Áp thuế môi trường “kịch khung” không làm tăng giá xăng dầu?

Bạch Dương Thứ năm, ngày 31/03/2016 15:11 PM (GMT+7)
Thuế môi trường với xăng tăng lên là để bù đắp cho phần giảm thuế xăng dầu khi Việt Nam cam kết hội nhập. Cơ quan chức năng và doanh nghiệp cho rằng, nó sẽ không làm tăng giá xăng dầu lên.
Bình luận 0

img

"Tăng cái nọ để bù cái kia"

Sau khi thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng từ 1.000 lên 3.000 đồng/lít vào năm ngoái, trên báo chí lại rộ thông tin Bộ Tài chính đang tham mưu cho Chính phủ đề xuất tiếp tục tăng thuế môi trường đối với mặt hàng này. Mức tăng dự kiến sẽ “kịch khung”. Hiện tại, mức thuế suất thuế bảo vệ môi trường được quy định tối đa trong luật là 4.000 đồng/lít với xăng. Thẩm quyền do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sau khi xem xét đề xuất của Chính phủ. 

Trao đổi với Dân Việt chiều nay (31.3), Ông Trần Minh Hà, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) cho biết, tăng thuế môi trường với xăng dầu không do Bộ Tài chính quyết định mà do Ủy ban thường vụ quyết. Nếu thuế môi trường với mặt hàng xăng tăng lên 4.000 đồng/lít, quan điểm của tôi chỉ có  mục đích bù cho thuế nhập khẩu với mặt hàng này giảm đi theo các cam kết hội nhập, tính ra với doanh nghiệp là “hòa”. Giá bán lẻ xăng dầu sẽ không bị ảnh hưởng, trừ phi có biến động đột biến của thị trường.

Theo ông Hà, thuế với xăng hiện vẫn quy định là 20%, dầu 7% trong khi thuế theo cam kết trong ASEAN là 0%, Hàn Quốc là 10% (áp dụng từ 1.1.2016). Chiều ngày 21.3, Bộ Công Thương đã công bố áp dụng thuế nhập khẩu bình quân gia quyền theo sản lượng nhập khẩu xăng của Việt Nam là 18,08% là do tính thuế trung bình của 3 tháng cuối năm 2015, lúc đó thuế nhập khẩu vẫn còn cao. Tuy nhiên, thời gian tới, mức thuế bình quân gia quyền được tính ở 3 tháng đầu năm nay thì thuế áp dụng tính giá cơ sở sẽ phải giảm nữa do từ năm nay, thuế xăng dầu thực hiện theo cam kết hội nhập và đã ở mức thấp nêu trên.

“Thuế này giảm thì thuế khác phải được tính toán tăng để bù đắp cho ngân sách là bình thường, doanh nghiệp phải chấp hành. Chúng tôi hy vọng thuế bảo vệ môi trường này nếu áp dụng không tác động làm tăng giá bán lẻ”-một doanh nghiệp xăng dầu khác cho biết.

Tăng thuế nữa là "vô lý"

Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu hiện nay đang được quy định tại biểu thuế của luật Thuế bảo vệ môi trường do Quốc hội ban hành. Đây là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Mức khung quy định theo luật đối với xăng (trừ etanol) từ 1.000 - 4.000 đồng/lít, dầu diezel từ 500 - 2.000 đồng/lít, dầu hỏa và mazut từ 300 - 2.000 đồng/lít.

Nếu tăng thuế, mức thuế này đối với xăng sẽ tăng lên 4.000 đồng/lít thay vì 3.000 đồng/lít như hiện nay và thuế đối với dầu diesel cũng tăng từ 1.500 đồng lên 2.000 đồng/lít...

Ở góc độ chuyên gia, chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng nhận định, cơ cấu thuế phí trong một lít xăng hiện đã tăng quá mạnh so với cùng kỳ, chiếm tỷ lệ gần 55% giá bán lẻ hiện tại. Con số này cao hơn nhiều mức 43% của cùng kỳ năm ngoái. Trong số thuế phí nêu trên bao gồm, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, chi phí định mức của doanh nghiệp, lợi nhuận định mức, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng. Với xu thế giảm giá nói chung từ giữa năm 2015, tổng số tiền thuế phí mà người tiêu dùng phải nộp khi mua nhiều loại xăng dầu hiện đã cao hơn giá trị nhập khẩu của bản thân hàng hóa là điều hết sức vô lý. Tăng tiếp thuế bảo vệ môi trường kiểu gì cũng đánh vào giá bán cho người tiêu dùng, doanh nghiệp không phải chịu.

Còn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, năm ngoái các cơ quan chức năng cũng khẳng định thuế bảo vệ môi trường không làm tăng giá xăng nhưng thực tế ngược lại, giá xăng dầu bán trong nước đã vọt tăng sau khi thuế môi trường có hiệu lực. Do vậy, khó có thể khẳng định, giá xăng dầu tới đây không tăng nếu tăng thuế bảo vệ môi trường lên.

Cho đến nay, Bộ Tài Chính vẫn khẳng định, thuế phí trong cơ cấu một lít xăng của Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn so với một số nước, kéo theo giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng vị trí thấp (27 trên tổng số 180 quốc gia, thấp hơn cả 3 nước có chung đường biên giới). Theo đó, giá một lít xăng của Việt Nam chỉ bằng 82,3% giá xăng của Campuchia, bằng 73,9% giá xăng Thái Lan, bằng 71,4% giá xăng Trung Quốc và chỉ bằng 55,6% giá xăng của Lào.

Hôm 21.3, giá xăng dầu bán lẻ trong nước tăng 670 đồng/lít, giá dầu diesel cũng tăng thêm 290 đồng/lít. Riêng giá dầu hoả và madut vẫn được giữ nguyên với các mức giá lần lượt là 8.900 đồng/lít và 7.220 đồng/kg. Quỹ bình ổn được bù cho giá xăng lên tới 1.047 đồng/lít. Dầu diesel sử dụng quỹ 983 đồng/lít, dầu hoả được bù 909 đồng/kg và dầu madut được bù 231 đồng/kg.

Trước đó, vào ngày 1.5.2015, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ chính thức tăng mức thuế suất đối với một loạt các mặt hàng. Cụ thể, mức thuế suất bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, nhiên liệu bay điều chỉnh tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít; mặt hàng dầu diezel tăng từ 500 đồng/lít lên 1.500 đồng/lít; mặt hàng dầu mazut tăng từ 300 đồng/lít lên 900 đồng/lít; mặt hàng dầu hoả giữ nguyên mức thuế là 300 đồng/lít. Theo tính toán của Bộ Tài chính lúc đó, ngân sách nhà nước sẽ tăng thu 10.831 tỉ đồng từ việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem