Bà Trương Mỹ Lan bị tuyên tử hình, trình tự xử lý bồi thường hơn 673 nghìn tỷ đồng thế nào?

Quang Trung Thứ sáu, ngày 12/04/2024 12:34 PM (GMT+7)
Sau khi xem xét, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình cho 3 tội danh, buộc bồi thường gần 677.000 tỷ đồng. Việc thi hành án trong vụ việc này sẽ được giải quyết thế nào?
Bình luận 0

Trương Mỹ Lan bị tuyên tử hình

Chiều 11/4, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Trường Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mức án tử hình về tội "Tham ô tài sản", 20 năm tù về tội "Đưa hối lộ", 20 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Tổng hợp hình phạt là tử hình.

Bà Trương Mỹ Lan bị tuyên tử hình, trình tự xử lý bồi thường hơn 673 nghìn tỷ đồng thế nào?- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên mức án tử hình cho 3 tội danh. Ảnh: TL

Về trách nhiệm của các bị cáo đối với thiệt hại của vụ án, HĐXX nhận định: về trách nhiệm hình sự, HĐXX chỉ yêu cầu các bị cáo chịu trách nhiệm số tiền 498.000 tỷ đồng.

Về trách nhiệm dân sự, liên quan tới 1.284 khoản vay của bị cáo Trương Mỹ Lan tại SCB, theo đại diện SCB, tính đến ngày 1/4, có một số khoản vay đã được tất toán cả gốc và lãi với tổng số tiền hơn 2.000 tỷ đồng. Hiện số khoản vay của bị cáo Lan giảm xuống còn 1.243 khoản, tương ứng với 1.122 mã tài sản đảm bảo.

Vì vậy, số tiền thiệt hại mà bà Lan có trách nhiệm bồi thường cũng giảm xuống còn 673.800 tỷ đồng, bao gồm đã cấn trừ số tiền Dương Tấn Trước (Tổng giám đốc Công ty Tường Việt) và một số bị cáo khác khắc phục hậu quả.

Đối với số tiền 1.000 tỷ đồng mà Nguyễn Cao Trí nộp trả bị cáo Lan, bị cáo Lan đề nghị chuyển số tiền này cho bị cáo Trương Huệ Vân để khắc phục hậu quả vụ án. Xét thấy, cần phải chuyển số tiền này cho Ngân hàng SCB để khấu trừ vào thiệt hại do bị cáo Trương Mỹ Lan gây ra.

Đối với số tiền các bị cáo khác tự nguyện nộp lại và số tiền thu giữ của các bị cáo, xét thấy đây là số tiền của bị cáo Trương Mỹ Lan nên cần phải tiếp tục tạm giữ để đảm bảo thi hành án.

Riêng đối với 1.122 mã tài sản đang được thế chấp tại SCB, trong đó có nhiều tài sản của Trương Mỹ Lan do người khác đứng tên, cần xác định tài sản nào của bị cáo Lan thì giữ lại để đảm bảo thi hành án.

Đối với biệt thự cổ ở 112 Võ Văn Tần, con gái Trương Mỹ Lan có đơn đề nghị gỡ bỏ kê biên. HĐXX xét thấy đây thực chất là tiền của bị cáo Trương Mỹ Lan nên yêu cầu của Chu Duyệt Phấn là không có căn cứ, HĐXX tiếp tục kê biên. Đây là căn nhà mang tính lịch sử, chỉ được phép trùng tu không được phép xây dựng mới, không được thay đổi hiện trạng.

Đối với tòa nhà 19 Nguyễn Huệ, HĐXX xét thấy đây là tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan nên tiếp tục để kê biên, thi hành án. Đối với tranh chấp về tiền thuê nhà, đề nghị Ngân hàng SCB giải quyết tranh chấp dân sự này.

Cách xử lý đối với khối sản khổng lồ của bà Trương Mỹ Lan

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, vụ án này tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên án, xác định các bị cáo phạm tội và tuyên mức hình phạt đối với từng bị cáo. trong đó bà Trương Mỹ Lan bị tuyên mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Nếu không đồng ý với mức án nêu trên của tòa án cấp sơ thẩm, các bị cáo có quyền kháng cáo và viện kiểm sát có quyền kháng nghị đối với bản án sơ thẩm để đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại theo quy định của pháp luật.

Theo ông Cường, với bị cáo đã bị tuyên án tử hình, ở cấp phúc thẩm vẫn có cơ hội được chuyển thành án tù chung thân nếu đáp ứng 2 điều kiện quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 40 Bộ luật hình sự là: Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Như vậy, nếu chấp nhận kháng cáo và tòa án cấp phúc thẩm xác định bị cáo có tội và có thêm 2 điều kiện là nộp lại 3/4 số tiền tham ô và được đánh giá là "hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì có cơ hội được thay đổi hình phạt từ tử hình sang chung thân theo quy định nêu trên.

Còn trường hợp bị cáo không kháng cáo, viện kiểm sát không kháng nghị, bản án sơ thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật sau khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Ngoài ra, trường hợp bị cáo kháng cáo kêu oan nhưng HĐXX phúc thẩm đánh giá việc kết tội của tòa án cấp sơ thẩm là có căn cứ, bị cáo không oan và cấp phúc thẩm không có thêm tình tiết chứng cứ gì mới quan trọng có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án, HĐXX phúc thẩm sẽ bác kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Về trách nhiệm dân sự, vị chuyên gia thông tin, theo quy định của pháp luật, với những vụ án xâm phạm quyền sở hữu tài sản hoặc các vụ án về tham nhũng, kinh tế gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân, ngoài việc làm rõ hành vi phạm tội, xác định hậu quả đã gây ra đối với xã hội, cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn như phong tỏa, kê biên để tránh tẩu tán tài sản, đảm bảo thi hành án.

Như vậy, ngoài việc làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo, làm cơ sở áp dụng hình phạt, tòa án cũng sẽ làm rõ các giao dịch, làm rõ những thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự, đảm bảo quyền lợi của những người bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Trong trường hợp các bị can không tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, tòa án sẽ tuyên có thể phát mãi số tài sản đã kê biên để thi hành án.

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, trong vụ án này, số tiền bị thiệt hại, số tài sản bị kê biên rất lớn, nguồn gốc tài sản có phần phức tạp nên việc thi hành có thể sẽ mất nhiều thời gian.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem