Trong bối cảnh số ca nhiễm virus corona tại Hồ Bắc tiếp tục tăng lên, Chính phủ Trung Quốc đã cấp phép cho một số nhà sản xuất chip và màn hình tại Vũ Hán hoạt động trở lại để củng cố tham vọng siêu cường công nghệ mà Bắc Kinh đề ra.
Nhà sản xuất chip nhớ flash Yangtze Memory Technologies đã được chính phủ Trung Quốc cấp phép đặc biệt để trở lại sản xuất và khởi động dây chuyền vận tải từ tháng 2. Các lô hàng linh kiện phục vụ sản xuất đã được vận chuyển đến nhà máy và các lô hàng được phép xuất đi bất chấp lệnh phong tỏa thành phố, hạn chế giao thông để kiểm soát dịch bệnh.
Yangtze Memory Technologies được Bắc Kinh kỳ vọng sẽ trở thành đối thủ lớn của các nhà sản xuất chip lớn trên thế giới như Samsung (Hàn Quốc), SK Hynix (Hàn Quốc), Micron Technology (Mỹ)... “Đây là dự án quan trọng được chính phủ Bắc Kinh hậu thuẫn nên việc cấp phép khá dễ dàng. Thêm vào đó, Yangtze Memory Technologies được đánh giá giữ vai trò đặc biệt trong tham vọng tự lực công nghệ của Trung Quốc trong tương lai, do đó sự gián đoạn sản xuất là không thể” - nguồn tin của Nikkei Asian Review cho hay. Yangtze Memory Technologies hiện là đối tác lớn cung cấp chip nhớ cho Huawei và Lenovo, hai tập đoàn Trung Quốc lớn trong mảng công nghệ viễn thông di động và sản xuất máy tính.
Thành phố Vũ Hán vẫn đang bị phong tỏa nghiêm ngặt trong nỗ lực kiểm soát dịch virus corona, chỉ riêng các nhà sản xuất công nghệ là ngoại lệ
Tính đến ngày 3/3, hơn 50.000 ca nhiễm virus corona đã được xác nhận tại Vũ Hán trong tổng số hơn 91.000 ca nhiễm trên toàn thế giới. Hơn 2.000 trong số 3.000 ca tử vong trên toàn thế giới nằm ở Vũ Hán. Đây cũng là nơi xuất hiện những ca nhiễm virus corona đầu tiên, và tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm không ngừng tăng lên mỗi ngày.
Chính phủ Trung Quốc đã phong tỏa Vũ Hán từ ngày 23/1 trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, đồng thời yêu cầu đóng cửa mọi doanh nghiệp trường học, hạn chế giao thông và cảnh báo người dân tự cách ly tại nhà.
Nhưng Vũ Hán còn là một mắt xích quan trọng trong tham vọng nuôi dưỡng ngành công nghiệp công nghệ cao tự lực, tự cường hàng đầu thế giới của Trung Quốc. Và Bắc Kinh rõ ràng không muốn mắt xích ấy tê liệt nhiều tháng trời.
Cùng với Yangtze Memory Technologies , hai nhà sản xuất màn hình lớn nhất Trung Quốc là BOE Technology Group và China Star Optoelectronics Technology cũng được cấp giấy phép đặc biệt để vận hành trở lại các cơ sở sản xuất ở Vũ Hán, theo nguồn tin của Nikkei. Giấy phép đặc biệt cũng cho phép hai doanh nghiệp này vận hành chuỗi chuyên chở linh kiện vật liệu đến nhà máy và xuất đi thành phẩm ra khỏi Vũ Hán bất chấp lệnh phong tỏa thành phố.
BOE Technology Group hiện là nhà sản xuất màn hình TV có sản lượng lớn nhất tế giới từ năm 2018 đến nay. Nhà máy tại Vũ Hán của BOE Technology Group là nơi sản xuất hàng loạt bảng điều khiển thế hệ 10.5. Còn China Star Optoelectronics, doanh nghiệp thuộc sở hữu của tập đoàn công nghệ TCL có tới 2 nhà máy tại Vũ Hán. Một trong số đó là nhà máy sản xuất màn hình điện thoại lớn nhất của công ty, cho ra 17% sản lượng màn hình điện thoại trên toàn cầu. China Star Optoelectronics hiện là đối tác lớn cung cấp màn hình smartphone cho Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi.
Không chỉ được cấp giấy phép thông quan đặc biệt để ra vào thành phố, China Star Optoelectronics còn được đặc cách quá trình cách ly kiểm dịch với công nhân. Hai nhân viên làm việc tại nhà máy Vũ Hán của công ty này đã được xác nhận nhiễm virus corona vào tháng trước, nhưng thay vì đóng cửa toàn bộ dây chuyền, nhà máy chỉ thực hiện cách ly 14 ngày với các công nhân làm việc cùng ca với 2 bệnh nhân này.
Một nhà sản xuất màn hình khác là Tianma Optoelectronics tại Vũ Hán cũng được cấp giấy phép vận hành và thông quan đặc biệt từ chính phủ, theo Nikkei Asian Review.
Hiển nhiên, các nhà sản xuất chip và màn hình đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu tự lực công nghệ của Bắc Kinh. Đây là hai thành phần linh kiện đắt giá và quan trọng nhất trong các thiết bị điện tử như smartphone, laptop… và được coi là thước đo sự tiến bộ công nghệ của các quốc gia.
Bắc Kinh đặt tham vọng lớn vào ngành công nghiệp chip và giấc mơ siêu cường công nghệ hàng đầu thế giới
Trước khi chiến tranh thương mại Mỹ Trung bùng nổ gây áp lực lên chuỗi cung ứng công nghệ, chính phủ Trung Quốc đã đặt ra những chiến lược giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, tự cường ngành công nghệ cao trong nước để vượt mặt các đối thủ nước ngoài tiềm năng.
Tham vọng tự lực càng tăng lên khi Mỹ đưa hàng loạt gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc bao gồm của Huawei - công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc vào danh sách đen cùng hàng loạt cáo buộc như gây rủi ro an ninh quốc gia, ăn cắp bí mật thương mại… Với việc bị đưa vào danh sách đen, Huawei đồng thời bị hạn chế nhập khẩu linh kiện và công nghệ từ các công ty Mỹ.
Việc Bắc Kinh cấp phép cho các công ty công nghệ tại Vũ Hán trở lại làm việc bất chấp dịch bệnh là nỗ lực thúc đẩy chuỗi cung ứng ngành công nghệ nước này trở lại bình thường, qua đó đuổi kịp tham vọng đã đặt ra trước đó. Nhưng ngay cả khi các công ty nhận được sự cấp phép đặc biệt từ chính quyền, sự chậm trễ trong quá trình vận chuyển và sự thiếu hụt lao động do dịch bệnh vẫn đặt ra rủi ro lớn. Tại Yangtze Memory Technologies, chỉ có khoảng 40-50% công nhân trở lại làm việc, số còn lại vẫn đang cố gắng trở lại nhưng bị hạn chế do công tác kiểm dịch nghiêm ngặt.
Trong viễn cảnh sáng sủa nhất, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài của Hồ Bắc sẽ kết thúc vào 11/3. Kỳ nghỉ này đáng lẽ đã kết thúc từ 31/1, theo lịch chính thức của chính quyền Trung Quốc.