Bắc Kạn: Nghe lời dụ dỗ gửi tiền tiết kiệm lãi suất cao, dân nhận “trái đắng”

Chiến Hoàng Thứ hai, ngày 24/08/2020 16:19 PM (GMT+7)
Nghe lời "tỉ tê" gửi tiết kiệm lãi lên đến 8.000 đồng/1.000.000 đồng/ngày, nhiều người dân xã Bằng Thành (huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) đã nhận “trái đắng” khi lãi chẳng thấy đâu còn tiền gốc thì bốc hơi một cách lạ lùng.
Bình luận 0

Bắc Kạn: Đổ xô đi gửi tiền tiết kiệm lãi suất cao, nhiều nông dân nhận “trái đắng”

Phản ánh tới PV Dân Việt, chị Lăng Thị Hằng (trú tại thôn Bản Khúa, xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, tháng 5/2020, trong một lần mua thẻ điện thoại với chị Dương Thị Liên, nhân viên Bưu điện Văn hóa xã Bằng Thành, chị được chị Liên khuyên có tiền thì gửi tiết kiệm, lãi suất rất cao.

"Tôi không tin nên đã hỏi vặn vì sao lãi suất cao thế thì được giải thích là lãi không được cao thế đâu, đấy là do chỗ em không lấy tiền hoa hồng ngân hàng trả mà chia lại hết cho khách hàng thôi. Chị Liên khẳng định, sẽ trả cho tôi 1,2 triệu đồng/10 triệu đồng/tháng. Thấy nhiều người tham gia nên tôi đã gửi 30 triệu đồng vào đó" - chị Hằng cho hay. 

Bắc Kạn: Đổ xô đi gửi tiền tiết kiệm lãi suất cao, nhiều nông dân nhận “trái đắng” - Ảnh 2.

Phiếu yêu cầu mở tài khoản của chị Lăng Thị Hằng.

Bắc Kạn: Đổ xô đi gửi tiền tiết kiệm lãi suất cao, nhiều nông dân nhận “trái đắng” - Ảnh 3.

Chị Hằng gửi tiền được 5 ngày thì nhận được tin nhắn thông báo rút tiền gửi về điện thoại, dù chị không rút tiền và cũng không ủy quyền cho người khác rút tiền tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt.

"Khi gửi tiền thông qua chị Liên, chị có đưa cho tôi một phiếu yêu cầu mở tài khoản loại tài khoản 1 tháng với số tiền 30 triệu đồng. Ngày 20/6, tôi có nhận tin nhắn báo về điện thoại với nội dung Quý khách vừa gửi tiết kiệm số tiền 30 triệu đồng tại PGDBD/LPB PÁC NẶM.

Tuy nhiên đến ngày 25/6, tôi lại nhận được tin nhắn với nội dung Quý khách vừa rút tiền tiết kiệm số tiền 30.000.493 VNĐ tại PGDBD/LPB PÁC NẶM, trong khi bản thân tôi không hề rút và cũng không ủy quyền cho ai rút số tiền trên", chị Hằng khẳng định.

"Khi được hỏi, cô Liên viện ra rất nhiều lý do và bảo tiêu hết rồi… Tôi yêu cầu cô Liên và các bên liên quan làm rõ, vì sao tôi không ủy quyền mà số tiền của tôi trong sổ tiết kiệm lại có thể bị rút ra dễ dàng đến vậy?", chị Hằng bức xúc.

Bắc Kạn: Đổ xô đi gửi tiền tiết kiệm lãi suất cao, nhiều nông dân nhận “trái đắng” - Ảnh 4.

Bà Thẩm Thị Hội bị mất 33 triệu đồng vì nghe theo lời ngon ngọt của đối tượng Dương Thị Liên.

Còn bà Thẩm Thị Hội (trú tại thôn Bản Khúa, xã Bằng Thành) trước đó đã gửi số tiền 15 triệu đồng (1 sổ 5 triệu đồng, 1 sổ 10 triệu đồng). Khi được "tỉ tê" sẽ được lãi 8.000 đồng/1.000.000 đồng/ngày, bà Hội đã đi rút số tiền 20 triệu đồng mà bà gửi Ngân hàng Chính sách ra đưa cho Liên để dồn sổ. 

Bà Hội cho biết, sau khi đưa tiền cho cô Liên, bà có nhận được một sổ tiết kiệm có kỳ hạn với số tiền 35 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền gửi ghi bằng số và bằng chữ trong sổ đều bị tẩy xóa.

Bắc Kạn: Đổ xô đi gửi tiền tiết kiệm lãi suất cao, nhiều nông dân nhận “trái đắng” - Ảnh 5.

Sổ tiết kiệm của bà Hội bị tẩy xóa phần số tiền viết bằng số và bằng chữ.

"Tháng 2, tôi đưa sổ và tiền cho cô Liên để gộp sổ. Đến tháng 5, gia đình nghe thông tin tiền gửi chỗ cô này không rút ra được nên mới đi kiểm tra tại Bưu điện thì phát hiện sổ chỉ có 2 triệu đồng. 

Liên đã lấy của tôi 33 triệu đồng, sau đó tẩy xóa, sửa số tiền trên sổ mới mở từ 2 triệu đồng thành 35 triệu đồng để đúng với tổng số tiền trong hai sổ cũ và tiền mặt tôi đã đưa cho cô Liên trước đó", bà Hội rơm rớm nước mắt.

Bắc Kạn: Đổ xô đi gửi tiền tiết kiệm lãi suất cao, nhiều nông dân nhận “trái đắng” - Ảnh 6.

Số tiền cả hai vợ chồng ông Ma Văn Thuyết gửi tiết kiệm thông qua đối tượng Dương Thị Liên lên đến 95 triệu đồng.

Trường hợp ông Ma Văn Thuyết (trú tại thôn Nà Lại, xã Bằng Thành) cũng tương tự. Nghe lời Liên nói có tiền thì gửi Bưu điện, lãi suất rất cao nên ông Thuyết đã gửi tiền cho Liên. 

Sau 2-3 ngày, ông Thuyết nhận được sổ tiết kiệm, tuy nhiên có tẩy xóa phần số tiền ghi bằng chữ. 

"Khi tôi hỏi, Liên bảo sổ của ngân hàng này vẫn thế. Tôi không nghi ngờ gì, khoảng 2 tháng sau, Liên vào thuyết phục tiếp và tôi gửi thêm 15 triệu đồng, tổng số tiền tôi gửi là 75 triệu đồng. Liên bảo số tiền góp tiếp không cần sổ. 

Sau đó, Liên còn thuyết phục vợ tôi gửi vào thêm 20 triệu đồng nữa, nâng tổng số tiền gửi tiết kiệm lên 95 triệu đồng. Nhà nông không có tiền đâu, kiếm tiền vất vả lắm, số tiền đó là vợ chồng tôi bán cả đàn bò với lợn, gà mới có được đấy.

Thấy tôi gửi lãi suất cao, anh trai tôi là Ma Văn Lang đã gửi vào 100 triệu đồng. Hình thức cũng như thế, sổ cũng bị tẩy xóa như sổ của tôi", ông Thuyết khẳng định.

Bắc Kạn: Đổ xô đi gửi tiền tiết kiệm lãi suất cao, nhiều nông dân nhận “trái đắng” - Ảnh 7.

Phiếu thu có dấu treo của Bưu điện huyện Pác Nặm.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lục Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Bằng Thành cho biết, công an nắm được đã có 28 người trở thành nạn nhân của Dương Thị Liên với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng. 

"Trong đó, người gửi nhiều nhất là 100 triệu đồng, được đối tượng Liên gửi luôn 5 triệu đồng tiền lãi. Khi phát hiện, chúng tôi đã mời đối tượng và các nạn nhân lên UBND xã làm việc. Đối tượng là người có nhân thân tốt, lại có chồng là bộ đội nên không ai nghi ngờ" ông Bình nói.

Ông Bình cho biết thêm, Công an tỉnh Bắc Kạn đã vào cuộc. Sổ sách, giấy tờ, phiếu yêu cầu mở sổ tại ngân hàng của các nạn nhân hiện đã được cơ quan cảnh sát điều tra tạm giữ để phục vụ công tác điều tra. 

Bắc Kạn: Đổ xô đi gửi tiền tiết kiệm lãi suất cao, nhiều nông dân nhận “trái đắng” - Ảnh 8.

Theo ông Lục Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Bằng Thành, đã có 28 người ở xã trở thành nạn nhân với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng khi gửi tiền tiết kiệm thông qua đối tượng Liên.

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - Chi nhánh Bắc Kạn xác nhận, đơn vị đã nắm được thông tin sự việc, hiện cơ quan công an đang xác minh điều tra. 

Bà Huyền khẳng định, những cá nhân làm không đúng quy trình phải chịu trách nhiệm. Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt luôn thượng tôn pháp luật và đảm bảo quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho khách hàng.

Liên quan đến hoạt động huy động vốn và tiền gửi tiết kiệm, bà Đoàn Thị Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn cho biết, việc huy động vốn tại nhà là không đúng quy định, mọi giao dịch đều phải được thực hiện tại các điểm giao dịch. 

Theo quy định, khi đã gửi tiền vào ngân hàng nào đó, muốn rút tiền ra phải có giấy chứng minh nhân dân, nếu người khác rút phải có giấy ủy quyền mới rút được.

"Trong chỉ đạo điều hành hoạt động ngân hàng trên địa bàn quy định về tiền gửi tiết kiệm, các ngân hàng phải thực hiện đúng theo thông tư số 48/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 quy định về tiền gửi tiết kiệm, đơn vị nào, chi nhánh nào sai thì cá nhân cán bộ, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm", Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn khẳng định.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem