Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam

Hà Tùng Long Thứ tư, ngày 19/05/2021 09:16 AM (GMT+7)
Nhân 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2021), chào mừng ngày toàn dân đi bầu cử, NXB Trẻ ra mắt cuốn “Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam”.
Bình luận 0

Theo đó, ngay sau khi ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945, ngày 3/9/1945 trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu sáu vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết. Một trong sáu vấn đề đó là phải tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội chính thức và cử ra Chính phủ của dân, đồng thời thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp.

Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam - Ảnh 1.

Cuốn sách "Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam".

Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử. Sắc lệnh ghi rõ: "Chiếu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16, 17/8/1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa và chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên".

Để xúc tiến công việc chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử, ngày 17/10/1945, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 51-SL quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử.

Về ý nghĩa cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người nói: "Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc của nước nhà"; "Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết"; "Do tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân".

Những đối tượng được ra ứng cử đại biểu Quốc hội, theo Người là "Những người muốn lo việc nước"; và "Hễ là công dân đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái".

Thời điểm đó, cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khóa đầu tiên ở nước ta diễn ra trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình kinh tế- xã hội hết sức khó khăn. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam non trẻ không chỉ là một cuộc vận động chính trị thông thường, mà thực chất là cuộc đấu tranh chính trị vô cùng gay go, phức tạp và không kém phần quyết liệt.

Để cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên diễn ra thắng lợi, ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: "...Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...".

Để mọi cử tri thực thi nhiệm vụ thiêng liêng của mình, trên Báo Cứu quốc số đặc biệt ra ngày 6/1/1946 có đăng bút tích của Người: "Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên, hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu, để bầu những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội khóa đầu tiên của nước ta".

Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên diễn ra đúng như kế hoạch và thu được thắng lợi lớn. Tất cả các tỉnh, thành phố có 89% tổng số cử tri đi bỏ phiếu. Cả nước bầu được 333 đại biểu.

Tại thủ đô Hà Nội có 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đi bỏ phiếu; kết quả Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).

Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam - Ảnh 3.

Năm tháng trôi qua, những gì Người đặt nền móng cho nền dân chủ và Quốc hội Việt Nam vẫn trường tồn cùng lịch sử lập pháp Việt Nam, soi đường chỉ lối cho Quốc hội Việt Nam đi đến tương lai tươi sáng.

Cuốn "Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam" có 6 chương: Từ Quốc dân đại hội đến Quốc hội Việt Nam; Bác Hồ tiếp xúc cử tri; Bác Hồ với các kỳ bầu cử Quốc hội, Bác Hồ với các kỳ họp Quốc hội, Bác Hồ nhận lãnh trách nhiệm nguyên thủ Quốc gia trước Quốc hội; Bác Hồ với hiến pháp được thông qua tại Quốc hội…

Những câu chuyện ngắn trong sách được biên soạn từ những tài liệu và thông tin chính thống. Các tác giả tập hợp và cung cấp cho bạn đọc một phần tư liệu phong phú về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua hoạt động của Người trong Quốc hội Việt Nam. Đây thực sự là những tài liệu quý giá mà những người quan tâm tới công tác bầu cử có thể tham khảo.

Ngoài ra, Nhà Xuất bản Trẻ hiện có bộ sách "Di sản Hồ Chí Minh" là công trình nghiên cứu công phu, tập hợp nhiều nội dung, tài liệu, hình ảnh quý giá, phần nào khái quát được cuộc đời, hoạt động và tư tưởng, phong cách của Bác Hồ - Người đã dành trọn cuộc đời và sự nghiệp cho đất nước, cho dân tộc.

Trong khi đó, ấn bản "Suốt đời học Bác" được Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19/5/2020) nhưng đến nay vẫn là cuốn sách được yêu thích. Cuốn sách giới thiệu 16 câu chuyện về Bác Hồ qua ghi chép từ lời kể "người thật việc thật" của nhà báo Kiều Mai Sơn, với những phát hiện và góc nhìn mới. 

Đồng thời, Nhà Xuất bản Kim Đồng còn tái bản một loạt ấn phẩm: "Nhật ký trong tù" - bản dịch trọn vẹn của Viện Văn học; tiểu thuyết "Búp sen xanh" của nhà văn Sơn Tùng; truyện tranh "Từ Làng Sen" - lời của nhà văn Sơn Tùng, tranh minh họa của họa sĩ Lê Lam và tập truyện kể "Bác Hồ kính yêu".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem