là lẩu cháo cá lóc rau đắng.

Thịt cá lóc ngọt mềm nấu nhuyễn cùng cháo, kết hợp cùng rau đắng tạo nên tổng thể món lẩu vô cùng hấp dẫn, kích thích vị giác người ăn. Nếu được thưởng thức một nồi cháo miền Tây nóng hổi giữa ngày mưa thì quả là không gì thú vị bằng. Vì hương vị thơm ngon nên ngày nay món cháo cá lóc rau đắng không chỉ là "món ăn tủ" của người dân miền sông nước mà còn là món ăn hấp dẫn, thu hút nhiều thực khách gần xa. Vị ngọt thanh, bùi béo của cháo, thêm vị đậm đà của nước xương hầm và vị tươi mát của rau, món lẩu cháo ngon không hề kém cạnh các món lẩu xương hầm thông thường khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem