An Giang: Trạm thu phí gây "rào cản" phát triển du lịch bền vững

Hồng Cẩm Thứ ba, ngày 21/02/2023 06:12 AM (GMT+7)
Đầu tư phát triển du lịch phải hướng đến sự phát triển của cộng đồng dân cư và bảo đảm quyền lợi các hộ dân trong hệ sinh thái dịch vụ tại các khu, điểm du lịch là mô hình phát triển du lịch bền vững mà tỉnh An Giang đang hướng đến. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển mô hình này vẫn còn một số bất cập…
Bình luận 0

Trạm thu phí gây khó khăn cho người dân và du khách!

Tỉnh An Giang xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó du lịch tâm linh là trụ cột chính trong bốn trụ cột du lịch của tỉnh An Giang. Hai khu du lịch tâm linh nổi tiếng của tỉnh này là Khu du lịch Núi Cấm (huyện Tịnh Biên) và Khu du lịch quốc gia Núi Sam (TP.Châu Đốc), mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách tham quan, hành hương.

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch các tỉnh, thành ĐBSCL phục hồi phát triển vượt bậc, trong đó tỉnh An Giang là tỉnh có lượng khách tham quan nhiều nhất khu vực trong dịp Tết Nguyên đán 2023 vừa qua.

An Giang hướng đến phát triển du lịch bền vững - Ảnh 1.

Trong đợt Tết Nguyên đán 2023 vừa qua, tỉnh An Giang là tỉnh có lượng khách du lịch đến tham quan, hành hương nhiều nhất khu vực ĐBSCL. Ảnh: Hồng Cẩm

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, trong 7 ngày Tết nguyên đán 28 Tết – mùng 4 Tết (ngày 19 – 25/1/2023), lượng khách tham quan tại các khu du lịch, điểm du lịch, điểm tham quan trên địa bàn tỉnh An Giang ước đạt 500.000 lượt. Một số điểm tham quan có lượng khách tăng cao hơn so cùng kỳ là Khu du lịch Núi Sam, với 105.000 lượt (tăng 8.000 lượt), Khu du lịch Núi Cấm, với 87.000 lượt (tăng 16.000 lượt)…

Tuy nhiên, quá trình đầu tư, quản lý và phát triển du lịch của tỉnh An Giang thời gian qua đã nảy sinh một số bất cập. Đặc biệt là việc tổ chức thu phí, vị trí đặt trạm thu phí tham quan tại hai khu du lịch trọng điểm Núi Cấm và Núi Sam bị du khách và người dân tại địa phương phản ứng vì còn bất cập, bất hợp lý.

Theo phản ánh của du khách khi đến viếng miếu Bà chúa xứ Núi Sam (tại phường Núi Sam, TP.Châu Đốc) đều phải mua vé tham quan với giá 20.000 đồng/lượt, dù họ chỉ đến thắp nhang, cúng bái tại Miếu Bà chứ không đi tham quan tại các điểm du lịch trong khu vực.

An Giang hướng đến phát triển du lịch bền vững - Ảnh 2.

Thay vì xe ô tô chở khách đi viếng Bà Chúa xứ đi thẳng vào Tân Lộ Kiều Lương thì có một nhân viên hướng dẫn xe rẽ trái vào khu vực trạm thu phí để mua vé. Ảnh: Hồng Cẩm

Anh Nguyễn Thành Trung (du khách TP.Cần Thơ) cho biết, xe anh đưa người nhà đi thắp nhang, cúng bái tại miếu Bà Chúa xứ, chứ không đi tham quan du lịch nhưng đến Tân Lộ Kiều Lương thay vì đi thẳng vào khu vực miếu Bà thì gần cổng chào Khu du lịch Núi Sam, có một nhân viên áo trắng yêu cầu tất cả ô tô phải rẽ trái vào một Trung tâm thương mại bỏ hoang đang được trưng dụng làm bãi giữ ô tô và mua vé tham quan Khu du lịch quốc gia Núi Sam.

Theo anh Trung, mặc dù tuyến đường Châu Thị Tế đi ngang qua cổng miếu Bà Chúa xứ Núi Sam hiện nay đã cho phép tất cả phương tiện lưu thông một chiều, nhưng nhân viên luôn hướng dẫn tất cả ô tô phải vào trạm thu phí mua vé mới được đi tiếp vào đường Châu Thị Tế. Nếu không mua vé, nhân viên trên yêu cầu ô tô rẽ phải ra đường tuần tra biên giới mới được đi vào hướng huyện Tịnh Biên.

Được biết đơn vị thu phí trạm thu phí trên thuộc Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Sam. Đơn vị này bố trí ba trạm thu phí tại ba tuyến đường vào khu du lịch quốc gia Núi Sam, nơi có Miếu bà Chúa xứ Núi Sam tọa lạc dưới chân núi.

An Giang hướng đến phát triển du lịch bền vững - Ảnh 3.

Trạm thu phí tại Khu du lịch Núi Cấm "đóng khung" hàng trăm hộ dân đang sinh sống dưới chân núi, ảnh hưởng sinh kế rất lớn. Ảnh: Hồng Cẩm

Thêm trạm thu phí bất cập khác là trạm thu phí tham quan của Khu du lịch Núi Cấm (tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên). Trạm thu phí này khiến hàng trăm hộ dân có nhà đang sinh sống, làm ăn dưới chân Núi Cấm bị "đóng khung" gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sinh kế.

Chị Lê Thị Tuyết Lan (hộ mua bán đặc sản Núi Cấm, dưới chân Núi Cấm) cho biết: "Gia đình chị sinh sống ở chân núi này gần 40 năm. Cuộc sống gia đình chị xưa nay sống nhờ vào mua bán đặc sản Núi Cấm cho khách du lịch mua về làm quà, như: Măng tre, quýt hồng, bơ, susu…

"Trạm thu phí của Khu du lịch Núi Cấm đặt ngay đầu đường dẫn vào chân núi, bao cụm dân cư chúng tôi đang sống nên xe khách muốn vô mua hàng nông sản của nông dân chúng tôi phải mua vé 20.000đồng/người/lượt nên khách rất e ngại. Thậm chí khi các gia đình ở đây có đám tiệc, cưới hỏi, bà con họ hàng từ nơi khác tới dự cũng bị yêu cầu mua vé tham quan mới cho vào" – chị Lan nói.

Hướng đến phát triển du lịch bền vững vì cộng đồng

Để hướng đến phát triển du lịch bền vững, trước những bức xúc của người dân, khách du lịch và phản ánh của báo chí, thời gian qua, UBND tỉnh An Giang đã có các cuộc họp tháo gỡ vướng mắc, bất cập tại các khu du lịch nói trên.

Mới đây nhất ngày 17/1, UBND tỉnh An Giang có văn bản gửi các sở, ngành có liên quan về việc xây dựng Đề án quản lý và sử dụng phí từ nguồn thu phí tham quan Khu du lịch quốc gia Núi Sam.

Cụ thể UBND tỉnh An Giang giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, trên cơ sở nội dung Đề án do Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Sam xây dựng và nội dung hướng dẫn thực hiện quy trình xây dựng, ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh, khẩn trương tham mưu UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất về đề án trên.

An Giang hướng đến phát triển du lịch bền vững - Ảnh 4.

Khách du lịch chen chân tham quan, hành hương tại các khu điểm du lịch tại An Giang, dịp Tến Nguyên đán 2023. Ảnh: HC

Theo dự thảo Đề án thu phí và bố trí di dời trạm thu phí của Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Sam, trong 3 vị trí đặt trạm thu phí tham quan hiện nay thì có 2 trạm sẽ di dời đến vị trí mới. Trong đó, trạm thu phí cuối Tân Lộ Kiều Lương rẽ vào trung tâm thương mại hiện nay dự kiến sẽ di dời ngược về cổng chào mới Khu du lịch quốc gia Núi Sam đang xây dựng trên Tân lộ Kiều Lương (trước cổng chùa Huỳnh Đạo).

"Khi lùi sâu vị trí đặt trạm thu phí về Tân Lộ Kiều Lương như thế sẽ "tránh" mang tiếng là thu phí tham quan miếu Bà chúa xứ Núi Sam như hiện nay, mà tất cả người, xe vào Khu du lịch quốc gia Núi Sam đều phải trả phí tham quan. Vị trí đặt trạm thu phí mới đó cũng sẽ tạo ra "hành lang" bao quanh Khu du lịch quốc gia Núi Sam" - một lãnh đạo Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Sam giải thích.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, những bất cập về trạm thu phí tại Khu du lịch quốc gia Núi Sam và Khu du lịch Núi Cấm đã được người dân địa phương và du khách phản ánh thời gian qua.

"Chỗ nào còn bất cập, chưa phù hợp thực tế thì sẽ điều chỉnh. Cam kết của UBND tỉnh An Giang là tôn trọng quyền và lợi ích của nhân dân, các hộ kinh doanh hợp pháp trong khu du lịch; phục vụ tốt nhất cho khách hành hương, khách du lịch" – ông Trần Anh thư khẳng định.

An Giang hướng đến phát triển du lịch bền vững - Ảnh 5.

Mục tiêu phát triển du lịch của An Giang là phải xem hộ kinh doanh cá thể là một thành phần kinh tế, phải được bảo vệ, bảo đảm quyền kinh doanh bình đẳng, công bằng và tạo nên hệ sinh thái dịch vụ trong khu du lịch. Ảnh: HC

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng cho biết, mục tiêu phát triển du lịch là phải xem hộ kinh doanh cá thể là một thành phần kinh tế, phải được bảo vệ, bảo đảm quyền kinh doanh bình đẳng, công bằng và tạo nên hệ sinh thái dịch vụ trong khu du lịch.

Quan điểm của UBND tỉnh An Giang là việc đầu tư phát triển du lịch phải hướng đến sự phát triển của cộng đồng dân cư và bảo đảm quyền lợi các hộ dân trong hệ sinh thái dịch vụ tại các khu, điểm du lịch. Đó là mô hình phát triển du lịch bền vững được khuyến khích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem