"Bác sĩ dỏm" Nguyễn Quốc Khiêm có bị xem xét xử lý hình sự?

Quang Trung Thứ tư, ngày 23/02/2022 12:24 PM (GMT+7)
Theo chuyên gia pháp lý, "các sĩ dỏm" Nguyễn Quốc Khiêm với nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm nên có thể bị xử lý với những chế tài và mức xử lý khác nhau.
Bình luận 0

"Bác sĩ dỏm" lọt vào khu điều trị F0

Công an TP.HCM phối hợp cùng Công an quận 12 đã mời Nguyễn Quốc Khiêm (26 tuổi, quê Ninh Thuận) lên làm việc để xác minh, làm rõ thông tin Khiêm giả danh bác sĩ để vào khu điều trị F0 ở Trường cao đẳng Điện lực TP.HCM, quận 12.

"Bác sĩ dỏm" Nguyễn Quốc Khiêm có bị xử lý hình sự? - Ảnh 1.

"Bác sĩ dỏm" Nguyễn Quốc Khiêm. Ảnh: NQK

Trước đó, báo chí phản ánh về một trường hợp có tên Nguyễn Quốc Khiêm, xưng là bác sĩ nội trú Trường Đại học Y dược TP.HCM.

Từ tháng 7/2021, sau khi giả danh là sinh viên Trường Đại học Y dược TP.HCM để có tên trong danh sách tình nguyện viên phục vụ ở khu cách ly tập trung, Khiêm trở thành "thạc sĩ - bác sĩ điều trị", ra các y lệnh điều trị cho các bệnh nhân F0 tại khu cách ly tập trung và điều trị người bệnh COVID-19 ở Trường cao đẳng Điện lực TP.HCM (quận 12).

"Bác sĩ dỏm" Nguyễn Quốc Khiêm sẽ bị xử lý hình sự?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Văn Cường cho biết, đây là sự việc có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội nên cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi của Khiêm để xử lý theo quy định pháp luật.

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ quá trình thực hiện các thủ tục tuyển tình nguyện viên, quá trình tham gia tình nguyện của người này và việc mạo danh bác sĩ để thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh.

Ông Cường cho biết, nếu trong quá trình giả mạo làm bác sĩ này mà Khiêm làm chết bệnh nhân hoặc gây ra tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe cho bệnh nhân, Khiêm có thể bị xem xét xử lý hình sự về Tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh theo quy định tại Điều 315 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cụ thể điều luật quy định, người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, thuộc một trong các trường hợp dưới đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

Làm chết 1 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; Gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Trường hợp gây thiệt mạng cho 3 người trở lên hoặc gây thương tích cho nhiều người, gây thiệt hại đến tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên, hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn, có thể tới 15 năm tù.

Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy trong quá trình Khiêm mạo danh bác sĩ chưa gây ra thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, hành vi này vẫn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giả mạo trong công tác theo Điều 359 Bộ luật hình sự năm 2015 và Tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức, tội sử dụng tài liệu con dấu giả theo Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015.

"Với nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm liên tục, kéo dài như vậy, mỗi hành vi vi phạm có thể bị xử lý với những chế tài và mức xử lý khác nhau.

Cơ quan chức năng sẽ trưng cầu giám định Thẻ sinh viên và các văn bản giấy tờ mà Khiên đã ký để đánh giá yếu tố pháp lý, làm cơ sở giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật" – Tiến sĩ Cường nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem