Bà Rịa - Vũng Tàu: Từ những ngôi trường cấp 4 đến những dấu ấn phát triển vượt bậc sau 30 năm

Nha Mẫn Thứ hai, ngày 06/12/2021 11:18 AM (GMT+7)
Suốt 30 năm qua, ngành giáo dục Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Từ những ngôi trường mái tranh vách đất lụp xụp, đến nay trường lớp đã khang trang, học sinh đã vươn mình ra những đấu trường quốc tế và giành được nhiều giải thưởng lớn.
Bình luận 0

Dấu ấn 30 năm

Năm 1991, khi thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hệ thống trường lớp trên địa bàn tỉnh rất thiếu thốn, chủ yếu là sử dụng các cơ sở cũ được tiếp nhận sau giải phóng, đa số là nhà cấp 4, nhà tạm... 

Thời điểm này đa số các trường phải tổ chức học ca ba, học sinh phải đi học xa, học ghép. Đặc biệt, các vùng sâu, vùng xa không có trường lớp nên không đáp ứng được nhu cầu học tập của các em học sinh.

Bà Rịa - Vũng Tàu: 30 năm, từ những ngôi trường cấp 4 đến những dấu ấn phát triển vượt bậc - Ảnh 1.

Những năm đầu thành lập, học sinh tại Bà Rịa - Vũng Tàu phải học tập trong những căn phòng nhà tranh vách nứa. Ảnh tư liệu

Trong bối cảnh đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ưu tiên đầu tư cho sự nghiệp giáo dục với tinh thần coi giáo dục là quốc sách. Mỗi năm, tỉnh đã chi trên 20% tổng chi ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục và huy động các tổ chức, cá nhân khác đầu tư theo chủ trương xã hội hóa. 

Đến năm 2005, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bước đầu hoàn thiện việc kiên cố hóa hệ thống trường lớp, xóa bỏ hoàn toàn lớp học ca ba, phòng học tạm, phòng học sử dụng các vật liệu không bền vững như tranh, tre, nứa lá. 

Tỉnh này bất ngờ trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về xây dựng, kiên cố hóa hệ thống trường học, đồng thời trang bị mua sắm các thiết bi dạy học đáp ứng cho yêu cầu phát triển giáo dục đào tạo theo hướng toàn diện, tiêu chuẩn hóa, hiện đại hóa (đảm bảo đủ phòng học bộ môn, phòng học ngoại ngữ, thí nghiệm thực hành, phòng máy tính phục vụ dạy học).

Bà Rịa - Vũng Tàu: 30 năm, từ những ngôi trường cấp 4 đến những dấu ấn phát triển vượt bậc - Ảnh 2.

Hiện nay, trường lớp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khang trang, học sinh được học tập trong không gian tốt hơn. Ảnh: Minh Hưng

Năm 1991, toàn tỉnh có 225 trường học các cấp từ mầm non đến giáo dục phổ thông; 2 trường trung cấp chuyên nghiệp. 

Đến năm 2020, hệ thống các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng phân bố khá đồng đều trên địa bàn, bán kính phục vụ hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường, với 455 trường học các cấp từ mầm non đến giáo dục phổ thông; 20 cơ sở trường Trung cấp, Cao đẳng và Đại học. Khối trường chuyên biệt cũng được tỉnh quan tâm đầu tư từ đào tạo chất lượng mũi nhọn THPT chuyên Lê Quý Đôn, đến các trường cho học sinh yếu thế nuôi dạy trẻ khuyết tật.

Sự định hướng và quan tâm đầu tư cho giáo dục đào tạo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trên địa bàn. Tỉnh đã đạt chuẩn công tác phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ từ năm 1997, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2003, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS năm 2004, đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi năm 2013. 

Bà Rịa - Vũng Tàu: 30 năm, từ những ngôi trường cấp 4 đến những dấu ấn phát triển vượt bậc - Ảnh 3.

Học sinh và giáo viên của các trường đều cố gắng phấn đấu trong nhiệm vụ dạy và học. Ảnh: Minh Hưng

Chất lượng phổ cập được duy trì và ngày càng nâng cao, kết quả kiểm tra hàng năm có 82/82 xã phường, 8/8 huyện thị trong tỉnh vẫn duy trì được chuẩn quy định. Đến nay, tỉnh đã đạt được chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 3.

Những năm gần đây, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nằm trong nhóm 20 các tỉnh thành có điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT cao nhất cả nước, trong đó môn tiếng Anh có điểm trung bình đứng thứ 3 toàn quốc, môn Toán nằm trong nhóm 10 các tỉnh thành cao nhất cả nước. 

Bà Rịa - Vũng Tàu: 30 năm, từ những ngôi trường cấp 4 đến những dấu ấn phát triển vượt bậc - Ảnh 4.

Ngoài việc học trên lớp, học sinh còn được thực hành trong môi trường thực tế. Ảnh: Minh Hưng

Về giáo dục chất lượng cao, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn có đội tuyển học sinh giỏi tham gia các cuộc thi cấp quốc gia tăng về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, năm 2017, lần đầu tiên, Bà Rịa - Vũng Tàu có học sinh giành huy chương Vàng Olympic toán học Quốc Tế năm 2017 (IMO 2017) diễn ra tại Brazil với số điểm thủ khoa; học sinh tham gia và đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi như: kỳ thi tài năng Tiếng Anh cấp quốc gia, kỳ thi quốc tế…

Vươn ra các đấu trường quốc tế

Trong chặng đường 30 năm qua, dấu ấn “trưởng thành” mà ngành GDĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt được là thành tích của giáo dục mũi nhọn. Từ năm 2010 - 2021, toàn tỉnh đã có gần 400 học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia các bộ môn văn hóa. 

Bà Rịa - Vũng Tàu: 30 năm, từ những ngôi trường cấp 4 đến những dấu ấn phát triển vượt bậc - Ảnh 5.

Năm 2017, em Hoàng Hữu Quốc Huy, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã xuất sắc giành Huy chương Vàng cuộc thi Olympic Toán học Quốc tế. Ảnh tư liệu

Tháng 7/2011, em Lê Hoàng Nam, học sinh lớp 11 chuyên Toán, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đạt Huy chương Đồng trong kỳ thi nghiên cứu khoa học châu Á tại Hàn Quốc. Năm 2017, em Hoàng Hữu Quốc Huy, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã lập nên kỳ tích, khi xuất sắc giành Huy chương Vàng cuộc thi Olympic Toán học Quốc tế với số điểm thủ khoa.

Đặc biệt, em Hoàng Hữu Quốc Huy còn góp phần không nhỏ để đoàn Việt Nam giành vị trí thứ 3 với tổng số 155 điểm, kết quả cao nhất trong lịch sử 43 lần dự thi Olympic Toán học Quốc tế của Việt Nam. 

Bà Rịa - Vũng Tàu: 30 năm, từ những ngôi trường cấp 4 đến những dấu ấn phát triển vượt bậc - Ảnh 6.

Học sinh tham gia các hoạt động cộng đồng. Ảnh: Minh Hưng

Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi thành lập tỉnh, Bà Rịa - Vũng Tàu có học sinh dự thi và đoạt giải lớn như vậy.

Ông Lê Quốc Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết trường thường xuyên tổ chức cho giáo viên đến học tập tại những trường nổi tiếng trên cả nước, mời giáo sư hàng đầu về dạy các chuyên đề chuyên sâu để truyền cảm hứng cho giáo viên và học sinh.

Ngoài ra, các thầy cô cũng chú trọng định hướng phương pháp học cho học sinh và kết hợp nhiều hình thức dạy học để truyền lửa, nuôi dưỡng đam mê, giúp học sinh đạt kết quả cao trong học tập.

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngành ưu tiên phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới của giai đoạn hiện nay.

Theo bà Châu, tính đến tháng 12/2020, toàn ngành giáo dục có 39 nhà giáo được phong tặng Nhà giáo Ưu tú, 6 tập thể được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, 17 tập thể và 11 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Ngoài ra còn có 27 tập thể và 70 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, 32 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, 536 lượt tập thể được tặng Cờ thi đua của Bộ GDĐT và UBND tỉnh, 52 tập thể và 191 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 26 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc, 8.625 nhà giáo được tặng Huy chương, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem