Bài học từ chiến dịch Hồ Chí Minh và cuộc chiến với "giặc" Covid-19

Quốc Phong Thứ tư, ngày 29/04/2020 08:10 AM (GMT+7)
Những ngày mà cả nước đang gồng mình chống lại đại dịch toàn cầu mang tên Covid-19 cũng là lúc chúng ta đang hướng về kỷ niệm 45 năm Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, đất nước thống nhất vào ngày 30/4.
Bình luận 0

Những ngày mà cả nước đang gồng mình chống lại đại dịch toàn cầu mang tên Covid-19 thì cũng là lúc chúng ta đang hướng về kỷ niệm 45 năm Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, đất nước thống nhất vào ngày 30/4.

Với tinh thần và ý chí “Thần tốc, táo bạo, quyết thắng” trong chiến đấu chống quân xâm lược và nay đang “chống dịch như chống giặc” như lời hiệu triệu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ,  tin rằng, chúng ta không chỉ thành công trong dập dịch mà sẽ tiếp tục thành công trong cả quá trình khắc phục khó khăn sau đại dịch bằng tinh thần của một quá khứ hào hùng.

45 năm trước, ngày 7/4/1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam đã ký bức điện khẩn: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”. Hơn 20 ngày sau, cả thế giới loài người khi đó đều ngỡ ngàng trước chiến thắng vang dội của người Việt Nam yêu nước. 

45 năm sau, vẫn phát huy tinh thần yêu nước ấy, thêm một lần nữa cả thế giới đều phải thừa nhận Việt Nam quả rất đặc biệt trong phòng chống dịch Covid-19. Việt Nam có đường biên giới dài với Trung Quốc, nơi dịch bùng phát, và là nước đông dân thứ 15 thế giới nhưng có rất ít người nhiễm bệnh và chưa có trường hợp nào tử vong. Nhưng về sâu xa, liệu họ có hiểu rằng vì sao chúng ta lại coi “chống dịch như chống giặc”? Vì sao chúng ta kiểm soát được, dù mới chỉ là thành công bước đầu?

Trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước...”.

Còn trong bài phát biểu của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới đây cũng có đoạn: “Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội. Thời gian qua, toàn dân ta đã đồng lòng, cùng chung sức với Đảng, Nhà nước ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh bước đầu có hiệu quả. Thời gian tới đây, chúng ta có thể sẽ còn phải đối mặt với khó khăn lớn hơn gấp nhiều lần, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa, kiên quyết hơn nữa...”.

img

Hầu hết các bệnh nhân Covid-19 của Việt Nam đã được ra viện. Ảnh: TTXVN.

Tinh thần ấy, ở hoàn cảnh cả nước chống dịch Covid-19 lại quá giản đơn nhưng vô cùng ý nghĩa, đúng như khuyến cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về chống dịch, rất đặc biệt: Yêu nước là ngồi yên một chỗ!, hay: Ai ở đâu thì ở yên đó!

Rồi thông điệp của các y bác sĩ được cộng đồng mạng hưởng ứng: Chúng tôi đi làm vì bạn, xin bạn ở nhà vì chúng tôi!

Truyền thống yêu nước của người Việt Nam đã được khắc sâu trong suốt chiều dài lịch sử. Hơn nữa, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đều một lòng tin tưởng vào đường lối sáng suốt của Đảng và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ nên niềm tin có được là rất lớn. Đây chính là cơ hội để mọi người dân chúng ta thể hiện tinh thần yêu nước đó. 

Trao đổi với người viết, GS-TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã nhìn nhận: “Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Đảng lần thứ 2 - năm 1951 đã nói về lòng yêu nước: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Nếu không có một điều kiện nào đó hoặc là một cái cơ hội nào đó để thi thố, để thể hiện thì nó cũng rất đỗi bình thường. Có lẽ ít ai cảm nhận được điều cực kỳ quý báu vốn có  ở trong mỗi con người Việt Nam ta”.

GS Ngọc dẫn câu nói của dân gian: “Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài/ Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi”, và nhìn nhận: “Nếu như anh chỉ đặt nó như một vật quý trong hòm mãi thì cũng vẫn thế mà thôi, vật quý không phát huy được giá trị của nó. Cụ Hồ nói trong khung cảnh trên là muốn nói rằng vào lúc gian nan như thế là lúc lòng yêu nước được biểu hiện cao độ nhất”.

Theo GS Ngọc, góp phần đắc lực trong thành công bước đầu chống dịch Covid-19 ở nước ta, đúng là nhờ có lòng yêu nước. Khác với người Mỹ, họ có thứ dân chủ theo cách của họ, coi quyền cá nhân rất lớn. Họ coi như mình có toàn quyền sống hay chết. Tự do còn cao hơn cả sinh mệnh của cộng đồng. Người Việt mình thì khác, phải và sẵn sàng hy sinh cái tôi, cái cá nhân của mình cho đất nước, cho dân tộc, cho gia đình, bè bạn và thậm chí có thể cho cả nhân loại...

Dịch Covid-19 có thể rồi cũng kết thúc dù Việt Nam và cả thế giới đều chưa tìm ra vaccine để chữa trị. Nhưng ngay từ lúc này, đất nước ta đã phải tính đến việc giải quyết hậu quả rất lớn mà đại dịch để lại. Chúng ta cũng không thể đứng ngoài cuộc, hãy cùng chia sẻ và cùng chịu đựng khó khăn với nhau. Tin rằng với ý chí và sự thông minh của người Việt Nam, chúng ta sẽ vượt qua.

Bởi, hãy nhớ cách đây 34 năm về trước, trước tình thế tưởng như đứng trên bờ vực sụp đổ từ một nền kinh tế bao cấp, lạc hậu, nhưng nhờ tư tưởng "Đổi mới hay là chết?”, chúng ta đã chiến thắng và nhờ thế mới có được cơ đồ đất nước như ngày nay. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem