Bà Rịa – Vũng Tàu: Trồng 20ha lúa, cặm cụi làm tưởng có tiền tiêu Tết ngờ đâu lỗ 100 triệu

Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phước) Chủ nhật, ngày 09/01/2022 13:59 PM (GMT+7)
Vụ lúa mùa năm 2021, giá phân bón tăng gấp đôi, giá lúa giảm, thời tiết không thuận lợi, lúa bị sâu bệnh nhiều, nông dân trồng lúa xã Long Phước, TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không có lãi, thậm chí có hộ thuê ruộng còn bị lỗ 100 triệu đồng.
Bình luận 0

3 tháng trồng lúa lỗ 100 triệu đồng

Xã Long Phước, TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có tổng diện tích trồng lúa vụ mùa là 300ha.

 Ông Lê Văn Danh là 1 trong những nông dân có diện tích trồng lúa nhiều ở xã Long Phước. Ông Danh cho biết, với diện tích 6ha ông thường trồng giống lúa 50404. Giống lúa này có đặc điểm gạo khô, nở, giá thu mua thấp hơn các giống lúa thơm khoảng 18 đến 20% nhưng đạt năng suất cao, dễ chăm sóc, kháng được nhiều bệnh. 

Vụ mùa năm 2020, bình quân mỗi ha lúa cho sản lượng 7 tấn/ha, với giá lúa ở mức 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông còn lãi gần 20 triệu đồng cho mỗi ha.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Trồng 20ha lúa, cặm cụi làm tưởng có tiền tiêu Tết ngờ đâu lỗ 100 triệu - Ảnh 1.

Năng suất lúa giảm, giá lúa xuống thấp, trong khi đó giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng gấp đôi nên người trồng lúa ở xã Long Phước, TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không có lãi, thậm chí nhiều hộ thuê ruộng còn bị lỗ. Ảnh: Nguyễn Văn Minh.

Tuy nhiên, vụ mùa năm 2021, do thời tiết không thuận lợi, sâu đục thân phá hoại nhiều nên năng suất giảm sâu, ông chỉ thu hoạch được 5 tấn/ha, giá lúa giảm ở mức 4.200đ/kg.

Bên cạnh đó, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng gấp đôi so với vụ mùa năm 2020. Cùng với dịch vụ làm đất, thu hoạch lúa cũng tăng theo giá xăng dầu làm cho chi phí đầu tư tăng lên. 

Suốt 3 tháng trồng vụ lúa mùa, tốn nhiều công sức chăm bẵm, tưới tiêu ông chỉ có lợi nhuận hơn 1 triệu đồng/ha. Tính kỹ ra ông chỉ thu về 11 nghìn đồng mỗi ngày trên một ha lúa. Nếu tính công lao động của ông thì coi như lỗ.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Trồng 20ha lúa, cặm cụi làm tưởng có tiền tiêu Tết ngờ đâu lỗ 100 triệu - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Hồng là thương lái thu mua đa số lúa của nông dân xã Long Phước cho biết: Với giá thu mua lúa thơm là 5.200 đồng và lúa 50404 là 4.200 đồng như hiện nay thì nông dân chắc chắn bị lỗ. Ảnh: Nguyễn Văn Minh.

Ông Trần Văn Suốt có 2ha ruộng lúa ở xã Long Phước. Khác với ông Danh, ông Suốt chuyên trồng giống lúa thơm, tuy năng suất thấp nhưng giá cao, dễ tiêu thụ. Vụ mùa năm 2021, do giá phân bón tăng cao nên ông đã phải đầu tư đầu tư 20 triệu đồng cho 1ha lúa thay vì 15 triệu so với năm 2020.

Bên cạnh đó, do thời tiết xấu, dịch bệnh phát sinh năng suất lúa giảm chỉ còn 4 tấn/ha (giảm 1,6 tấn/ha so với vụ mùa năm 2020). Giá lúa thương lái thu mua chỉ còn 5.200 đồng/kg (giảm 1.600 đồng/kg so với vụ mùa 2020). Tính ra sản xuất 1ha lúa sau khi trừ chi phí ông Suốt bị lỗ hơn 1 triệu đồng.

Đấy là những nông dân sản xuất lúa trên ruộng của gia đình, còn ruộng thuê thì chắc chắn là thua lỗ.

Ông Nguyễn Văn Bang là nông dân thuê 20ha đất ruộng sản xuất lúa. Vụ mùa này, gia đình ông Nguyễn Văn Bang bị lỗ 100 triệu đồng tiền thuê mướn 20ha ruộng.

Ông Bang cho biết: "Ngoài chi phí đầu tư cho sản xuất lúa như phân bón, thuốc trừ sâu, chi phí làm đất, thu hoạch lúa và dịch vụ khác, người thuê ruộng còn phải chi thêm tiền thuê ruộng mỗi vụ 5 triệu đồng cho 1ha.

Nếu giá cả vật tư và các dịch vụ khác bình thường thì mỗi ha sau khi trừ chi phí sản xuất, người thuê ruộng còn lợi nhận khoản 14 triệu đồng/vụ/ha.

Vụ mùa năm 2021 thì nông dân thuê ruộng phải lỗ 5 triệu đồng tiền thuê mướn 1ha ruộng".

Ông Bang cho biết thêm: Phân bón chiếm tỷ lệ trên 50% chi phí sản xuất lúa, so với vụ mùa năm 2020 thì giá phân tăng gấp đôi. Mỗi bao phân NPK năm 2020 có giá hơn 500.000 đồng thì vụ mùa năm 2021 có giá hơn 1 triệu đồng. Các loại phân khác cũng tăng như thế. Giá phân tăng cao kéo theo chi phí sản xuất cao, giá lúa giảm, năng suất giảm, nông dân phải chịu lỗ.

Sớm bình ổn giá phân bón, xây dựng kho dự trữ lúa

Bà Nguyễn Thị Hồng là thương lái thu mua đa số lúa của nông dân xã Long Phước cho biết: Với giá thu mua lúa thơm là 5.200 đồng và lúa 50404 là 4.200 đồng như hiện nay thì nông dân chắc chắn bị lỗ nhưng do giá cả tại các tỉnh lân cận đều giảm nên bà không làm khác được.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Trồng 20ha lúa, cặm cụi làm tưởng có tiền tiêu Tết ngờ đâu lỗ 100 triệu - Ảnh 3.

Suốt 3 tháng trồng vụ lúa mùa, tốn nhiều công sức chăm bẵm, tưới tiêu ông Lê Văn Danh chỉ có lợi nhuận hơn 1 triệu đồng/ha. Tính kỹ ra ông chỉ thu về 11 nghìn đồng mỗi ngày trên một ha lúa. Nếu tính công lao động của ông thì coi như lỗ.

Bà Hồng nói thêm: do thời điểm này các tỉnh miền Tây cũng đang thu hoạch lúa mùa. Các doanh nghiệp đã hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu năm 2021 nên việc thu mua lúa có phần chậm lại làm cho lượng lúa bị tồn kéo theo giá lúa giảm.

Bà Nguyễn Thị Hồng dự đoán: "Nếu có kho chứa để nông dân trữ lại sau Tết Nguyên đán 2022 thì giá lúa có thể sẽ tăng thêm".

Để nông dân sản xuất lúa hạn chế tối đa thua lỗ do vật tư nông nghiệp tăng cao và giá lúa giảm, đề nghị cơ quan chức năng cần có giải pháp bình ổn giá phân bón và các vật tư khác phục vụ cho sản xuất lúa.

Hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư xây dựng kho dự trữ lúa, tránh bán tháo khi giá lúa đang ở mức thấp. Tăng cường xuất khẩu lúa gạo, chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang đất phi nông nghiệp để nâng cao giá trị đất và giảm sản lượng lúa.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Trồng 20ha lúa, cặm cụi làm tưởng có tiền tiêu Tết ngờ đâu lỗ 100 triệu - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Bang là nông dân thuê 20ha đất ruộng sản xuất lúa. Vụ mùa này, gia đình ông Nguyễn Văn Bang bị lỗ 100 triệu đồng tiền thuê mướn 20ha ruộng.

Bên cạnh đó, nông dân sản xuất lúa cũng cần thay đổi phương pháp sản xuất là giảm lượng phân hóa học. Thay vào đó là tăng cường sử dụng phân hữu cơ, tận dụng phụ phẩm trong chăn nuôi để bón cho lúa nhằm giảm chi phí.

Chuyển đổi từ sản xuất 3 vụ lúa trong năm sang sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ màu để tăng độ phì nhiêu cho đất. Trồng hoa trên bờ để dẫn dụ sâu rầy. Áp dụng phương pháp gieo sạ thẳng hàng, thưa để tránh sâu bệnh, tăng năng suất lúa.

Nông dân trồng lúa cần thực hiện đúng theo khuyến cáo và hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Sử dụng giống lúa có năng suất và chất lượng gạo cao, liên kết sản xuất thành vùng để có sản phẩm đủ cung cấp cho doanh nghiệp, hợp tác mua vật tư nông nghiệp với số lượng nhiều, giá thấp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem