"Bắc Kinh sẽ không ngồi yên nhìn Mỹ dồn Huawei vào tử địa"
Các bình luận được đưa ra sau khi nguồn tin từ Reuters cho hay chính quyền Trump đang thảo luận về bộ Quy tắc sản phẩm sản xuất ở nước ngoài (tức những sản phẩm sản xuất ở nước ngoài dựa trên công nghệ, linh kiện của Mỹ). Loạt quy tắc này yêu cầu các công ty nước ngoài sử dụng thiết bị chip sản xuất tại Mỹ phải được cấp giấy phép của Bộ Thương mại Mỹ nếu muốn xuất khẩu chip cho Huawei.
Dự luật trực tiếp nhắm đến các nhà sản xuất chip toàn cầu như TSMC, vốn là nhà sản xuất và cung cấp con chip chính cho Huawei. Dù Huawei hiện có năng tự tự thiết kế con chip, nhưng vẫn phải nhờ đến dây chuyền sản xuất của các công ty như TSMC.
Những quy tắc như vậy sẽ là đòn giáng mạnh mẽ chặn đứng chuỗi cung ứng chip của Huawei trên toàn cầu, có khả năng buộc công ty này phải tự sản xuất chip cho riêng mình. Chắc chắn, dự luật một khi được thông qua sẽ khiến căng thẳng Mỹ - Trung leo thang hơn nữa.
Eric Xu hiện là người đầu tiên đại diện cho Huawei bình luận về vấn đề này. Ông này cảnh báo phía Trung Quốc có thể sẽ trả đũa nếu một quy tắc như vậy có hiệu lực. “Tôi tin rằng Trung Quốc sẽ có các biện pháp đối phó”. Ví dụ, Mỹ cáo buộc thiết bị 5G từ các công ty Trung Quốc có thể gây rủi ro an ninh quốc gia, Bắc Kinh có thể sử dụng một logic tương tự để cấm cửa các sản phẩm thiết bị sử dụng con chip của Mỹ khỏi thị trường Trung Quốc.
“Nếu Trung Quốc tiến hành các biện pháp đối phó, nó sẽ gây một làn sóng hiệu ứng tồi tệ với các ngành công nghiệp trên toàn cầu. “Chiếc hộp Pandora” được mở sẽ tàn phá hệ sinh thái cung ứng thế giới. Huawei sẽ không phải doanh nghiệp duy nhất chịu tổn thương”. Ông Eric Xu sử dụng những so sánh mạnh mẽ để nêu bật lên thiệt hại tiềm tàng mà lệnh trừng phạt Huawei từ Mỹ có thể gây ra.
“Ngay cả khi các quy tắc của Mỹ có hiệu lực, sẽ có các công ty sản xuất chip trở thành nguồn cung thay thế cho Huawei như Samsung của Hàn Quốc hay Unisoc của chính Trung Quốc… Thậm chí dù Huawei không thể nhập khẩu chip, tôi tin nhiều công ty Trung Quốc sẽ cung ứng chip sản xuất trong nước”.
Ngành công nghiệp chip là một phần quan trọng trong kế hoạch Made in China 2025 của Bắc Kinh, một sáng kiến nhằm thúc đẩy hàng loạt ngành sản xuất công nghệ cao, giá trị cao. Trong kế hoạch này, Trung Quốc đặt mục tiêu sản xuất 40% nhu cầu chip trong nước năm 2020 và 70% nhu cầu chip trong nước năm 2025. Để đạt được mục tiêu như vậy, Bắc Kinh đang rót hàng chục tỷ USD đầu tư vào các công ty khởi nghiệp chip trong nước dù các chuyên gia nhận định ngành công nghiệp chip của nước này vẫn thua xa Mỹ.
Năm ngoái, Huawei đã lọt vào danh sách đen của Mỹ, nhưng Bộ Thương mại Mỹ hiện vẫn gia hạn giấy phép xuất khẩu cho một số doanh nghiệp Mỹ làm ăn với Huawei. Dù vậy, báo cáo doanh thu năm 2019 vừa được công bố vẫn cho thấy danh sách đen khiến Huawei hụt thu 12 tỷ USD so với mức mục tiêu 135 tỷ USD mà công ty đưa ra hồi tháng 4/2019.
Từ lâu, Washington đã hướng mũi nhọn vào Huawei với hàng chục cáo buộc, như thiết bị mạng Huawei là “sân sau” cho hoạt động gián điệp của Bắc Kinh, gây rủi ro lớn cho an ninh quốc gia dù Huawei nhiều lần phủ nhận. Mỹ cũng tìm cách thuyết phục các đồng minh loại Huawei khỏi dự án xây dựng mạng 5G quốc gia, dù những nỗ lực của Nhà Trắng có vẻ không quá thành công. Bất chấp đe dọa cắt nguồn chia sẻ thông tin tình báo, chính quyền Anh mới đây vẫn cho phép Huawei cung cấp khoảng 5% thiết bị mạng không cốt lõi trong hệ thống cơ sở vật chất mạng 5G. Các nhà phân tích cho rằng lo ngại Bắc Kinh trả đũa là một trong những nguyên nhân khiến Anh đưa ra quyết định khiến Mỹ thất vọng như vậy.