Ảnh: Quằn quại nỗi đau chất độc da cam

Ngọc Vũ Thứ tư, ngày 10/08/2016 09:06 AM (GMT+7)
Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả để lại vẫn còn hiện hữu dưới mỗi nếp nhà. Chất độc da cam/dioxin là nỗi ám ảnh, nỗi đau không gì tả xiết với con người Quảng Trị nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung và nạn nhân chất độc da cam cần sự sẻ chia, giúp đỡ từ xã hội để vơi bớt nỗi đau tột cùng.
Bình luận 0

Ở Quảng Trị có những ngôi nhà có đến 6 người bị nhiễm chất độc da cam; có những ngôi làng như Phương An (xã Cam Nghĩa, Cam Lộ), Tân Hòa, Tân Hiệp (xã Cam Tuyền, Cam Lộ)… với hàng chục gia đình có nạn nhân của chất độc này.

Ông Lê Văn Dăng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Trị cho biết, toàn tỉnh có 8.208 hộ có người nhiễm chất độc da cam/dioxin, với 15.845 nạn nhân, trong đó hộ có 2 nạn nhân trở lên là 4.965 hộ.

Trong 15.485 nạn nhân, chỉ chưa tới 3.000 người tham gia kháng chiến hưởng được chế độ chất độc da cam, số còn lại mới chỉ được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng rất ít ỏi như những người khuyết tật, bệnh tật khác, không đảm bảo cuộc sống tối thiểu, do vậy cuộc sống gặp vô vàn khó khăn, họ cần sự chung tay, góp sức giúp đỡ từ xã hội.

img

Từ lúc mới sinh ra, hai đứa con Nguyễn Văn Trường (28 tuổi - ngồi) và Nguyễn Văn Lanh (32 tuổi - nằm) của vợ chồng ông bà Lê Thị Mít (66 tuổi) - Nguyễn Văn Lộc (70 tuổi, trú thôn Phương An, xã Cam Nghĩa) đã bị dị tật, chân tay co quắp, không nói, không đi được, thiểu năng trí tuệ. Mọi việc sinh hoạt, ăn uống của hai con ông bà phải phục vụ. Thậm chí, ông bà còn bị con mình đánh mỗi khi chúng lên cơn điên dại. Đứa con trai đầu của vợ chồng bà Mít cũng đã qua đời khi mới tròn 4 tuổi.

img

Ông bà Trần Văn Trâm (65 tuổi) - Trần Thị Dần (64 tuổi, trú thôn Tân Hòa, Cam Tuyền) sinh được 7 người con thì 4 người (ảnh) là Thun, Hoàng, Lũy, Lãm bị dị tật không nói, không đi được, chỉ bò, suốt ngày la hét. Mong muốn cả cuộc đời của vợ chồng ông Trâm là được nhìn thấy các con bước đi bằng hai chân như những người bình thường.

img

Trần Thị Lũy (31 tuổi) - con gái ông Trâm cũng giống 3 người anh, em của mình, chỉ bò bằng tứ chi chứ không thể đứng dậy.

img

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Bồng và bà Trần Thị Gái (trú thôn Tân Hiệp, xã Cam Tuyền) sinh được 8 người con thì 6 người bị dị tật. Trong đó, Nguyễn Thị Tài (30 tuổi) và Nguyễn Thị Tuyết (23 tuổi, trong ảnh) bị nặng nhất, bại não, nằm liệt giường quằn quại, la hét suốt ngày đêm. Dù đã chạy chữa khắp nơi, kiệt quệ gia tài nhưng Tài và Tuyết vẫn không thể phục hồi.

img

Trần Thị Phương Thảo (SN 1993) bị mẹ đẻ bỏ rơi tại bệnh viện vì bị dị tật. Thương bé, bà Trần Thị Cúc (56 tuổi, trú khóm 3, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) đã đem Thảo về nuôi và chăm sóc mọi sinh hoạt, ăn uống vì Thảo bị dị tật nặng, chỉ nằm liệt giường. Nhiều lần có người đến dạm hỏi nhưng bà Cúc quyết ở góa để chăm Thảo được tốt hơn.

img

img

Nhiều năm qua, có nhiều cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm trên khắp thế giới đã đến với Quảng Trị để giúp đỡ những người tật nguyền về tinh thần và vật chất. Trong ảnh là sinh viên Hàn Quốc thuộc tổ chức Medipeace, cứ vào dịp hè lại sang Việt Nam để chăm sóc, điều trị, hỗ trợ cho trẻ em khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam ở Quảng Trị.

img

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thăm, tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem